Ngành Giáo dục Quảng Trị nỗ lực hoàn thành nhiều nhiệm vụ trọng tâm học kỳ 2

GD&TĐ - Sở GD&ĐT Quảng Trị đề ra 15 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm học kỳ 2; triển khai chương trình, sách giáo khoa GDPT lớp 4, 8 và 11.

Đối với các trường học miền núi, việc triển khai Chương trình GDPT 2018 còn khó khăn do cơ sở vật chất còn thiếu. (Ảnh: Đ. Đức).
Đối với các trường học miền núi, việc triển khai Chương trình GDPT 2018 còn khó khăn do cơ sở vật chất còn thiếu. (Ảnh: Đ. Đức).

Chuẩn bị cơ sở vật chất triển khai chương trình mới

Năm 2023 được xác định là năm có ý nghĩa quan trọng, ngành GD&ĐT Quảng Trị quyết tâm phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ, kế hoạch đề ra trong năm học 2022 - 2023. Theo đó, ngành GD&ĐT Quảng Trị tập trung thực hiện các Nghị quyết, văn bản chỉ đạo của Trung ương, Bộ GD&ĐT, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh về giáo dục và đào tạo, đặc biệt là triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận số 51-KL/TW của Ban Bí thư về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Bám sát nhiệm vụ chính trị của ngành, tập trung chỉ đạo thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022 - 2023; tiếp tục đổi mới quản lý nhà nước và trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực GD&ĐT theo hướng phân cấp, phân quyền, tinh gọn, hiệu lực, bảo đảm vai trò kiến tạo để phát triển giáo dục.

Tập trung xây dựng Đề án phát triển đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông tỉnh Quảng Trị đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục đào tạo giai đoạn 2023 - 2026, định hướng đến năm 2030 nhằm rà soát, bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên trường học đảm bảo hợp lý; tham mưu bố trí đủ giáo viên để triển khai Chương trình GDPT 2018; huy động các nguồn lực tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, trước mắt chuẩn bị đầy đủ về phòng học, phòng bộ môn và trang thiết bị dạy học tối thiểu để triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới ở lớp 4, 8 và 11.

Tiếp tục thực hiện tốt việc đổi mới đồng bộ phương pháp dạy học và phương thức thi, kiểm tra, đánh giá, tạo sự chuyển biến tích cực, rõ nét về chất lượng và hiệu quả giáo dục. Trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục thực chất ở các cấp học, bậc học; tạo chuyển biến về chất lượng giáo dục vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa. Quản lý chặt chẽ về dạy thêm, học thêm.

Tiếp tục rà soát, sắp xếp lại quy mô trường lớp theo hướng tinh gọn, đồng thời điều động, bố trí cán bộ quản lý đảm bảo theo Nghị định số 120/2020/NĐ-CP của Chính phủ; điều động luân phiên giáo viên từ nơi thừa đến nơi thiếu…

Bám sát Kế hoạch và chỉ tiêu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 để chỉ đạo triển khai và có các giải pháp cụ thể nhằm bảo đảm thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu được giao cho từng cấp học về công nhận trường đạt chuẩn quốc gia trong năm 2023 đạt tỷ lệ 55% theo chỉ tiêu của HĐND, UBND tỉnh giao. Tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch Chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2045.

Tổ chức tốt các cuộc thi, kỳ thi

Chú trọng đảm bảo chất lượng và hiệu quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, thi học sinh giỏi THCS và tuyển sinh; tổ chức kiểm tra, thi, tuyển sinh thiết thực, đảm bảo sự công bằng, đánh giá đúng trình độ, năng lực người học. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc triển khai các kế hoạch của Bộ GD&ĐT để thực hiện Chương trình GDPT 2018; Tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết Quy định về mức thu học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh năm học 2023 - 2024.

Chỉ đạo tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác có hiệu quả các phần mềm hỗ trợ công tác quản lý, quản trị và dạy học; kết nối, tích hợp các phần mềm, các hệ thống thông tin quản lý hiện có của ngành.

Sở GD&ĐT tổ chức sơ kết học kỳ 1 năm học 2022-2023.

Sở GD&ĐT tổ chức sơ kết học kỳ 1 năm học 2022-2023.

Tiếp tục đổi mới phương thức quản lý; giảm các cuộc họp không cần thiết; tinh giảm chế độ báo cáo; nâng cao chất lượng và thực hiện nghiêm chế độ báo cáo thông tin 2 chiều kịp thời, đầy đủ.

Đẩy mạnh công tác truyền thông của ngành, nhất là những vấn đề đổi mới giáo dục để thông tin tuyên truyền rộng rãi trong xã hội; đồng thời định hướng dư luận, tạo niềm tin của xã hội đối với các hoạt động của ngành.

Triển khai thực hiện nghiêm túc quy định nêu gương đối với CBQL, giáo viên, nhân viên, người lao động trong toàn ngành. Tăng cường công tác xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh; chú trọng công tác giáo dục thể chất, y tế trường học.

Chuẩn bị và tổ chức tốt các cuộc thi, kỳ thi lớn của ngành: Kỳ thi học sinh giỏi văn hóa lớp 9 cấp tỉnh; Hội thi hùng biện tiếng Anh học sinh THCS và THPT cấp tỉnh; Cuộc thi “Chinh phục” cấp tỉnh năm 2023; Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia; Kỳ thi khảo sát chất lượng học sinh lớp 8, lớp 11 năm học 2022 - 2023; Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Chỉ đạo các cơ sở giáo dục quán triệt nghiêm túc và triển khai, tổ chức có hiệu quả Chủ đề năm học 2022 - 2023 “Đoàn kết, sáng tạo, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo”.

Tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành và địa phương để nắm tình hình giáo dục và đào tạo, thống nhất cơ chế phối hợp trong công tác quản lý giáo dục đào tạo, tìm các giải pháp để từng bước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc ở cơ sở; tích cực kêu gọi các nguồn lực, nguồn xã hội hóa để tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy - học.

Đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng trong giáo dục phổ thông; tiếp tục đổi mới công tác quản trị, tăng quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục. Xây dựng xã hội học tập; nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.