Đưa trường ĐH trở thành trung tâm của khởi nghiệp sáng tạo

Đưa trường ĐH trở thành trung tâm của khởi nghiệp sáng tạo

Nhấn mạnh tầm quan trọng của khởi nghiệp, đại biểu Nguyễn Thị Lan cho rằng, chủ trương khởi nghiệp dựa trên đổi mới sáng tạo là rất phù hợp với xu thế thời đại cũng như nhu cầu phát triển của đất nước. Nhưng hiện nay vẫn còn một số vấn đề khó khăn như chưa chuẩn bị cho nền tảng chung của hệ sinh thái khởi nghiệp.

Thực tế cho thấy, vấn đề khởi nghiệp không phải thiếu nguồn vốn tài chính mà là thiếu kiến thức và năng lực. Kiến thức và năng lực là nền móng giúp nhận thức rõ ràng đầy đủ hơn về khởi nghiệp, từ đó đảm bảo cho khởi nghiệp đi vào chiều sâu, lâu dài và liên tục.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Lan, Việt Nam là nước có tiềm năng và lợi thế về nông nghiệp nên trong trào lưu khởi nghiệp quốc gia phải lấy khởi nghiệp nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và mỗi xã một sản phẩm làm nền tảng. Nhưng khởi nghiệp nông nghiệp còn nhiều hạn chế, rất cần được tháo gỡ và hỗ trợ.

Khó khăn lớn nhất của khởi nghiệp nông nghiệp là thiếu nguồn nhân lực trẻ và có trình độ, thiếu môi trường cũng như các nguồn lực cho khởi nghiệp, rủi ro lớn cả về mặt tự nhiên và thị trường.

Nhận thức rõ vai trò của khởi nghiệp đối với sinh viên, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án hỗ trợ học sinh sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025 với 3 nôi dung lớn là: Hỗ trợ đào tạo khởi nghiệp; tạo môi trường hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp; hỗ trợ nguồn vốn cho các chương trình, dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan
 Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan

Vì vậy, đại biểu Nguyễn Thị Lan cho rằng, thúc đẩy khởi nghiệp nông nghiệp phải dựa vào các trụ cột: đào tạo nâng cao năng lực khởi nghiệp nông nghiệp và tạo dựng môi trường khởi nghiệp tại nông thôn; hỗ trợ vốn và pháp lý cho thanh niên nông thôn và những người muốn khởi nghiệp nông nghiệp. Đây nên được coi là khâu đột phá cho phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, gắn với chủ trương mỗi xã hội sản phẩm trong thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Lực lượng trước mắt để đào tạo nâng cao năng lực khởi nghiệp nông nghiệp dựa trên đổi mới sáng tạo là hàng chục ngàn sinh viên trong khối các trường nông lâm ngư nghiệp trên cả nước tốt nghiệp hàng năm.

Các trường này cần xây dựng một chương trình đào tạo bài bản, hệ thống, nhằm từng bước đưa tư tưởng khởi nghiệp thấm vào suy nghĩ đồng thời trang bị đầy đủ kiến thức, kĩ năng, thái độ cho sinh viên khi ra trường, để suy nghĩ và nhận thức ấy sẵn sàng biến thành hành động khởi nghiệp, tự tạo ra công ăn việc làm, làm chủ sản xuất, dám chấp nhận thất bại và rủi ro, góp phần nâng tầm nền nông nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế.

Tư tưởng cốt lõi của chương trình đào tạo này là truyền cảm hứng mạnh mẽ cho các bạn trẻ, thôi thúc sự đam mê, sáng tạo, khát vọng làm giàu cho quê hương, đất nước và cho bản thân họ.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan đề nghị, Quốc hội và Chính phủ cần xác định khởi nghiệp quốc gia không phải là phong trào và Nhà nước cần có chiến lược và chính sách đưa Việt Nam trở thành một quốc gia khởi nghiệp có chiều sâu, thường xuyên, liên tục và bền vững.

Tiếp đó, xây dựng chương trình cụ thể để đưa việc đào tạo, nâng cao năng lực kiến thức khởi nghiệp vào hệ thống các trường trong khối nông lâm ngư nghiệp và các cơ sở giáo dục có liên quan để thúc đẩy khởi nghiệp nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và mỗi xã là một sản phẩm. Nhờ thế các trường ĐH có thể thực sự trở thành trung tâm của khởi nghiệp sáng tạo.

Cuối cùng, xây dựng môi trường và các nguồn lực tại các vùng nông thôn, miền núi, phục vụ khởi nghiệp nhằm đưa hệ sinh thái quốc gia khởi nghiệp phát triển toàn diện và bền vững.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ