Và mỗi khi đất trời chuyển từ đông sang xuân , người ta thường nghĩ về sự sinh sôi, đâm chồi nảy lộc của mầm xanh. Cho tới bây giờ, trong tôi vẫn còn vẹn nguyên cảm giác của một “xuân sớm” náo nức ở những ngôi trường nơi tôi đến.
Mùa vàng từ công lao người gieo hạt, vun trồng
Năm 2017 là một năm thành công của Việt Nam ở đấu trường Olympic quốc tế khi các đội tuyển Olympic quốc tế đều đạt thành tích cao nhất từ trước tới nay. Lần đầu tiên, Việt Nam giành huy chương vàng nội dung Khoa học tại kỳ thi Toán và Khoa học Quốc tế 2017 sau nhiều năm tham gia. Lần đầu tiên, một thí sinh Việt Nam đạt 55% điểm thực hành và 75% điểm lý thuyết trong kỳ thi Olympic Sinh học quốc tế.
Lần đầu tiên, Việt Nam giành đến 4 huy chương vàng tại kỳ thi Olympic Toán quốc tế, xếp thứ 3 trên tổng số 112 quốc gia và vùng lãnh thổ có thí sinh dự thi. Đây là thành tích tốt nhất trong suốt 41 năm dự thi của Việt Nam. Đội tuyển Olympic Vật lý quốc tế và Olympic Hóa học quốc tế cũng xác lập kỷ lục thành tích trong năm 2017. Cả 5 thành viên của đội tuyển Vật lý đều giành giải với 4 huy chương vàng và một huy chương bạc. Bốn thí sinh đội Hóa học cũng giành ba huy chương vàng, một huy chương bạc.
Mùa vàng của giải trên đây có thể khẳng định là kết quả của biết bao nhiêu nỗ lực đầu tư công sức, trí tuệ của đội ngũ các chuyên gia giáo dục, của đội ngũ nhà giáo cùng phụ huynh, học sinh ở khắp mọi miền Tổ quốc.
Chiến lược “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục” đã đặt ra cho toàn ngành một sứ mệnh cao cả mà cũng hết sức nặng nề là tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả, đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc; giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân…
Để đạt được mục tiêu ấy, đòi hỏi phải có sự vận hành tích cực của toàn hệ thống, của mỗi cá nhân. Tới bất cứ đơn vị giáo dục, ngôi trường nào trong những ngày này, cũng thật xúc động bởi những hi sinh thầm lặng công sức, thời giờ cho đổi mới cung cách quản lý, đổi mới phương pháp dạy và học.
Đơn cử như ngành GD-ĐT tỉnh Quảng Nam, một tỉnh nghèo của miền Trung. Sở GD&ĐT năm qua đã nỗ lực vượt qua mọi rào cản, đổi mới một cách quyết liệt, tập trung công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ tay nghề cho đội ngũ, xem đây là mắt xích của chuyển biến chất lượng toàn hệ thống. Tất cả cán bộ quản lý và giáo viên THPT trên địa bàn tỉnh đều được tập huấn và sau khi tập huấn có tổ chức kiểm tra, khảo sát lại, nhằm khắc phục tình trạng “đánh trống bỏ dùi” hoặc đối phó.
Đến trường THCS Lê Qúy Đôn - Phú Ninh (Quảng Nam) vào những ngày này, chúng tôi bắt gặp không khí ngày thi học kỳ 1 tất bật mà hào hứng hơn hẳn những năm trước. NGƯT Nguyễn Thị Bích Trâm cho biết: “Không giống với các năm trước đề Sở GD&ĐT ra chỉ các môn chính của khối 9. Đề cương có trước 1 tháng để ôn tập. Và có cả ma trận đề trước một tuần để luyện khẩn trương và tập trung hơn cho nội dung thi. Giáo viên dạy được phân công chấm chéo bài thi 2 vòng công bằng, khách quan”.
Thầy Nguyễn Tấn Trưng - GV dạy môn Vật lý của trường đã lên đến tận trường ở vùng núi của huyện là THCS Chu Văn An để chấm chéo. Khi trở về thầy bảo: “Có đi chấm thế này mới biết chất lượng học của học sinh trường vùng núi so với đồng bằng có khoảng cách nhiều lắm. Nhưng chính chất lượng của việc đổi mới kiểm tra này sẽ giúp người thầy hiểu hơn về trò để có phương pháp dạy phù hợp”.
Chất lượng làm nên sự khác biệt
Năm 2017 cũng là một năm được xem là năm mà GDĐH Việt Nam có những chuyển biến cơ bản về chất. Được tham dự một số hội nghị, hội thảo quốc gia, quốc tế tại Trường ĐHSP Đà Nẵng, Trường ĐH Thể dục Thể thao, Trường ĐH Quy Nhơn, Trường ĐHSP Kỹ thuật (ĐN), tôi đều như vui lây niềm vui, niềm tin yêu của đội ngũ chuyên gia, CBQL, giảng viên của các trường.
Vui vì mọi người đều ở trong một tâm thế thoải mái tiếp cận với chuyên môn, thấy được điều cần thiết cần phải làm trước cuộc cách mạng 4.0 mạnh mẽ, quyết định sự phát triển và hội nhập. Tin yêu vì lần đầu tiên thấy được thành tựu của một trường đại học “ra dáng đại học” như cách nói của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ.
Có thể nói, NQ 29-NQ/TW được ban hành là cả một cuộc cách mạng về chất lượng. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng có lần từng phát biểu: “nhà trường mà lại không hoàn thành tốt chức năng dạy và học, dạy và học không có chất lượng thì không phải là nhà trường nữa”.
Và lời căn dặn của ông, thầy phải ra thầy, lớp phải ra lớp, trường phải ra trường, trò phải ra trò đã trở thành phương châm hành động hàng thập kỷ qua của ngành giáo dục. Sức thuyết phục của chất lượng không chỉ ở những ngôi trường có bề dày lâu năm, có sẵn tên tuổi, thương hiệu, mà giờ đây đã lan tỏa tới cả những ngôi trường thuộc hệ thống ngoài công lập.
Những người làm báo trên địa bàn miền Trung - Tây Nguyên hẳn còn nhớ, cách đây khoảng 15 năm, mỗi lần họp báo, NGƯT Lê Công Cơ, hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân đã than vãn về việc ngôi trường đại học tư thục Duy Tân của ông giống như “hạt mưa rơi ngoài hiên”, ít được quan tâm, chia sẻ. Thế rồi chỉ một thời gian sau đó, ngôi trường đã nghiễm nhiên có tên trong danh sách những trường trong cả nước được đánh giá kiểm định về chất lượng.
Rồi hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học, liên doanh liên kết với các doanh nghiệp, đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, ở lĩnh vực nào cũng có tên Đại học Duy Tân. Và chính tôi cũng đã từng reo lên một cách bất ngờ khi nghe tin nhóm nghiên cứu của nhà trường được trao giải Nhất giải Nhân tài Đất Việt lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) cho sản phẩm “Ứng dụng công nghệ mô phỏng thực tại ảo 3D xây dựng cơ thể người phục vụ công tác giảng dạy, học tập và nghiên cứu trong khối ngành khoa học sức khoẻ”.
Sự vận hành về chất lượng trong giáo dục giờ đây không chỉ là bề mặt của những số liệu mà là chiều sâu, gọi là văn hóa chất lượng. Tỉnh Quảng Trị năm qua đã hình thành khá rõ diện mạo của văn hóa chất lượng ở các trường học từ bậc học MN đến THPT. Đến Trường THPT Chế Lan viên ở Cam Lộ (Quảng Trị), tôi ngỡ ngàng vì sự đổi thay, phát triển quá nhanh của ngôi trường chỉ mới 7 năm thành lập.
Cảnh quan của trường đẹp, bề thế, hài hòa từ ngoài vào trong. Ngưỡng mộ hơn nữa khi vào tham quan các phòng truyền thống, phòng chức năng của nhà trường. Hoạt động Đoàn thanh niên của nhà trường rất mạnh, được xem là nòng cốt của mọi phong trào thi đua.
Đoàn trường đã xây dựng được bộ quy tắc 5 văn hóa gồm: Văn hóa chào, văn hóa đọc, văn hóa giao thông, văn hóa môi trường và văn hóa tiết kiệm. Từ phong trào “giấy vụn không chạm đất” do Đoàn phát động, nhà trường có được một khoản tiền dùng để mua máy tính bỏ túi hoặc mua xe đạp tặng cho những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Đoàn trường THPT Chế Lan Viên là một trong 5 Đoàn trường THPT có số lượng học sinh tham gia nhiều nhất và đạt điểm số cao nhất trong toàn quốc, được Trung ương Đoàn tặng bằng khen trong cuộc thi tìm hiểu lịch sử, văn hóa dân tộc “Tự hào Việt Nam” lần thứ II do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ giáo dục và đào tạo tổ chức dành cho học sinh THPT và học sinh đang học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT và đã đạt được kết quả cao. Nhà trường cũng có nhiều năm liền tham gia hội thi khoa học kĩ thuật dành cho học sinh trung học Intel-Isef do Sở GD&ĐT Quảng Trị tổ chức và đã đạt kết quả tương đối cao. Có 3 đề tài đạt giải nhì cấp tỉnh, có nhiều đề tài đạt giải 3 và nhiều đề tài đạt giải khuyến khích với nhiều lĩnh khác nhau...
Chỉ điểm qua vài điển hình như thế, đã có thể thấy giáo dục chính là phép cộng của những mùa xuân!