“Mê hồn trận” phương pháp giáo dục sớm
Hiện nay, có rất nhiều phương pháp giáo dục sớm như Glenn Doman dạy con nhận biết sớm thông qua các thẻ, Shichida với nguyên tắc yêu thương, Montessori với nguyên tắc kỷ luật trong tự do…
Để đáp ứng nhu cầu của phụ huynh, hàng loạt những công ty giáo dục đã mở ra các khoá học, bán những dụng cụ, học liệu với mức giá không hề rẻ để dạy cha mẹ cách khai thác tiềm năng con trẻ.
Chỉ cần tìm từ khóa trên mạng, sẽ có đến hàng chục phương pháp của Mỹ, Nhật, Do Thái… được giới thiệu, đủ sức khiến các bậc cha mẹ “hoa mắt chóng mặt” khi có ý định “chạm ngõ” giáo dục sớm.
Các trường mầm non tư thục theo phương pháp Monterssori hay Glenn Doman cũng được dịp mọc lên như “nấm mọc sau mưa”. Chi phí cho các học liệu cũng như một khóa học không hề rẻ.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, mỗi bộ thẻ học dành cho các bé có giá từ 300.000 đồng – 800.000 đồng; thẻ làm bằng vật liệu khác nhau có giá khác nhau.
Học phí ở các trường mầm non dạy theo phương pháp giáo dục sớm cũng khá “chát”, trung bình từ 5.000.000 đồng – 7.000.000 đồng/tháng. Các khóa dạy kỹ năng dành cho cha mẹ trung bình từ 500.000 – 600.000 đồng/khóa.
Các chương trình này thường nhấn mạnh “3 năm đầu đời” là giai đoạn quan trọng cho việc học do bộ não phát triển với tốc độ nhanh nhất, đạt 80% thể tích.
Do đó, bố mẹ cần phải dạy cho con biết nhiều thứ - càng nhiều càng tốt. Nếu bỏ qua giai đoạn này thì gần như đã mất đi một cơ hội vàng phát triển trí tuệ cho con, mất đi lợi thế tăng chỉ số IQ và thua kém chúng bạn?
Giáo dục trẻ là quá trình
Chia sẻ về phương pháp giáo dục sớm, ThS Tâm lý Lê Thị Minh Hoa (Viện Tâm lý SunnyCare) cho biết: Học tập là quá trình dài lâu, kết quả học tập chỉ đánh dấu một chặng đường học tập mà con bạn đang trải qua.
Thực tế, trong cuộc sống, con trẻ không chỉ có học Văn, học Toán, mà con phải học những kỹ năng cuộc sống, từ thái độ cư xử hàng ngày cho đến cách xử lý các vấn đề không may mắn mà mình gặp phải trên đường đời.
Độ tuổi từ 0 – 3 tuổi là giai đoạn não bộ của trẻ phát triển nhanh nhất, gần như hoàn thiện về chức năng và liên kết như người lớn. Đây cũng là giai đoạn dễ tổn thương nhất, và tổn thương không phục hồi. Chính vì vậy trong giai đoạn này nên cho trẻ học theo cách khám phá, vui chơi và giao tiếp là chính.
Theo ThS Tâm lý Lê Thị Minh Hoa, trong những năm đầu đời, trẻ cần nhất là sự yêu thương, tình cảm từ bố mẹ và mọi người xung quanh và tự do khám phá thế giới theo cách của mình.
Điều này sẽ giúp trẻ xây dựng các kĩ năng xã hội, sự tự tin và trí tưởng tượng – những yếu tố quan trọng cho sự phát triển lành mạnh và toàn diện về sau, chứ không cần thiết phải có sự tăng cường về các chương trình giáo dục sớm đang sôi sùng sục như hiện nay.
Giáo dục sớm cho con là một xu thế và có thể cũng là cần thiết để tận dụng giai đoạn vàng trong quá trình phát triển trí não của trẻ. Tuy nhiên, cha mẹ cũng cần phải thông minh khi áp dụng các phương pháp học cho con mình.
Một môi trường lí tưởng dành cho trẻ là một môi trường bình thường – là tất cả những gì tự nhiên nhất trong cuộc sống hằng ngày mà trẻ tương tác.
Điều đó có nghĩa là trẻ có thể được sờ, nắm, nếm, ngửi tất cả những gì mà chúng thấy trong cuộc sống hằng ngày, như là nghịch nước, chơi với cát, sỏi, chạy trên bãi cỏ, xúc đất, chăm sóc cây, sờ vào chai lọ nồi niêu của bố mẹ, chứ không phải là ngồi học những bài phát triển trí thông minh trong sự nhàm chán, trong khi đụng vào cái gì trong nhà thì đều bị la mắng, cấm đoán. Đừng vì phương pháp này, phương pháp kia mà tạo áp lực không cần thiết cho trẻ.