Giáo dục tiểu học chú trọng công tác tham mưu cho năm học mới

GD&TĐ - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng lưu ý ngành Giáo dục Tiểu học cần tham mưu một cách chủ động, kịp thời, kiên trì và có phương pháp cụ thể.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng chủ trì hội nghị.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng chủ trì hội nghị.

Chiều 20/7, tại Nghệ An, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023 và triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 cấp tiểu học. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng chủ trì hội nghị.

Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các vụ, phòng thuộc và trực thuộc Bộ GD&ĐT; đại diện các trường Đại học; lãnh đạo Sở GD&ĐT, lãnh đạo chuyên viên các phòng thuộc Sở tại 63 tỉnh thành trong toàn quốc.

Chất lượng giáo dục được khẳng định

Báo cáo tại hội nghị, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Thái Văn Tài cho biết, năm học 2022-2023 giáo dục Tiểu học diễn ra trong bối cảnh còn gặp nhiều khó khăn như: dịch bệnh Covid-19 chưa thực sự đẩy lùi, đội ngũ giáo viên cấp học còn thiếu hơn 23.000 thầy cô, quy mô trường lớp, cơ sở vật chất còn chưa đồng bộ… Tuy nhiên, vượt lên những khó khăn đó, Bộ GD&ĐT đã chủ động, kịp thời chỉ đạo toàn ngành giành được những kết quả tích cực.

Toàn cảnh hội nghị.

Toàn cảnh hội nghị.

Vào đầu năm học 2022-2023, khi tình hình dịch bệnh chưa thực sự được đẩy lùi, Bộ GD&ĐT đã chủ động, kịp thời chỉ đạo toàn ngành chuyển trạng thái hoạt động, ứng phó với dịch bệnh nhằm thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thành mục tiêu kép. Bộ ban hành nhiều văn bản và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm hướng dẫn, hỗ trợ ngành giáo dục địa phương duy trì chất lượng giáo dục tiểu học.

Năm học 2022-2023, quy mô trường lớp cấp Tiểu học đã được quy hoạch phù hợp, trình độ chuẩn đào tạo và nghề nghiệp của đội ngũ giáo viên được nâng cao, cơ sở vật chất ngày càng được hoàn thiện, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học. Các địa phương đã tích cực thực hiện sắp xếp lại mạng lưới quy mô trường, lớp nhằm tạo điều kiện thuận lợi, bảo đảm quyền học tập cho học sinh.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Thái Văn Tài báo cáo tổng kết năm học 2022-2023 cấp tiểu học.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Thái Văn Tài báo cáo tổng kết năm học 2022-2023 cấp tiểu học.

Công tác kiện toàn ban chỉ đạo phổ cập giáo dục cũng như nâng cao chất lượng trường tiểu học nhằm đảm bảo hiệu quả kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia được các địa phương đặc biệt quan tâm. Đến thời điểm hiện nay, 63/63 tỉnh thành duy trì và đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đạt tỷ lệ 100%. Trong đó, 30/36 tỉnh, thành phố được Bộ công nhận đạt chuẩn phổ cập tiểu học mức độ 3 (đạt tỷ lệ 48%).

Các địa phương làm tốt công tác tham mưu cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo nguồn lực để xây dựng, nâng cao chất lượng trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia. Tỷ lệ trường được công nhận chuẩn quốc gia đạt 62%, trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 đạt 14,2%.

Năm học 2022-2023, cũng là năm đầu tiên triển khai dạy học bình thường sau dịch bệnh Covid-19 và đưa môn tiếng Anh và Tin học trở thành môn học bắt buộc đối với lớp 3. Tuy nhiên, số lượng giáo viên các môn học và cơ sở vật chất để bố trí dạy học tại nhiều địa phương còn thiếu và chưa đồng bộ. Ngành GD địa phương đã tham mưu lãnh đạo tỉnh tích cực triển khai các điều kiện để tổ chức dạy học đảm bảo theo chương trình GDPT 2018. Kết thúc năm học, số học sinh lớp 3 được học tiếng Anh đạt 99,997% (các trường hợp còn lại thuộc diện khuyết tật); Tin học đạt 100%...

Chủ động và linh hoạt thực hiện kế hoạch năm học mới

Tại Hội nghị, đại diện Sở GD&ĐT các địa phương, trường ĐH đã trình bày nhiều tham luận đề cập đến các vấn đề như việc chuẩn bị cơ sở vật chất cho Chương trình giáo dục phổ thông mới, vấn đề xây dựng trường chuẩn quốc gia, việc thay sách giáo khoa mới. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng đề nghị ngành cần quan tâm đến vấn đề thiếu giáo viên, quan tâm đến việc xây dựng cơ sở vật chất ở vùng khó, dạy tiếng Anh tăng cường trong các nhà trường...

Các đại biểu đã có nhiều ý kiến làm rõ những tồn tại, hạn chế để rút ra bài học kinh nghiệm, bàn các giải pháp, phương hướng nhiệm vụ thực hiện trong năm học mới.

Theo đó, xác định chủ đề năm học 2023-2024 là “Đảm bảo an toàn trường học, chủ động và linh hoạt thực hiện kế hoạch năm học”, ngành Giáo dục tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình GDPT 2018 đối với các lớp 1,2,3,4 và Chương trình GDPT 2006 đối với lớp 5.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Tăng cường nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý. Trong đó, ngành giáo dục tập trung thực hiện xây dựng kế hoạch tuyển dụng, đào tạo bồi dưỡng để có đủ giáo viên đảm bảo chất lượng dạy học các môn học theo Chương trình GDPT. Đồng thời, chuẩn bị đội ngũ giáo viên dạy lớp 5 trong năm học 2023-2024 nhất là GV dạy tiếng Anh và Tin học cũng được chú trọng nhằm đảm bảo 100% GV được bồi dưỡng theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Công tác đảm bảo chất lượng giáo dục, chú trọng phát triển mạng lưới trường lớp, sở vật chất, thiết bị dạy học tiếp tục đẩy mạnh, phấn đấu đảm bảo học sinh Tiểu học được học 2 buổi/ngày theo yêu cầu của Chương trình GDPT 2018. Ngành Giáo dục cũng duy trì nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục Tiểu học và hướng đến thực hiện giáo dục Tiểu học là giáo dục bắt buộc theo quy định của Luật Giáo dục 2019.

Chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên, trong thực hiện Chương trình GDPT cấp tiểu học. Khai thác, sử dụng sách giáo khoa, các nguồn học liệu, thiết bị dạy học hiệu quả, phù hợp thực tiễn; vận dụng linh hoạt các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, phối hợp nhà trường, phụ huynh, các tổ chức cơ quan tại địa phương trong tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường.

Đại diện Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh và...

Đại diện Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh và...

... Sở GDĐT Nam Định trình bày tham luận tại Hội nghị.

... Sở GDĐT Nam Định trình bày tham luận tại Hội nghị.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đánh giá cao sự nỗ lực của các thầy cô giáo, các nhà trường cùng sự quan tâm của gia đình, xã hội đối với ngành giáo dục trong năm học qua.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cũng đề nghị Vụ Tiểu học tiếp thu tối đa các ý kiến của các đại biểu tại hội nghị. Đồng thời sớm hoàn thiện dự thảo hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục Tiểu học năm học 2023-2024 trước ngày 30/7.

Để thực hiện thành công nhiệm vụ năm học 2023-2024, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cũng lưu ý một số giải pháp trong đó tham mưu là công tác trọng tâm. Theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng công tác tham mưu phải chủ động, kịp thời, kiên trì có phương pháp dựa trên các căn cứ pháp lý và điều kiện thực tiễn.

Ngoài ra, ngành giáo dục cần xây dựng và triển khai hệ thống văn bản đầy đủ, kịp thời với yêu cầu. Người đứng đầu các cấp, ngành cần nắm chắc, hiểu đúng và áp dụng các văn bản hiệu quả; Phân cấp công việc gắn với trách nhiệm cho từng đơn vị, cán bộ, giáo viên...; Coi trọng công tác thanh tra và kiểm tra; Phát động, tổ chức các phong trào thi đua gắn với chủ đề của Bộ phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương; Làm tốt công tác phối hợp và hợp tác, tăng cường giao lưu học tập tạo điều kiện cho GV, cán bộ quản lý; Tăng cường đạo tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ