Luôn có “đất sống”
TS Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh, Luật GD năm 2019 có nhiều quy định mới rất tiến bộ về giáo dục thường xuyên (GDTX). Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn phổ biến tình trạng nhận thức chưa đúng, chưa đầy đủ và coi nhẹ vai trò của GDTX, trong đó có vấn đề xã hội hoá GDTX.
Với quan điểm, GDTX phải thật sự là GD không chính quy, TS Nguyễn Vinh Hiển phân tích, GD chính quy có vai trò quyết định và đặc biệt quan trọng đối với việc đảm bảo quy mô và chất lượng của cả hệ thống GD. Nhưng vì là chính quy nên nó không thể linh hoạt đáp ứng mọi nhu cầu ngày càng đa dạng và ngày càng nhanh chóng thay đổi của người dân, ngay cả đối với những người đang theo học chính quy.
Vì vậy, GD không chính quy luôn có “đất sống” và ngày càng có cơ hội phát triển. Điều này chúng ta đã dễ dàng nhận thấy ở các nước phát triển như: Australia, Đức, Đan Mạch… “Ở nước ta, tiếc rằng, do ảnh hưởng của tư duy bao cấp, đã một thời và ngay cả bây giờ, GDTX cứ trông chờ vào Nhà nước, cứ muốn đi theo cách làm, tiêu chí và mục tiêu của GD chính quy nên cứ mãi theo sau GD chính quy. Đó là lý do khiến cho không ít các nhà làm công tác quản lý muốn xoá sổ GDTX vì thấy nó thừa. Bài học rút ra ở đây là, GDTX phải tiến lên hiện đại, nhưng không được chính quy mà phải bằng phương thức không chính quy – cái mà GD chính quy không làm được” - TS Nguyễn Vinh Hiển trao đổi.
Theo TS Nguyễn Vinh Hiển, chúng ta cần chuyên nghiệp hoá GD thường xuyên. Trong bối cảnh ngự trị của tư duy bao cấp, chúng ta lại đã và đang tận dụng những người có nghề GD chính quy sang làm GD không chính quy. Không có trường lớp đào tạo hay tập huấn chuyên nghiệp cho nghề GD không chính quy. Nhiều người đang làm GD không chính quy tự cho là mình không may mắn, nên không yên tâm với công việc hiện tại, luôn nhìn trước ngó sau để tìm kiếm cơ hội chuyển sang làm GD chính quy. Những người xuất sắc trong lĩnh vực GD không chính quy chỉ là nhờ tâm huyết mà tự học, tự đào tạo nên số này không nhiều.
GDTX cần nắm bắt nhu cầu giống nhau về học tập thường xuyên của các đối tượng khác nhau. Ảnh minh họa/ INT |
Mềm hóa GDTX
Cũng theo TS Nguyễn Vinh Hiển, linh hoạt, mềm dẻo là bản chất, là thế mạnh của GDTX nhưng chưa thật sự được chú trọng ở mọi lúc mọi nơi; ở một mức độ nào đó, nó lại bị lợi dụng để hạ thấp yêu cầu chất lượng của GDTX. Hậu quả là GDTX thường bị đánh giá thấp; cần phải khắc phục tình trạng này trong quá trình phát triển mềm dẻo của GDTX. Tính linh hoạt, mềm dẻo sẽ tạo cho GDTX tận dụng được nhiều điều kiện và cơ hội phát triển, kể cả việc nó sẽ phối hợp và hỗ trợ cho GD chính quy.
TS Nguyễn Vinh Hiển đề xuất: GDTX cần chủ động, linh hoạt để tận dụng điều kiện trong một số hoạt động như: GDTX linh hoạt để phát huy dân chủ. Mọi chủ trương, chính sách, các phong trào, các cuộc vận động… đều cần được mọi người dân góp ý, phản biện, hiểu rõ và đồng thuận. Chúng ta chưa thực hiện tốt điều này. Ví dụ, mục tiêu, nội dung, giải pháp đổi mới GD-ĐT hiện nay đang chưa được hiểu đúng, hiểu đủ nên nhiều việc của ngành GD vừa mới triển khai đã bị các phản ứng bất lợi.
Ngoài ra, Luật GD nêu rõ, GDTX có thể được thực hiện ở rất nhiều cơ sở khác nhau, trước hết là các cơ sở GD chính quy và các cơ sở văn hoá; nhưng để khai thác được các địa điểm và các điều kiện về không gian, thời gian, thiết bị và nhân lực ở những nơi đó một cách hiệu quả thì các cơ sở GDTX phải mở rộng quan hệ hợp tác trên cơ sở “hai bên cùng có lợi” và cùng hướng đến mục tiêu phục vụ người học, tuỳ theo nội dung và đối tượng học tập. Trên thực tế, các cơ sở GDTX chưa tận dụng tốt các điều kiện của xã hội, nhất là vào các thời gian nghỉ của các nhà trường phổ thông, cho mục đích hoạt động và mục đích tiết kiệm đầu tư của mình.
Mặt khác, GDTX cần nắm bắt nhu cầu giống nhau về học tập thường xuyên của các đối tượng khác nhau, ở các nơi khác nhau để tổ chức những khoá học chung, vừa đảm bảo mục tiêu học tập, vừa tạo thuận lợi về thời gian, kinh phí, tài liệu cho các tổ chức và cá nhân; góp phần thực hiện quy định của Luật GD là: “Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được thường xuyên học tập, HTSĐ để phát triển bản thân và nâng cao chất lượng cuộc sống” và: “Cơ sở GD nghề nghiệp, cơ sở GD đại học có trách nhiệm phối hợp cung cấp nguồn học liệu cho cơ sở GDTX đáp ứng nhu cầu học tập của người học”.
“Ở nước ta, nhu cầu hoạt động trải nghiệm cuộc sống của học sinh phổ thông và thực hành, thực tập nghề nghiệp của sinh viên đại học đang ngày càng tăng cao, các nhà trường chính quy khó đáp ứng được đầy đủ. Đã có nhiều cơ sở GD không chính quy được các tổ chức, cá nhân thành lập và hoạt động đón đầu cơ hội này. Đây là xu hướng cần được quan tâm hỗ trợ theo chủ trương XHHGD”, TS Nguyễn Vinh Hiển cho biết.
TS Nguyễn Vinh Hiển