Thêm trường ĐH Việt Nam lọt top 500 Châu Á, ĐB Quốc hội bàn biên chế giáo viên

Thêm trường ĐH Việt Nam lọt top 500 Châu Á, ĐB Quốc hội bàn biên chế giáo viên

Trường ĐH Việt Nam tiếp tục có bước tiến trong xếp hạng

Tổ chức giáo dục Quacquarelli Symonds (QS) công bố kết quả bảng xếp hạng QS ASIA 2018-2019 cho 505 trường đại học hàng đầu Châu Á. Theo đó, Việt Nam có thêm 1 trường ĐH lọt vào top 500 Châu Á, nâng số lượng trường của Việt Nam lọt top này lên 7 trường.

Cụ thể, 7 trường ĐH gồm: ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP. Hồ Chí Minh, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trường ĐH Cần Thơ, ĐH Đà Nẵng và ĐH Huế.

Trong đó, đang chú ý, ĐH Quốc gia Hà Nội xếp thứ nhất trong các trường ĐH Việt Nam với vị trí 124, tăng 15 bậc so với năm 2018. Trường ĐH Bách khoa Hà Nội với vị trí 261-270, vươn lên 30 bậc so với năm 2018.

Cũng trong tuần qua, Bảng xếp hạng A3 Ranking công bố xếp hạng giáo dục đại học của 150 quốc gia trên thế giới. Theo bảng xếp hạng này, Việt Nam ở vị trí thứ 53.

Với vị trí này, Việt Nam đứng trên gần 100 quốc gia. Phương pháp xếp hạng là dựa trên số lượng công trình được công bố và số các giải thưởng khoa học nhận được.

Có 4 trường Việt nam lọt vào top 2000, trong đó ĐHQG Hà Nội, ĐHQG Hồ Chí Minh lot top 1.500; 2 Trường ĐH: Bách khoa Hà Nội, Tôn Đức Thắng vào top 1500-2000.

Đưa ra đánh giá trước thông tin này, TS. Nghiêm Xuân Huy - Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục (GD), ĐHQG Hà Nội – cho rằng: Sự tham gia ngày càng nhiều của các cơ sở GDĐH Việt Nam vào các bảng xếp hạng là một dấu hiệu tích cực, cho thấy các trường ĐH đã có những định hướng phát triển phù hợp với thông lệ quốc tế, đã có những thay đổi tích cực về chất trong đào tạo, nghiên cứu để tiếp cận trình độ của khu vực.

Vướng mắc trong quản lý giáo viên

Phát biểu thảo luận tại Hội trường Quốc hội chiều 26/10, đại biểu Phan Thái Bình (đoàn Quảng Nam) nhắc đến thực trạng giáo viên thừa thiếu cục bộ và cho biết: Trong quản lý, sử dụng giáo viên, tuyển giáo viên như phân cấp trong quản lý của ngành Giáo dục, chúng ta thực hiện đang có vướng mắc.

Hiện nay, Giám đốc Sở GD&ĐT của tỉnh chỉ được điều phối giáo viên THPT, còn từ cấp mầm non đến phổ thông cơ sở đã phân cấp cho chính quyền địa phương quản lý. Do đó, xảy ra thực trạng giáo viên nơi thiếu, nơi thừa nhưng không cùng cấp học, không cùng môn học, ở các địa phương khác nhau, địa phương này không thể điều chuyển sang địa phương khác. Giám đốc Sở GD&ĐT không giải quyết được vì do chính quyền địa phương quản lý.

Do đó, đại biểu Phan Thái Bình đề xuất giao thống nhất quản lý biên chế giáo viên cho ngành Giáo dục, từ Bộ GD&ĐT cho đến Sở GD&ĐT, không phân cấp cho địa phương để thuận lợi cho việc điều chuyển giáo viên, tăng biên chế được giao.

Cũng ngày 26/10, Đại biểu Quốc hội Đinh Duy Vượt (Gia Lai) đã đề cập đến vấn đề thiếu giáo viên hiện nay và trách nhiệm của Bộ Nội vụ trong vấn đề này

Ông cho biết, tình trạng thiếu giáo viên ở nhiều tỉnh xong vẫn buộc phải cắt hợp đồng giáo viên, nhất là ở các tỉnh miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vì một số năm gần đây không được giao thêm biên chế, không được hợp đồng làm công việc chuyên môn.

“Đây là sự vận dụng cứng nhắc, máy móc không thực tế, vừa gây bức xúc trong đội ngũ giáo viên và hại đơn hại kép trước mắt cũng như lâu dài. Nguy cơ tái mù chỉ trong nay mai và đương nhiên thành quả xây dựng nông thôn mới, thành quả phổ cập giáo dục không thể vững chắc” – ông Vượt nói.

Cũng bàn về vấn đề đội ngũ giáo viên, đại biểu Vương Văn Sáng (Lào Cai) đề nghị: Về tinh giản biên chế, cần tập trung giải quyết quyết liệt khu vực hành chính, khu vực sự nghiệp đẩy mạnh tự chủ. Riêng sự nghiệp giáo dục đề nghị không giao chỉ tiêu giảm mà cần quy hoạch sắp xếp mạng lưới trường lớp, lớp học hợp lý, bố trí đủ số lượng đảm bảo cơ cấu giáo viên đứng lớp cho các trường mầm non và phổ thông công lập. Thực tế hiện nay các tỉnh đều thiếu giáo viên.

Trong phiên thảo luận chiều 26/10, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ chia sẻ: Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm về chất lượng giáo viên, quy chuẩn giáo viên và các chương trình đào tạo bồi dưỡng của các trường sư phạm. Tại thời điểm này, có nhiều vấn đề về chất lượng, về quy chuẩn đã sửa căn bản. Về chất lượng đã gắn với đổi mới chương trình đào tạo. Nhưng về sử dụng, tuyển dụng thì do chính quyền địa phương.

Bộ trưởng tha thiết đề nghị các đồng chí lãnh đạo địa phương ưu tiên không giảm biên chế giáo viên một cách cơ học, như Thủ tướng đã chỉ đạo.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị địa phương ưu tiên về giáo viên, Bộ Nội vụ tham mưu về chế độ chính sách. Bộ GD&ĐT không thể chịu trách nhiệm về chất lượng được nếu thiếu 2 điều kiện: biên chế giáo viên và trường lớp cơ sở vật chất.

Bộ trưởng cho biết thêm: Về nguyên lý, đối với mầm non, tiểu học phải đủ giáo viên, đủ trường lớp cho các cháu học. Chúng tôi đã làm việc với Bộ Nội vụ và các Bộ, ngành khác thống nhất định mức là 35 cháu tiểu học, 45 cháu THCS trên một lớp, đây vẫn là định mức cao nhưng nước ta còn nghèo nên chúng tôi đề nghị đảm bảo định mức đó.

Cần có chính sách đào tạo cho giáo viên vùng sâu vùng xa; đồng thời không dồn dịch các điểm trường một cách cơ học đưa tất cả vào những khu không đảm bảo điều kiện, dẫn tới các cháu bỏ học vì xa nhà, không đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất trường lớp.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc trao thưởng cho các sinh viên có đề tài nghiên cứu đạt giải Nhất
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc trao thưởng cho các sinh viên có đề tài nghiên cứu đạt giải Nhất 

Nhiều hoạt động khuyến học, khuyến tài

Chiều 27/10, tại lễ Tổng kết và trao thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học" và “Khoa học - Công nghệ dành cho giảng viên trẻ” trong các cơ sở giáo dục đại học năm 2018, Bộ GD&ĐT trao tặng bằng khen cho 23 tập thể, 37 cá nhân có công trình nghiên cứu đạt kết quả cao; cấp giấy chứng nhận cho các giảng viên trẻ có công trình đạt giải Ba và Khuyến khích. Ban thường vụ Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng Huy chương Tuổi trẻ sáng tạo cho 7 cá nhân giảng viên trẻ.

Đối với Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2018, Bộ GD&ĐT trao tặng bằng khen cho 18 tập thể đạt nhiều thành tích trong hoạt động khoa học – công nghệ, cấp chứng nhận cho sinh viên, giảng viên hướng dẫn các đề tài nghiên cứu khoa học đạt giải; Ban thường vụ Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng bằng khen cho sinh viên có đề tài đạt giải Nhất và giải Nhì.

Sáng 28-10, Hội Khuyến học TPHCM đã tổ chức Ngày hội truyền thống khuyến học và lễ trao học bổng khuyến tài năm học 2018-2019.

Tại buổi lễ trao học bổng, Hội khuyến học TP đã vinh danh 16 sinh viên tốt nghiệp loại giỏi và 162 sinh viên tốt nghiệp đại học, đồng thời trao học bổng khuyến tài cho 119 sinh viên mới năm học 2018-2019.

Ngoài ra, 415 sinh viên đã nhận học bổng trong các năm học trước tiếp tục được nhận học bổng lần 2, 3, 4, 5, 6 (tùy thuộc vào quy định thời gian của chuyên ngành ở đại học) với tổng số tiền hơn 1,8 tỷ đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ