Nâng cao hiệu quả dạy văn hóa kết hợp dạy nghề

GD&TĐ - Nâng cao hiệu quả việc tổ chức phối hợp, liên kết đào tạo việc dạy văn hóa và dạy nghề, bảo đảm phần dạy văn hóa phải do các trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX) thực hiện, là những nội dung quan trọng đang được Bộ GD&ĐT xem xét để có hướng dẫn cụ thể trong thời gian tới.

Dạy văn hóa và dạy nghề là quy luật tất yếu trong mô hình giáo dục mở. Ảnh: Quý Trung
Dạy văn hóa và dạy nghề là quy luật tất yếu trong mô hình giáo dục mở. Ảnh: Quý Trung

Ba hình thức liên kết

Ông Phạm Sỹ Bình - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên (Bộ GD&ĐT) cho biết: Hiện nay, có 3 hình thức thực hiện chương trình dạy văn hóa kết hợp với dạy nghề: Thứ nhất, trung tâm GDTX liên kết với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (CSGDNN) là trường TC, CĐ được giao thực hiện đào tạo trung cấp tổ chức dạy văn hóa kết hợp học nghề cho học viên học THPT theo chương trình GDTX tại trung tâm.

Trung tâm GDTX tổ chức dạy phần văn hóa và các CSGDNN dạy chương trình trung cấp nghề. Thứ hai, CSGDNN tuyển sinh trung cấp nghề liên kết với trung tâm GDTX để tổ chức dạy văn hóa chương trình GDTX cấp THPT cho học sinh trung cấp nghề tại các CSGDNN này. Thứ ba, các CSGDNN tuyển sinh trung cấp nghề và tự thực hiện cả hai chương trình dạy văn hóa theo chương trình GDTX cấp THPT và dạy nghề.

Theo báo cáo chưa đầy đủ của Sở GD&ĐT, hiện 13 tỉnh giao nhiệm vụ cho các trường ĐH, CĐ, TC được tổ chức dạy chương trình GDTX cấp THPT bao gồm Bắc Giang, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Tĩnh, Nghệ An, Ninh Bình, Nam Định, Thái Nguyên, Thái Bình, Bình Phước, Khánh Hòa…

Về ưu điểm, việc tổ chức dạy văn hóa kết hợp dạy nghề là một giải pháp quan trọng, góp phần thực hiện tốt chủ trương phân luồng học sinh sau THCS, thực hiện công tác hướng nghiệp, đào tạo nghề ngắn hạn. Dạy nghề cho học viên học chương trình GDTX cấp THPT về cơ bản phù hợp với khả năng, nhận thức và điều kiện gia đình của học viên.

Rút ngắn được thời gian học tập, giảm bớt khó khăn cho học viên, giúp người học sớm tham gia vào thị trường lao động. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cho thấy, những khó khăn, bất cập khi còn thiếu cơ sở pháp lý cũng như văn bản hướng dẫn cụ thể để tổ chức mô hình dạy văn hóa kết hợp với dạy nghề.

Theo Luật Giáo dục, Bộ GD&ĐT có thể cho phép các cơ sở giáo dục được thực hiện chương trình GDTX, nhưng Luật Giáo dục nghề nghiệp (2013) và Điều lệ của trường CĐ, ĐH không quy định các cơ sở này được thực hiện dạy chương trình GDTX cấp THPT.

Thực tế, một số UBND tỉnh đã cho phép các trường CĐ, TC được tuyển sinh và dạy chương trình GDTX cấp THPT như: Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Quảng Ninh, Bắc Giang, Thanh Hóa… Điều này đã tạo ra sự không thống nhất trong chỉ đạo thực hiện và các trường được UBND tỉnh cho phép dạy chương trình GDTX cấp THPT là chưa đúng với những quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp.

Xu hướng giáo dục mở

Xoay quanh các vấn đề nêu trên, các ý kiến cho rằng, Bộ GD&ĐT cần ban hành thông tư hướng dẫn việc dạy văn hóa kết hợp dạy nghề, trong đó quy định các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên… các điều kiện nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết: Trước hết cần phải hiểu đây là kết hợp để đào tạo song bằng, không phải là việc bổ trợ thêm kiến thức văn hóa. Song bằng có hai loại chủ thể là GDTX thêm phần dạy nghề và chủ thể trường nghề thêm phần dạy văn hóa. Hiện các trường CĐ triển khai tuyển sinh học trung cấp nghề theo mô hình 9+, tuy nhiên, học sinh sau khi ứng tuyển và vào học cao đẳng được 2 năm thì xin chuyển trường.

Về pháp nhân, đây là đối tượng của hệ cao đẳng nghề nhưng vẫn có học bạ học sinh phổ thông, có thể bỏ học nghề xin chuyển sang học sinh phổ thông. Nếu công nhận thì đây là vấn đề “lách” qua thi vào THPT. Vì vậy, nếu muốn chuyển từ học nghề sang THPT thì phải có giấy chứng nhận đã thi đỗ vào lớp 10.

Tiếp tục triển khai mô hình dạy văn hóa kết hợp với dạy nghề bảo đảm chất lượng và có hiệu quả, cần tăng cường công tác tuyên truyền, giúp phụ huynh và học sinh hiểu rõ lợi ích của việc phân luồng phù hợp với một số đối tượng để sau 3 năm học có thể có cơ hội nhận đồng thời bằng tốt nghiệp THPT và bằng trung cấp chuyên nghiệp.

Việc thực hiện dạy văn hóa theo mô hình kết hợp với dạy nghề phải do các trung tâm GDTX thực hiện. Hoặc do các trường THPT nếu được sở GD&ĐT cho phép ở những nơi không có trung tâm GDTX hoặc trung tâm GDTX không có khả năng thực hiện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ