Giáo dục Quảng Trị vươn lên nhờ chính sách đặc thù

GD&TĐ - Ngành Giáo dục Quảng Trị những năm qua đã đạt được nhiều thành tích đáng tự hào.

Do thiếu giáo viên dạy học theo Chương trình GDPT 2018, nên cô giáo tiếng Anh Trần Thị Hà My (Trường Tiểu Học và THCS Húc, xã Húc, huyện Hướng Hóa) phải dạy nhiều điểm trường.
Do thiếu giáo viên dạy học theo Chương trình GDPT 2018, nên cô giáo tiếng Anh Trần Thị Hà My (Trường Tiểu Học và THCS Húc, xã Húc, huyện Hướng Hóa) phải dạy nhiều điểm trường.

Ngành Giáo dục Quảng Trị những năm qua đã đạt được nhiều thành tích đáng tự hào. Có được kết quả trên, theo bà Lê Thị Hương, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Trị, địa phương đã ban hành nhiều nghị quyết, chính sách nhằm tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy phát triển giáo dục.

Khởi sắc chất lượng giáo dục mũi nhọn

- Giáo dục Quảng Trị những năm gần đây có bước phát triển vượt bậc, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thay đổi mà bà tâm đắc nhất là gì?

- Giáo dục Quảng Trị những năm gần đây có nhiều thay đổi. Quy mô mạng lưới trường, lớp học được tổ chức, sắp xếp từng bước hợp lý, cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu học tập của con em. Các loại hình trường lớp ngày càng đa dạng; giáo dục ngoài công lập ngày một phát triển.

Tỉnh hiện có gần 400 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (giảm 108 đơn vị sự nghiệp công lập so với trước khi tổ chức sáp nhập). Ngoài ra, có 1 Phân hiệu Đại học Huế tại Quảng Trị, 3 trường cao đẳng, 3 trường trung cấp.

Chất lượng giáo dục đại trà được duy trì ổn định, chất lượng giáo dục mũi nhọn có bước phát triển khởi sắc. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục ngày càng lớn mạnh, cơ bản đáp ứng yêu cầu về đổi mới giáo dục. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được tăng cường.

Thực hiện chương trình kiên cố hóa trường, lớp học, giai đoạn 2015 - 2022, tỉnh đã đầu tư xây dựng 236 phòng học, xóa phòng học tạm, mượn ở các xã đặc biệt khó khăn, với tổng kinh phí 140 tỷ đồng. Công tác phổ cập giáo dục - xóa mù chữ trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Bộ GD&ĐT công nhận tỉnh Quảng Trị đạt phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 và xóa mù chữ mức độ 2.

Ngành Giáo dục tích cực chỉ đạo các đơn vị, trường học triển khai thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục hai mặt và quan tâm đến công tác duy trì sĩ số, đặc biệt là đối với giáo dục vùng khó.

TS Lê Thị Hương tặng quà cho học sinh tại huyện Đakrông.

TS Lê Thị Hương tặng quà cho học sinh tại huyện Đakrông.

Nhiều cơ chế, chính sách phát triển sự nghiệp giáo dục

- Thời gian qua, Quảng Trị đã ban hành nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn, phát triển giáo dục. Vậy xin bà hãy cho biết những nghị quyết trên đi vào thực tiễn đã phát huy hiệu quả như thế nào?

- Những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách của địa phương để phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo. Trong đó, Tỉnh ủy Quảng Trị ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

Cùng với đó, Sở GD&ĐT Quảng Trị xây dựng, tham mưu UBND tỉnh để trình HĐND tỉnh ban hành 17 Nghị quyết về quy hoạch phát triển ngành và các chế độ, chính sách đối với giáo viên, học sinh.

Trong đó, nhiều nghị quyết đã triển khai, tháo gỡ “nút thắt” và thực hiện hiệu quả, như Nghị quyết về xóa phòng học tạm, phòng học mượn; chế độ lương và hỗ trợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với lao động hợp đồng vị trí nấu ăn trong các trường mầm non công lập; xây dựng phòng ở công vụ cho giáo viên vùng khó khăn; hỗ trợ cho giáo viên và nhân viên làm việc liên trường hoặc nhiều điểm trường.

Tỉnh cũng có nhiều chính sách hỗ trợ tiếp cận giáo dục cho học sinh khuyết tật tại các cơ sở giáo dục công lập; chính sách khen thưởng đối với học sinh đoạt giải cao tại các kỳ thi, cuộc thi… UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành kịp thời nhiều văn bản chỉ đạo và kế hoạch phát triển giáo dục và đào tạo.

Những nghị quyết nói trên đi vào thực tiễn giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của ngành; tạo hành lang pháp lý, cơ sở quan trọng để động viên đội ngũ giáo viên yên tâm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Đáng chú ý, Nghị quyết về xóa phòng học tạm, phòng học mượn được triển khai giúp cho cơ sở vật chất trường lớp ngày càng khang trang, đáp ứng yêu cầu dạy học.

Nghị quyết về xây dựng nhà công vụ cho giáo viên đã huy động được nguồn lực rất lớn từ ngân sách, lẫn sự chung tay của xã hội để giúp nhà giáo công tác ở địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa có nơi sinh hoạt ổn định, yên tâm và tiếp tục nhiệm vụ “trồng người”.

Tiếp đó, Nghị quyết về hỗ trợ cho giáo viên dạy liên trường hoặc nhiều điểm trường cũng có ý nghĩa rất lớn trong việc động viên, hỗ trợ thầy cô dạy học ở địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa. Nghị quyết về hỗ trợ lương và các chế độ đối với “cô nuôi” các trường mầm non cũng là chính sách đặc thù của Quảng Trị để động viên, khích lệ đội ngũ làm nhiệm vụ cấp dưỡng chăm sóc trẻ…

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Quảng Trị động viên nhà giáo có hoàn cảnh khó khăn.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Quảng Trị động viên nhà giáo có hoàn cảnh khó khăn.

Quan tâm nhiều hơn cho giáo dục miền núi

- Nhằm phát huy những thành quả đã đạt được, xin bà cho biết những giải pháp trong thời gian tới để thúc đẩy giáo dục địa phương phát triển?

- Mặc dù được Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương quan tâm, hỗ trợ thông qua việc ban hành các chính sách, Nghị quyết, ưu tiên bố trí nguồn lực để phát triển, nhưng giáo dục địa phương vẫn còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc.

Đặc biệt, với giáo dục vùng miền núi vẫn còn nhiều khó khăn: Trường học chưa được đầu tư đồng bộ, thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị để dạy học theo chương trình mới. Trong khi đó, ngân sách bố trí cho giáo dục dù được quan tâm nhưng vẫn còn hạn chế, nguồn lực hỗ trợ từ doanh nghiệp và cộng đồng xã hội trong lĩnh vực giáo dục chưa nhiều.

Bên cạnh đó, tại 2 huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa với đa số là người Pa Kô, Vân Kiều, đời sống kinh tế còn khó khăn nên chưa đảm bảo điều kiện học tập cho con em. Để hỗ trợ giáo dục miền núi tiếp tục phát triển trong thời gian tới, rút ngắn khoảng cách với vùng đồng bằng, về phía ngành Giáo dục sẽ dành sự quan tâm nhiều hơn cho giáo dục miền núi, từ hỗ trợ chuyên môn, tham mưu quan tâm đầu tư cơ sở vật chất trường lớp...

Ngành Giáo dục cũng mong tỉnh có chính sách kịp thời, cân đối nguồn lực đầu tư, hoặc có thể ban hành Nghị quyết, chính sách riêng cho giáo dục miền núi. Bên cạnh đó, các địa phương tiếp tục dành nguồn lực cho nhà trường trong đầu tư cơ sở vật chất, hỗ trợ giáo viên; tiếp tục dành nguồn lực xây nhà công vụ để giáo viên lẫn học sinh có điều kiện tốt hơn để yên tâm dạy và học. Đồng thời, mong cộng đồng xã hội, doanh nghiệp, nhà hảo tâm tiếp tục chia sẻ, đồng hành cùng với giáo dục.

- Trân trọng cảm ơn bà!

Trong 5 năm qua, Quảng Trị có 135 học sinh đoạt giải tại các kỳ thi học sinh giỏi văn hóa cấp quốc gia THPT (1 giải Nhất, 25 giải Nhì, 48 giải Ba và 61 giải Khuyến khích). Nhiều học sinh đoạt giải cao trong các kỳ thi, cuộc thi và sân chơi trí tuệ cấp quốc gia. Đặc biệt, từ năm 2015, có 4 học sinh Quảng Trị vào chung kết Olympia, trong đó có 2 em giành ngôi vị Quán quân và 1 học sinh ngôi vị Á quân Cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia (năm thứ 15, 17 và 18); có 6 học sinh đoạt giải khu vực và quốc tế (1 Huy chương Bạc tại Kỳ thi Olympic Toán học Singapore và châu Á - SASMO 2017; 1 giải Ba quốc tế Cuộc thi Khoa học kỹ thuật Intel ISEF 2017; 1 Huy chương Bạc và 1 Huy chương Đồng tại Kỳ thi Olympic Hình học Iran mở rộng năm 2018; 1 Huy chương Bạc và 1 Huy chương Đồng môn Tin học Olympic châu Á - Thái Bình Dương).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ