Giáo dục thường xuyên giúp người Nhật trụ vững trong kỷ nguyên số

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -Ở tuổi 42, nhân viên tư vấn Misuzu Mukae bắt đầu lo lắng về kỹ năng làm việc của mình so với xu thế của thời đại.

Người lao động theo học tại Trường Cao học về Thiết kế Dự án.
Người lao động theo học tại Trường Cao học về Thiết kế Dự án.

Để cập nhật kiến thức và kỹ năng mới, chị Mukae đăng ký vào Trường Cao học về Thiết kế Dự án (The Graduate School of Project Design), Tokyo, Nhật Bản – một chương trình đào tạo sau đại học nhằm nâng cao tay nghề cho người đi làm.

Trường Cao học về Thiết kế Dự án thành lập tại Nhật Bản từ năm 2012 và cung cấp các lớp học vào buổi tối và thứ Bảy trong tuần giúp học viên làm việc toàn thời gian dễ dàng tiếp cận.

Học viên sẽ học về các chủ đề cơ bản liên quan đến tiếp thị và khái niệm chuyên ngành trong năm học đầu tiên. Còn năm thứ hai, học viên sẽ thực hiện xây dựng kế hoạch kinh doanh riêng, làm luận văn thạc sĩ.

Sau khoảng 10 hoạt động, trường đã đào tạo gần 500 học viên đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau như nhân viên công ty, bác sĩ, cầu thủ bóng chày, quan chức chính quyền địa phương... Nhiều học viên sau khi tốt nghiệp đã thành lập công ty riêng.

Giống như Mukae, nhiều lao động toàn thời gian đang đổ xô đến các trường sau đại học hoặc trường đại học có chương trình đào tạo sau đại học để trau dồi kiến thức và đào tạo lại kỹ năng. Tốt nghiệp khóa học, họ sẽ nhận được bằng thạc sĩ và tiếp tục học lên tiến sĩ nếu muốn. Mô hình học này tại Nhật Bản được gọi là giáo dục thường xuyên.

Ông Risa Tanaka, Chủ tịch Trường Cao học về Thiết kế Dự án, cho biết: “Ngày càng nhiều người lao động muốn thay đổi cuộc sống của họ trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Nhu cầu giáo dục thường xuyên đang tăng lên”.

Giáo dục thường xuyên đã và đang ngày càng phổ biến tại các cơ sở giáo dục tư nhân và các trường đại học Nhật Bản. Theo nghiên cứu của công ty Yano Research Institute Ltd., thị trường giáo dục thường xuyên dự kiến trị giá 49 tỷ yên (360 triệu USD) trong năm 2022, so với 40,8 tỷ yên vào năm 2018.

Ông Kenshiro Mori, 35 tuổi, Chủ tịch Công ty giáo dục Schoo Inc., Tokyo, nhận định làn sóng giáo dục thường xuyên đang là xu hướng đối với nhân viên làm việc toàn thời gian nhưng không phải mô hình học mới. Nhật Bản đã chứng kiến ba “cơn sốt” giáo dục thường xuyên trong thời gian gần đây.

Xu hướng này lần đầu xuất hiện vào năm 2011, khi giáo dục trực tuyến bắt đầu nổi lên. Giảng viên các chương trình đào tạo sau đại học từ châu Âu, Mỹ đã thu hút được sự quan tâm của người đi làm ở Nhật Bản.

Đợt bùng nổ thứ hai diễn ra từ năm 2014 – 2016 là sự kết hợp giữa công nghệ thông tin và giáo dục. Khi Nhật Bản báo động về nguy cơ già hóa dân số, giáo dục thường xuyên bắt đầu phổ biến rộng rãi từ năm 2017.

Theo truyền thống lâu đời của Nhật Bản, các công ty sẽ đảm bảo việc làm suốt đời cho nhân viên của mình. Chỉ một phần nhỏ các cá nhân theo đuổi giáo dục liên tục và thường xuyên với hy vọng tăng khả năng thu nhập cũng như tìm được vị trí việc làm tốt hơn tại các công ty khác nhau.

Tuy nhiên, xu hướng toàn cầu hóa ngày càng phát triển khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn để duy trì truyền thống “làm việc trọn đời”. Trong khi đó, nhu cầu chuyển đổi kỹ thuật số đã được minh chứng rõ ràng sau dịch Covid-19. Các công ty cắt giảm nhân sự nhiều hơn, chuyển sang sử dụng máy móc thay cho nhân lực. Còn nhân viên xin nghỉ việc tăng, nhu cầu làm việc linh hoạt, làm việc từ xa cũng mở rộng.

Ông Mori nhận định: “Con người hiện phải cạnh tranh với trí tuệ nhân tạo (AI) và người máy, đe dọa thu nhập hàng năm và vị trí công tác. Điều này đã tạo ra nhu cầu để học tập liên tục và thường xuyên”.

Tuy nhiên, chuyên gia này lưu ý Nhật Bản đang tụt hậu so với nhiều quốc gia khác trong việc đào tạo lại lao động toàn thời gian. “Đẩy mạnh giáo dục thường xuyên là điều tất yếu nếu Nhật Bản muốn giữ được vị trí hiện tại của mình trên trường quốc tế”, ông Mori cho biết.

Theo Asahi

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ