Nhật Bản: Nở rộ chương trình giáo dục tài chính cho trẻ tiểu học

GD&TĐ - Từ năm 2022 – 2023, giáo dục tài chính là môn học bắt buộc trong các trường trung học tại Nhật Bản.

Học sinh Trường Tiểu học Kamakura thảo luận về giá trị hàng hóa.
Học sinh Trường Tiểu học Kamakura thảo luận về giá trị hàng hóa.

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, các khóa học được mở rộng xuống cấp tiểu học nhằm nâng cao hiểu biết về tài chính cho trẻ em.

Nhiều chuyên gia giáo dục cho biết, giáo dục tài chính cho trẻ em là nhu cầu cấp thiết trong bối cảnh người dân Nhật Bản giao dịch bằng thẻ nhiều hơn tiền mặt. Điều này khiến trẻ em giảm ý thức về giá trị của tiền bạc. Để truyền tải thông điệp về tài chính, giáo viên tiểu học Nhật Bản đang vận dụng các trò chơi quen thuộc.

Trong tiết học giáo dục tài chính tại Trường Tiểu học Kamakura, thuộc Đại học Quốc gia Yokohama, tỉnh Kanagawa, học sinh lớp 5 chia thành các nhóm nhỏ từ 4 - 5 em chơi trò thẻ bài. Mỗi thẻ bài in hình một mặt hàng như thịt, sữa, quần áo... hoặc dịch vụ bất kỳ. Các bạn trong nhóm cùng nhau thảo luận để định giá và so sánh giá thành giữa các mặt hàng, dịch vụ đó.

Cầm trên tay tấm thẻ hình người bệnh tượng trưng cho dịch vụ y tế và tấm thẻ hình hộp bút chì màu, em Mihiro Tajima và Ako Goto khẳng định dịch vụ y tế đắt hơn hộp bút chì màu. Lý giải điều này, các em cho biết sức khỏe của người bệnh quan trọng hơn bút chì màu nên giá dịch vụ y tế cũng sẽ đắt hơn.

Trong khi đó, nam sinh Tendo Tashiro chọn hộp bút chì màu vì thích vẽ tranh. “Nhỡ bệnh nhân mắc Covid-19, họ sẽ được miễn phí chăm sóc thì hộp bút chì màu sẽ đắt hơn”, Tendo lập luận.

Đứng ngoài quan sát cuộc thảo luận, cô giáo Mai Araya nhận xét giá trị của các mặt hàng, dịch vụ là đắt hay rẻ tuỳ thuộc vào quan điểm của mỗi người và độ tuổi. Cô giáo yêu cầu học sinh tiếp tục thảo luận khi lật hai thẻ bài tiếp theo.

Cô Araya cho biết: “Hầu hết học sinh sử dụng thẻ tàu điện ngầm khi di chuyển hoặc mua sắm qua hình thức thanh toán điện tử, quẹt thẻ. Các em có rất ít cơ hội sử dụng tiền mặt nên không hiểu rõ về giá trị của tiền. Qua trò chơi thẻ bài, tôi hy vọng học sinh sẽ hiểu về giá trị các mặt hàng và cách chi tiêu sao cho hợp lý”.

Trò chơi thẻ bài nằm trong chương trình giáo dục tài chính do Công ty Chứng khoán Mitsubishi UFJ Morgan Stanley, trụ sở Tokyo, phát triển cho các trường tiểu học nhằm giúp học sinh hình thành nhận thức về giá trị của hàng hóa và dịch vụ đối với bản thân thông qua dòng tiền.

Chương trình được đưa vào hoạt động từ tháng 4/2022 tại các trường tiểu học công lập, tư thục ở 6 địa phương tại Nhật Bản.

Còn Kid’s Money School, tổ chức giáo dục tài chính dành cho trẻ em từ 4 - 10 tuổi tại thành phố Oita, đã chứng kiến sự gia tăng mạnh đề nghị hợp tác giáo dục với các trường học và chính quyền địa phương từ năm 2021.

Dựng một cửa hàng giả trong trường học, Kid’s Money School khuyến khích phụ huynh và học sinh đến trải nghiệm hoạt động mua bán. Những đứa trẻ rất bất ngờ khi phải cầm một tập tiền để mua những món đồ yêu thích thay vì quẹt thẻ.

Bà Kyoko Uemura, Giáo sư Kinh tế gia đình tại Trường Đại học Tokyo Kasei Gakuin, cho biết: “Trước đây, giáo dục tài chính nhằm dạy trẻ em gái cách quản lý chi tiêu gia đình và trẻ em nam về kinh tế tài chính. Nhưng giáo dục hiện nay hướng tới quản lý chi phí sinh hoạt cá nhân bất kể giới tính. Người lớn không nên ngại nói về tiền bạc trong cuộc trò chuyện hàng ngày với con cái”.

Theo Kyodo News

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Việc thiếu ngủ có thể khiến trẻ mệt mỏi. Ảnh minh họa: INT

Duy trì giấc ngủ đều đặn

GD&TĐ - Tết là thời điểm cha mẹ và trẻ tham gia nhiều hoạt động, tiệc tùng. Đây cũng là lúc trẻ được nghỉ học với tâm trạng phấn khích, háo hức.