Giáo dục thể chất mùa dịch: Trò vẫn vui, khỏe dù "on hay off"

GD&TĐ - Các địa phương áp dụng linh hoạt hình thức dạy học theo tình hình dịch, trong đó có môn Giáo dục thể chất. Tùy hoàn cảnh cụ thể, nhà trường có cách làm khác nhau để bảo đảm sức khỏe thể chất, tinh thần cho HS.

Học sinh Trường Tiểu học Trực Cường (Trực Ninh, Nam Định) thường xuyên tham gia hoạt động thể chất tại trường khi được học trực tiếp. Ảnh: TG
Học sinh Trường Tiểu học Trực Cường (Trực Ninh, Nam Định) thường xuyên tham gia hoạt động thể chất tại trường khi được học trực tiếp. Ảnh: TG

Tăng cường các trò vận động

Cô Lê Thị Phương Dung - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Khuyến, TP Nam Định (tỉnh Nam Định) - cho biết: Ngoài một số em bị F0, F1 phải học online thì đa số học sinh của trường vẫn được đến lớp học trực tiếp. Do đó, việc nâng cao sức khỏe thể chất cho các em được thực hiện dưới nhiều hình thức. Các giờ thể dục, thầy cô tổ chức cho học sinh chơi cầu lông, nhảy dây, bóng rổ để tăng cường vận động. Vào đầu giờ sáng hay giờ giải lao, nhà trường cũng bật nhạc với âm hưởng vui tươi để chào đón, tạo không khí phấn khởi cho học trò.

“Thời điểm dịch bệnh chưa bùng phát, chúng tôi tổ chức nhiều hoạt động thể dục thể thao cho học sinh các khối, nhất là bóng đá. Ngay từ đầu năm học, mỗi lớp sẽ thành lập một đội bóng và tiến hành bốc thăm chia bảng, sau đó đá vòng tròn tính điểm. Trận chung kết thường được tổ chức đúng vào dịp Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh 26/3.

Năm nay do dịch bệnh nên không thể tổ chức giải bóng đá, nhà trường chỉ cho các em vận động thể thao dưới hình thức khác như nhảy dây, đá cầu, cầu lông… để rèn luyện thân thể. Các thầy cô cũng thường xuyên tuyên truyền tới các em về các biện pháp giữ gìn sức khỏe, dinh dưỡng và chế độ luyện tập tại nhà để nâng cao sức khỏe, phòng chống dịch bệnh”, cô Phương Dung nhấn mạnh.

Được đầu tư xây dựng mới từ tháng 9/2021 với số vốn lên tới trên 50 tỷ đồng, Trường Tiểu học Trực Cường (huyện Trực Ninh, Nam Định) sở hữu hệ thống cơ sở vật chất như phòng học, phòng chức năng, khu hoạt động thể chất khá đồng bộ và quy mô.

Thầy Hiệu trưởng Phạm Văn Thuận cho hay: Khuôn viên nhà trường có khoảng 11.200 m2 chia làm hai khu gồm giáo dục trí dục rộng hơn 5.000 m2 với 25 phòng học, phòng điều hành; khu giáo dục thể chất rộng khoảng 6.000 m2. Nhà trường đã xây dựng chương trình hoạt động thông qua khu giáo dục thể chất cho học sinh như bóng bàn, cầu lông, bóng đá, bóng ném, bơi lội, chạy điền kinh, nhảy xa. Riêng khu bể bơi trong nhà cũng được xây dựng đúng quy chuẩn để học sinh học bơi.

Năm nay, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên hiện tại các hoạt động thể thao mang tính tập thể như bóng đá, bơi lội hay ăn bán trú bắt buộc phải tạm dừng. Toàn trường có 918 học sinh thì có hơn 60 em là F0. Có 6/22 thầy cô trực tiếp đứng lớp cũng bị nhiễm bệnh Covid-19. Do đó, thầy trò phải linh hoạt hình thức dạy học “vừa on, vừa off” để bảo đảm tiến độ chương trình. Dù vất vả nhưng cả thầy và trò đều phải cố gắng.

Giờ Giáo dục thể chất tại Trường THPT A Kim Bảng (Hà Nam).
Giờ Giáo dục thể chất tại Trường THPT A Kim Bảng (Hà Nam).

Linh hoạt hình thức vận động thể chất

Thầy Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch HĐQT Hệ thống Giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) - khẳng định: Dù dịch bệnh hay không thì bộ môn Giáo dục thể chất luôn đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển của học sinh. Thời điểm này, thầy trò vẫn đang dạy học trực tuyến kể cả các hoạt động giáo dục thể chất.

“Nhà trường có trên 3.200 học sinh, trong đó cấp THCS - THPT là 2.500 em, còn lại là cấp tiểu học. Học sinh đi học trở lại, chúng tôi tiếp tục triển khai chương trình Sữa học đường cho khối tiểu học. Đồng thời nối lại hoạt động cho học sinh các khối trên đi đến hai trung tâm trải nghiệm của Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Một trung tâm ở TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) rộng khoảng 10ha, một ở huyện Hoài Đức (Hà Nội) rộng 4ha. Tại các trung tâm trải nghiệm đều bố trí sân chơi thể thao, bể bơi, sân vận động, nhà thể chất để phục vụ nhu cầu về giáo dục thể chất cho học sinh”, thầy Nguyễn Văn Hòa nói.

Thời điểm học sinh Trường THCS Đông La (Hoài Đức, Hà Nội) phải chuyển sang học trực tuyến nhưng những video bài giảng ở một số môn vẫn được giáo viên quay lại và gửi đều đặn tới học sinh. Đặc biệt, thời gian qua nhà trường phát động cuộc thi “Ở nhà vẫn khỏe vẫn vui”, thu hút sự tham gia của đông đảo học sinh ở các khối.

Thầy Văn Công Thư, giáo viên Trường THCS Đông La, chia sẻ: “Thông qua thử thách nhảy Aerobic, nhảy dây, nhiều em đã tự hoàn thiện được kỹ năng cho mình cho dù ở nhà học online. Từng bài nhảy vận động được các em thực hiện thuần thục như hướng dẫn của thầy cô rồi quay clip gửi lên link nhóm do nhà trường lập.

Sau đó sẽ có ban giám khảo chấm bài để chấm giải phù hợp với nội dung, chất lượng của từng video. Khi được trao giải, các em đều rất phấn khởi và tự tin vì dù nghỉ tại nhà nhưng sức khỏe thể chất vẫn được bảo đảm. Từ 6/4, trò trở lại trường, ngoài ổn định tâm lý cho học sinh lớp 6, mọi hoạt động giáo dục dần ổn định như trước.

Theo cô Vũ Thị Tiền - Phó Hiệu trưởng Trường THPT A Kim Bảng (Hà Nam), công tác dạy và học của thầy trò nhà trường vẫn được duy trì linh hoạt. Những em F0, F1 được nghỉ tại nhà để học online thông qua ứng dụng học trực tuyến, giáo viên kết nối qua Internet với tiết học trên lớp để giảng dạy song song “on-off” cho học sinh. Riêng môn Giáo dục thể chất, thầy cô vẫn thường xuyên hướng dẫn cả trực tiếp và trực tuyến cho các em. Cuối tháng 2, nhà trường đã cử 20 em trong đội tuyển tham gia kỳ thi học sinh giỏi thể dục thể thao cấp tỉnh trong 3 ngày. Nội dung thi bao gồm các môn cầu lông, bóng bàn, điền kinh. Thông qua đó, các em có dịp được cọ xát và tham gia nhiệt tình hoạt động thể chất bổ ích, giúp tăng hứng thú học tập. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.