Giáo dục STEM trong trường học ở Đà Nẵng: Hiệu quả tích cực nhưng khó nhân rộng

GD&TĐ - Trong thời gian qua, nhiều chương trình của giáo dục STEM đã được các trường học trên địa bàn Đà Nẵng lựa chọn triển khai giảng dạy cho học sinh. Tuy nhiên, giáo dục STEM vẫn còn xa lạ với không chỉ học sinh, phụ huynh; mà cả với cán bộ, giáo viên tại nhiều trường học.

Học sinh Đà Nẵng đoạt nhiều giải cao trong các cuộc thi Robotics và lập trình Wecode quốc tế
Học sinh Đà Nẵng đoạt nhiều giải cao trong các cuộc thi Robotics và lập trình Wecode quốc tế

Những tín hiệu vui

Là một trong những cơ sở giáo dục mới triển khai chương trình giáo dục STEM cho học sinh, nhưng Trường TH&THCS Đức Trí (quận Hải Châu) đã đạt được những kết quả tích cực.

Nhà giáo ưu tú Lê Thị Nga - Hiệu trưởng Trường TH&THCS Đức Trí cho biết: Năm 2016, nhà trường áp dụng chương trình Robotics và khoa học máy tính (Giáo dục STEM) vào giảng dạy. Kết quả ban đầu thực sự gây bất ngờ. Học sinh không chỉ liên tục giành giải cao trong các cuộc thi Robotics và khoa học máy tính cấp quốc tế các năm 2017, 2018 mà còn đại diện cho Việt Nam tham gia các buổi triển lãm giới thiệu các sản phẩm sáng tạo khoa học - công nghệ trong khuôn khổ các hoạt động APEC 2017.

“Những kết quả tích cực đó đã giúp học sinh, phụ huynh hiểu hơn về tầm quan trọng của giáo dục STEM, sáng tạo khoa học kỹ thuật trong nhà trường. Đồng thời tạo thêm động lực cho nhà trường tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động sáng tạo khoa học - công nghệ - kỹ thuật, khơi nguồn niềm đam mê, sáng tạo, nghiên cứu cho học sinh”, nhà giáo ưu tú Lê Thị Nga chia sẻ.

Cũng như Trường TH&THCS Đức Trí và nhiều trường khác trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, thời gian qua, Trường TH Phan Đăng Lưu (phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu) cũng nỗ lực đưa nội dung Robotics dưới dạng câu lạc bộ vào giảng dạy cho học sinh. Dù mới đưa vào nhà trường nhưng đã thu hút được học sinh, phụ huynh.

Nói về những kết quả mà bộ môn Robotics mang lại, cô giáo Nguyễn Quỳnh Vân - Hiệu trưởng Trường TH Phan Đăng Lưu trao đổi: Các em học sinh đã hào hứng tham gia, còn giáo viên, phụ huynh hết sức hưởng ứng. Với những kết quả ban đầu từ chương trình học tập này cho thấy, bộ môn Robotics không chỉ hình thành nên các kiến thức, kỹ năng về giáo dục STEM, mà còn tạo nền tảng phát triển cho học sinh trong các chương trình học tập cao hơn ở bậc trung học.

“Những kết quả mang lại từ việc triển khai môn học Robotics là hết sức rõ ràng, tuy nhiên, do kinh phí, điều kiện học tập bộ môn này còn khá cao nên số lượng học sinh tham gia đăng ký học còn hạn chế. Đây thực sự là vấn đề mà nhà trường hết sức trăn trở khi triển khai môn học trong thời gian qua. Đây cũng là nguyên nhân, khiến cho công tác mở rộng nội dung giáo dục STEM theo câu lạc bộ Robotics gặp không ít khó khăn” - cô Vân tâm sự.

Học sinh Đà Nẵng tranh tài cuộc thi Robothon
Học sinh Đà Nẵng tranh tài cuộc thi Robothon 

Khó khăn trong triển khai nhân rộng

Là đơn vị đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam đã được Bộ GD&ĐT cho phép triển khai Mô hình Giáo dục STEM của Đại học I-Carnegie Melon (Mỹ) tại các trường học trên cả nước, ông Nguyễn Văn Tưởng - Công ty Cổ phần DTT Eduspec, Học viện STEM chi nhánh Đà Nẵng, cho hay: Mô hình giáo dục STEM tại Đà Nẵng chỉ mới triển khai được tại các trường tiểu học dưới hình thức câu lạc bộ về STEM Robotics và STEM computer science (khoa học máy tính).

Nói về những kết quả giáo dục STEM trên địa bàn Đà Nẵng, ông Nguyễn Văn Tưởng nhìn nhận: Thời gian qua, bộ môn khoa học STEM đã tạo được niềm đam mê học tập trong mỗi học sinh, giúp các em phát huy tối đa năng lực sáng tạo trong việc giải quyết các vấn đề có liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán ngay trong một môn học.

Ngoài ra, thông qua việc đào tạo theo mô hình nhóm, học sinh có cơ hội phát triển các kỹ năng mềm như thuyết trình, phản biện, tư duy logic, cộng tác... giúp các em năng động, có hiểu biết sâu sắc, có khả năng thích ứng cũng như năng lực tự chủ để giải quyết tốt các vấn thực tiễn khác trong cuộc sống. Đây chính là điều kiện thuận lợi để đào tạo một thế hệ học sinh Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất năng lực sáng tạo trong mỗi cá nhân, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của đất nước, từng bước đưa Việt Nam sớm hội nhập quốc tế và phát triển bền vững.

Giáo dục STEM được đánh giá là chương trình trang bị cho người học những kiến thức và kỹ năng cần thiết liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Từ đó đưa học sinh đến các hoạt động thực hành, vận dụng kiến thức để tạo ra sản phẩm hoặc giải quyết các vấn đề của thực tế cuộc sống. 

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Tưởng, công tác triển khai nhân rộng các bộ môn khoa học STEM đang gặp không ít khó khăn. Nguyên nhân cơ bản là do nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên về STEM còn hạn chế. Điều này dẫn đến tình trạng lúng túng, thiếu bao quát trong quá trình phát triển ứng dụng mô hình giáo dục STEM tại các trường. Cơ sở vật chất các trường không đảm bảo để mở rộng, nên mới chỉ triển khai được tại các trường trung tâm của thành phố.

“Một vấn đề khó khăn khác là các trường chỉ triển khai dưới hình thức câu lạc bộ giáo dục STEM ngoài giờ chính khóa, nên tính hiệu quả không cao. Ngoài ra, phần lớn phụ huynh vẫn chưa nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục STEM đối với con em mình. Năng lực giảng dạy về giáo dục STEM của đội ngũ thầy cô giáo cũng còn rất hạn chế. Cùng với đó là những khó khăn về cơ sở pháp lý để xin địa phương các tỉnh/thành triển khai các môn học STEM xuống các trường. Chính vì vậy, rất khó để nhân rộng đại trà cho tất cả học sinh được học về giáo dục STEM trong thời gian tới” - ông Tưởng bày tỏ.

Tin tiêu điểm

Hệ thống HIMARS của Ukraine sẽ được sử dụng để phóng ATACMS.

Canh bạc nguy hiểm với ATACMS

Thế giới
GD&TĐ - Theo chuyên gia quân sự kỳ cựu Nga, Andrey Koshkin, hệ thống phòng thủ nhiều tầng của Moscow luôn sẵn sàng đánh chặn mọi tên lửa, kể cả ATACMS tầm xa.

Đừng bỏ lỡ

AFC khen cổ động viên U23 Indonesia

AFC khen cổ động viên U23 Indonesia

GD&TĐ - Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) hết lời khen ngợi Indonesia sau khi gây địa chấn hạ Hàn Quốc để vào bán kết U23 châu Á 2024.