Chuyên gia "mổ xẻ" giáo dục sớm cho trẻ trong thời đại công nghệ

GD&TĐ - Hội thảo quốc tế “Giáo dục sớm trong thời đại công nghệ: những cơ hội và thách thức” được Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) tổ chức sáng nay (28/12) với sự tham gia của đông đảo chuyên gia trong và ngoài nước.

TS. Nguyễn Đức Huy, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội phát biểu tại hội thảo.
TS. Nguyễn Đức Huy, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội phát biểu tại hội thảo.

Theo TS. Nguyễn Đức Huy, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục, sự phát triển trong những năm đầu đời là giai đoạn phát triển quan trọng nhất của một con người, là nền tảng cho sự phát triển về thể chất lẫn tinh thần, cũng như văn hóa và nhận thức trong tương lai của cả cuộc đời.

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, và bối cảnh triển khai giáo dục cá nhân hóa, phát triển các hệ thống học tập suốt đời, thì các tri thức, công cụ, phương tiện cho giai đoạn phát triển sớm của trẻ được diễn ra một cách an toàn, lành mạnh và có lợi nhất ngày càng trở nên quan trọng và bức thiết.

“Với nhu cầu liên tục của việc đổi mới sao cho phù hợp của giáo dục sớm và khả năng dẫn dắt, thực hiện và thực hiện có hiệu quả, hội thảo do Trường ĐH Giáo dục tổ chức hôm nay kỳ vọng mở ra diễn đàn để các chuyên gia, nhà khoa học, thầy cô giáo, học viên trong và ngoài nhà trường công bố các nghiên cứu trong lĩnh vực giáo dục sớm; đề xuất một số mô hình đào tạo, bồi dưỡng giáo dục sớm ở Việt Nam và quốc tế. Đồng thời, đưa ra những giải pháp và kiến nghị nâng cao chất lượng nghiên cứu và các mô hình giáo dục sớm hiện nay.” – TS Nguyễn Đức Huy chia sẻ.

PGS.TS.Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học Giáo dục (Trường ĐH Giáo dục) phát biểu tại hội thảo.
PGS.TS.Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học Giáo dục (Trường ĐH Giáo dục) phát biểu tại hội thảo.

Cũng khẳng định tầm quan trọng của giáo dục sớm, PGS.TS.Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học Giáo dục (Trường ĐH Giáo dục), cho biết: Các nhà khoa học thần kinh và các nhà giáo dục học đều nhất trí rằng những trải nghiệm đầu đời có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển não bộ và năng lực học tập khi trưởng thành.

Bộ não của trẻ từ giai đoạn sơ sinh đến 5 tuổi là linh hoạt nhất, dễ thích ứng nhất với mọi hoạt động trải nghiệm và tương tác với môi trường. Giai đoạn này, các kết nối thần kinh của trẻ có nhiều gấp đôi số kết nối thần kinh khi trưởng thành. Và những tương tác với cha mẹ, người lớn khác và bạn đồng trang lứa sẽ điêu khắc nên những hệ kết nối làm nền tảng vững chắc cho sự nghiệp học tập sau này. Đó là lý do tại sao việc nuôi dưỡng và phát triển những năng lực xã hội, cảm xúc, nhận thức, ngôn ngữ trong những năm đầu đời lại quan trọng như vậy.

Nói đến giáo dục sớm là nói đến việc đánh thức năng lực tiềm ẩn và vô hạn của con người, bồi dưỡng nền tảng tính cách ở giai đoạn trí tuệ con người phát triển nhất (bộ não đang phát triển). Bởi bản chất của giáo dục sớm là đem đến cho con trẻ một cuộc sống đầy thú vị, nhưng phải được được kích thích, rèn luyện một cách phù hợp nhằm nâng cao tố chất cơ bản, nó không nhằm tích lũy kiến thức và khác hoàn toàn với giáo dục thông thường.

Hội thảo có sự tham gia của đông đảo chuyên gia trong và ngoài nước.
Hội thảo có sự tham gia của đông đảo chuyên gia trong và ngoài nước.

Khởi đầu của giáo dục sớm phải nói đến “Phương án 0 tuổi” do GS Phùng Đức Toàn và cộng sự đã nghiên cứu và triển khai tập trung vào việc phát triển ngôn ngữ cho trẻ từ trong nôi. PGS Đinh Kim Thoa, nguyên trưởng khoa các Khoa học Giáo dục, Trường ĐH giáo dục cũng là một trong các thành viên tham gia nghiên cứu, học tập tại nước ngoài về chương trình này.

Trong khuôn khổ dự án Quỹ Giáo dục Xã hội dân sự giai đoạn 2012-2015, Hiệp hội Vì Giáo dục cho mọi người Việt Nam (VAEFA), đã tài trợ cho Viện IPD - là một đơn vị thành viên của VAEFA - tiến hành nghiên cứu “Đề xuất chính sách cải thiện cơ hội chăm sóc, giáo dục sớm trẻ từ 0 – 3 tuổi”; và giai đoạn 2016 - 2018, tiếp tục hỗ trợ cho Viện IPD chủ trì phối hợp với Trường CĐ Sư phạm Trung ương phối kết hợp thực hiện dự án “Vận động bổ sung nội dung giáo dục sớm trẻ em từ 0 - 3 tuổi vào chương trình đào tạo sinh viên mầm non tại Trường CĐ Sư phạm Trung ương”. Đây là khởi đầu cho việc đưa giáo dục sớm vào đào tạo giáo viên mầm non chính thống.

Tiếp sau đó, từ 2017 đến nay các phương pháp như Montessori, Steam, Reggio Emilia… luôn được các nhà giáo dục và giáo dục mầm non quan tâm. Tuy nhiên các nghiên cứu về giáo dục sớm trong thời đại công nghệ chưa được nghiên cứu chuyên sâu…

Tại hội thảo, các chuyên gia cùng trao đổi, thảo luận tập trung vào 4 chủ đề chính: Thực trạng và phương pháp giáo dục sớm hiện nay; Thực tế vận dụng và hiệu quả các phương pháp giáo dục sớm; Đào tạo và nguồn nhân lực giáo dục sớm; Giáo dục sớm cho trẻ có nhu cầu đặc biệt. Đây là những nội dung quan trọng giúp nâng cao chất lượng nghiên cứu và các mô hình giáo dục sớm hiện nay; đồng thời là tham khảo ý nghĩa cho cơ quan quản lý để đưa ra các chính sách về giáo dục sớm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ