Hà Nội triển khai đại trà giáo dục STEM cấp Tiểu học

GD&TĐ - Sở GD&ĐT Hà Nội quyết định triển khai đại trà giáo dục STEM tại tất cả các trường tiểu học trên địa bàn thành phố từ năm học 2023-2024.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ kiểm tra công tác thí điểm giáo dục STEM tại Hà Nội.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ kiểm tra công tác thí điểm giáo dục STEM tại Hà Nội.

Ngày 20/5, Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức hội nghị hướng dẫn thực hiện nội dung giáo dục STEM cấp tiểu học tiếp cận theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Thái Văn Tài, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến; các chuyên gia, nhà khoa học cùng hàng nghìn giáo viên tiểu học trên địa bàn thành phố theo dõi trực tuyến kết hợp trực tiếp tại Trường THCS Thanh Xuân (quận Thanh Xuân).

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết: Giáo dục STEM là phương thức giáo dục chủ yếu dựa trên dạy học tích hợp, tạo cơ hội cho học sinh huy động, tổng hợp kiến thức, kỹ năng thuộc các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học để phát triển phẩm chất, năng lực và giải quyết các vấn đề trong thực tiễn.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học Thái Văn Tài hướng dẫn thực hiện giáo dục STEM.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học Thái Văn Tài hướng dẫn thực hiện giáo dục STEM.

Năm học 2022-2023, Hà Nội là 1 trong 7 tỉnh, thành phố tham gia thí điểm giáo dục STEM ở cấp tiểu học với 5 đơn vị quận, huyện tham gia gồm Hoàn Kiếm, Đống Đa, Gia Lâm, Mỹ Đức, Ba Vì, mỗi quận, huyện chọn 2 trường thí điểm. Tổng số có 10 trường đã đăng ký tham gia với 264 giáo viên, 199 lớp, 7.504 học sinh.

Dưới sự giúp đỡ của Bộ GD&ĐT, Hà Nội đã thí điểm thành công giáo dục STEM cấp tiểu học. Đội ngũ cán bộ quản lý giáo viên tham gia thí điểm đã nắm vững phương thức giáo dục STEM, các hình thức tổ chức giáo dục STEM, điều chỉnh kế hoạch giáo dục nhà trường để thực hiện hiệu quả giáo dục STEM.

Học sinh được tiếp cận với hoạt động thực hành ngay sau khi tiếp cận kiến thức, tạo điều kiện cho học sinh được củng cố kiến thức hình thành kỹ năng, phát triển phẩm chất, năng lực góp phần thực hiện mục tiêu, yêu cầu cần đạt của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, khắc phục căn bản lối dạy học truyền thống chú trọng truyền đạt kiến thức.

Sở GD&ĐT Hà Nội nhận định, giáo dục STEM đã quan tâm nâng cao phẩm chất, năng lực cho học sinh. Giáo viên chủ động xây dựng được danh mục chủ đề/bài học STEM/STEAM theo hướng tăng cường, phát huy tính chủ động, tích cực, tự học của học sinh trong các môn học, nắm được quy trình và thứ tự thực hiện các bước để tổ chức thực hiện bài học STEM.

Tại hội nghị, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học Thái Văn Tài đã hướng dẫn thực hiện giáo dục STEM. Những nội dung cơ bản được phổ biến gồm: Vai trò của giáo dục STEM đối với học sinh tiểu học; các hình thức tổ chức hoạt động giáo dục STEM, hoạt động trải nghiệm STEM, quy trình tổ chức hoạt động giáo dục STEM…

TS Tưởng Duy Hải - giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, chuyên gia tập huấn giáo dục STEM của Bộ GD&ĐT trình bày nội dung tập huấn.

TS Tưởng Duy Hải - giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, chuyên gia tập huấn giáo dục STEM của Bộ GD&ĐT trình bày nội dung tập huấn.

Hội nghị cũng đã được nghe TS Tưởng Duy Hải - giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, chuyên gia tập huấn giáo dục STEM của Bộ GD&ĐT, chủ biên Bộ sách Bài học STEM chia sẻ các nội dung về xây dựng kế hoạch và thực hiện bài học STEM trong dạy học các môn học cấp Tiểu học.

Còn đại diện Công ty Cổ phần Phát hành Sách Giáo dục, Nhà xuất bản Việt Nam cho biết đã mời các chuyên gia có kinh nghiệm và chuyên môn về triển khai nội dung giáo dục STEM biên soạn bộ tài liệu "Bài học STEM dùng cho học sinh tiểu học".

Mỗi cuốn trong bộ tài liệu mang đến cho các em học sinh 17 bài học STEM. Mỗi bài thực hiện trong 2 tiết, bám sát yêu cầu cần đạt, kế hoạch dạy học các môn Toán, Tự nhiên và Xã hội ở lớp 1, 2 và Toán, Tự nhiên và Xã hội, Công nghệ, Tin học ở lớp 3, 4, tích hợp thêm yếu tố âm nhạc, mỹ thuật nhằm mở rộng, nâng cao hiệu quả của giáo dục thực hành, hợp tác theo nhiều cách khác nhau để thúc đẩy tính sáng tạo, thẩm mỹ, trí tò mò và sự thấu cảm của học sinh.

Nhờ các chuyên gia, nhà khoa học tại buổi tập huấn, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên thành phố Hà Nội cũng hiểu thêm về mối quan hệ giữa giáo dục STEM với một số phương pháp, hoạt động giáo dục khác; cách thức tổ chức và đánh giá học sinh trong giáo dục STEM...

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết, sau hội nghị này, Sở yêu cầu các Phòng GD&ĐT, các nhà trường xây dựng kế hoạch thực hiện nội dung giáo dục STEM tại đơn vị mình bảo đảm đáp ứng tốt yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ