Việt Nam có triết lý giáo dục của mình
Sáng 1/11, trả lời chất vấn về triết lý giáo dục Việt Nam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: Đất nước chúng ta phát triển có triết lý, nền giáo dục Việt Nam cũng có triết lý. Các nước trên thế giới đều có triết lý của mình. Một số nước đúc kết thành những câu rất ngắn gọn, dễ hiểu để nhấn trọng tâm.
Giáo dục chúng ta cũng đã nói nhiều, như phát triển con người toàn diện: Đức – Trí – Thể - Mỹ; chúng ta cũng nói đầy đủ 4 trụ cột của UNESCO (học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tồn tại; gần đây, bắt đầu đưa vào trụ cột thứ 5 là học để thay đổi mình và thay đổi thế giới). Tất cả những điều này nằm trong nghị quyết hay các văn bản có tính chất quy phạm pháp luật cũng đều đã thể hiện.
Phó Thủ tướng cho biết: “Tới đây, khi bàn sửa Luật Giáo dục, một trong những điều đầu tiên của Luật Giáo dục là có một điều về mục tiêu giáo dục. Chúng tôi đã chỉ đạo nhiều cuộc thảo luận để đưa vào một cách cô đọng nhất những vấn đề đặc trưng mục tiêu và có tính triết lý của giáo dục Việt Nam. Chúng tôi khẳng định lại là giáo dục Việt Nam có triết lý giáo dục của mình”.
|
Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng SGK đúng cách
Trả lời chất vấn về thực trạng, trách nhiệm, giải pháp khắc phục tình trạng lãng phí SGK, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết: Việc này, Bộ GD&ĐT đã có báo cáo tổng thể gửi các đại biểu Quốc hội. Với thực trạng sử dụng SGK như vừa qua thì việc lãng phí là có thật. Nguyên nhân có nhiều, song trước hết là do việc thiết kế SGK hiện hành còn có các dạng bài tập khiến HS dễ viết, vẽ trực tiếp vào SGK, dẫn đến không sử dụng được nhiều lần. Mặc dù việc thiết kế này mang tính chuyên môn, được các tác giả tiếp thu kinh nghiệm quốc tế nhưng trong hoàn cảnh nước ta còn nghèo thì chưa thực sự phù hợp, gây ra sự lãng phí.
Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các giải pháp nhằm hạn chế sự lãng phí. Trong một số SGK đã có nội dung hướng dẫn giáo viên và HS ghi kết quả làm bài vào vở ghi. Đồng thời, đã tổ chức các đợt tập huấn cho giáo viên việc hướng dẫn HS sử dụng sách theo hướng tiết kiệm, lâu bền. Tuy nhiên, hiệu quả của các giải pháp này còn hạn chế. Với trách nhiệm của mình, Bộ trưởng cũng nhận trách nhiệm về việc này.
Trước phản ánh của đại biểu Quốc hội và cử tri gần đây, Bộ GD&ĐT đã tiếp thu, ban hành Chỉ thị 3798 về việc sử dụng SGK và sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Theo đó, Bộ chỉ đạo các sở GD&ĐT hướng dẫn cơ sở giáo dục tại địa phương sử dụng, bảo quản SGK và hướng dẫn HS hạn chế viết vào SGK trong quá trình thực hiện các hoạt động học.
Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng SGK đúng cách để rèn luyện ý thức giữ gìn, tiết kiệm cho HS. Tới đây, khi biên soạn SGK mới, Bộ yêu cầu các nhà xuất bản thiết kế các dạng bài tập trong SGK theo hướng hạn chế viết, vẽ trực tiếp vào SGK. Bộ GD&ĐT cũng đề nghị các trường phát động phong trào giữ gìn SGK, quyên góp xây dựng thư viện SGK để HS có thể sử dụng miễn phí hoặc hỗ trợ HS các vùng khó khăn.
Kinh phí thực hiện hợp đồng bảo vệ trường học đã được ngân sách bảo đảm
Trả lời về vị trí nhân viên bảo vệ trường học, nhân viên tạp vụ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết: Vị trí việc làm trong các cơ sở giáo dục công lập đã được quy định tại Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT đối với các cơ sở giáo dục phổ thông và Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV của Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ đối với các cơ sở giáo dục mầm non, trong đó các trường được bố trí lao động hợp đồng để thực hiện công việc bảo vệ, tạp vụ.
Kinh phí chi trả thực hiện hợp đồng cho các công việc này đã được quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP của Chính phủ; trong đó, kinh phí thực hiện hợp đồng các công việc như Đại biểu nêu đã được ngân sách Nhà nước bảo đảm và được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm của các địa phương.
Việc Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT thay thế Thông tư số 29/2012/TT-BGDĐT, trong đó quy định không vận động tài trợ của gia đình HS và xã hội để chi trả thù lao cho nhân viên bảo vệ, tạp vụ vì kinh phí thực hiện công việc này đã được ngân sách Nhà nước chi trả.
Việc ban hành Thông tư này, theo Bộ trưởng, nhằm khắc phục tình trạng lạm thu, sử dụng kinh phí xã hội hóa không đúng mục đích trong các cơ sở giáo dục. Đồng thời, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tài trợ, ủng hộ để phát triển sự nghiệp giáo dục, tăng cường cơ sở vật chất trường lớp, hỗ trợ hoạt động dạy-học, hoạt động giáo dục tại các cơ sở giáo dục. Như vậy, việc ban hành Thông tư này không phải là nghịch lý mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở giáo dục được tiếp nhận các nguồn tài trợ hợp pháp phục vụ sự phát triển của nhà trường.
|
Phân hiệu của cơ sở giáo dục ĐH không có tư cách pháp nhân độc lập
Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh – đoàn Long An chất vấn: Thông tư 08 năm 2014 của Bộ GD&ĐT quy định phân hiệu của ĐH có con dấu, tài khoản riêng thì có mâu thuẫn với quy định của Luật Giáo dục ĐH về phân hiệu của cơ sở giáo dục ĐH không có tư cách pháp nhân hay không? Có trái với khẳng định trong báo cáo của Bộ là đã quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục ĐH phù hợp với định hướng của Nghị quyết 29/NQ-TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW không?
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời: Các quy định này không mâu thuẫn nhau và không trái với quy hoạch mạng lưới các cơ sở GDĐH theo định hướng của Nghị quyết 29/NQ-TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW. Theo Điều 74 Bộ luật Dân sự, một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi đảm bảo 4 điều kiện: Được thành lập theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan; có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật này; có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó và nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập.
Theo Điều 21, Luật Giáo dục ĐH, phân hiệu của cơ sở giáo dục ĐH thuộc cơ cấu tổ chức và chịu sự quản lý, điều hành của cơ sở giáo dục ĐH. Phân hiệu của cơ sở giáo dục ĐH không có tư cách pháp nhân độc lập, đóng ở tỉnh, thành phố khác với nơi đặt trụ sở chính của cơ sở giáo dục đại học, chịu sự quản lý của UBND cấp tỉnh nơi đặt phân hiệu.
Theo Khoản 5 Thông tư 08 năm 2014 của Bộ GD&ĐT, phân hiệu của ĐH vùng có con dấu, tài khoản riêng nhưng không có tư cách pháp nhân vì phân hiệu của ĐH vùng là một đơn vị thuộc ĐH vùng, chịu sự quản lý của ĐH vùng, không có tài sản độc lập với ĐH vùng; không nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập. Vì vậy, chưa đáp ứng đủ 4 điều kiện để trở thành pháp nhân theo quy định tại Điều 74, Bộ luật Dân sự. Như vậy, quy định của Thông tư 08 phù hợp với Quy định của Luật GDĐH. Vì chỉ là một bộ phận trong cơ cấu tổ chức của ĐH/trường ĐH (không phải là cơ sở GDĐH độc lập) nên trong Quy hoạch mạng lưới các trường ĐH hiện hành theo Quyết định 37/2013/TTgCP không quy định đối với phân hiệu của cơ sở GDĐH.