Đây là cơ sở để toàn ngành tiếp tục chặng đường đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nước nhà. Trước thềm năm mới 2018, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã có những chia sẻ về nỗ lực của ngành trong năm qua và dự định trong năm mới.
Thưa Bộ trưởng, năm 2017 là một năm rất đáng nhớ của ngành Giáo dục khi đạt được những thành tích ấn tượng. Thành công của Kỳ thi THPT quốc gia và kết quả thi Olympic quốc tế của các đội tuyển học sinh được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, ngay trong cuộc họp Chính phủ cuối cùng của năm, những thành tích này vẫn được nhắc lại trong báo cáo của Thủ tướng. Bên cạnh 2 kết quả quan trọng này, Bộ trưởng muốn chia sẻ gì thêm về những thành tựu của ngành Giáo dục trong năm qua?
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Hai thành tựu trong năm 2017 được nhắc ở đây là Kỳ thi THPT quốc gia và kết quả thi Olympic quốc tế rất đáng ghi nhận. Để có được hai thành tích này là quá trình quyết liệt đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học; đổi mới công tác phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi. Tất cả tạo nền tảng cho đổi mới rộng hơn, sâu hơn, trong đó có đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông bắt đầu từ năm học 2019 - 2020.
Bên cạnh đó, năm 2017, ngành Giáo dục còn đạt được nhiều kết quả rất có ý nghĩa, như hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Kết quả này cho thấy, chúng ta đã dành nhiều hơn sự quan tâm cho bậc học đầu đời. Trả lại đúng vị trí cho bậc học này là rất cần thiết, vì nếu không có chất lượng tốt từ bậc học mầm non sẽ khó có nền tảng tốt cho những bậc học tiếp theo.
Nếu giáo dục phổ thông ghi nhận một năm với những chuyển biến trong việc điều chỉnh chương trình, phương pháp dạy và học để tiệm cận cùng với chương trình giáo dục phổ thông mới - hay việc quyết liệt rà soát, cắt giảm các cuộc thi, xóa bỏ sáng kiến kinh nghiệm nhằm giảm áp lực cho giáo viên, học sinh phổ thông; thì giáo dục đại học được ghi nhận bằng những chấn chỉnh kịp thời trong việc mở ngành, liên kết, liên thông đào tạo, đào tạo tiến sĩ hay đổi mới chương trình đào tạo, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học gắn với đào tạo và chuyển giao công nghệ, gắn với các doanh nghiệp.
Kiểm định chất lượng giáo dục cũng là một điểm nhấn trong năm qua của ngành. Ở đây, tôi không đề cập tới các con số mà muốn nhấn mạnh tới sự hình thành văn hóa chất lượng. Kiểm định chất lượng đã dần trở thành nhu cầu tự thân của mỗi cơ sở giáo dục, từ đó biết mình đang ở đâu, cần thay đổi gì để nâng cao chất lượng. Kiểm định chất lượng giáo dục đại học càng có ý nghĩa hơn khi chúng ta đang trong giai đoạn đẩy mạnh tự chủ đại học; kiểm định và công khai kết quả kiểm định sẽ là cơ sở dữ liệu quan trọng cho quá trình phân tầng, xếp hạng các trường đại học trong thời gian tới. Tất cả cho mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng giáo dục đại học.
Năm 2017, những khó khăn của ngành sư phạm vốn sẵn có nay đã bộc lộ nhiều hơn. Nhưng từ đây, ngành Giáo dục đã cho thấy quyết tâm để trả lại đúng vị trí của ngành học quan trọng này. Những bước đi đầu tiên về quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm; siết chặt chỉ tiêu sư phạm, gắn chỉ tiêu với nhu cầu sử dụng; đổi mới chương trình, phương pháp đào tạo; tái cấu trúc các trường sư phạm… - sẽ là những khởi động quan trọng trong việc cải thiện vị trí của ngành học này.
Tôi muốn nói thêm rằng, ngành sư phạm đã làm tròn trọng trách của mình trong một thời gian dài để giáo dục hoàn thành phổ cập vững chắc 3 bậc học, mầm non 5 tuổi, tiểu học, THCS. Trong giai đoạn mới, ngành sư phạm sẽ tiếp tục đi đầu trong tái cấu trúc, đi đầu về nâng cao chất lượng để tạo động lực cho các ngành học khác.
Năm 2017 còn là năm phong trào đổi mới, sáng tạo trong dạy và học phát triển cả về bề rộng và chiều sâu, trở thành một phần không thể thiếu trong mỗi nhà trường, bắt đầu trở thành nhu cầu tự thân của mỗi người. Xuất hiện rất nhiều tấm gương giáo viên không ngừng nỗ lực học hỏi, tìm tòi, mạnh dạn áp dụng những phương pháp mới vào giảng dạy tạo hiệu quả cao.
Có thể nói, đội ngũ giáo viên là nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp giáo dục, vì vậy, khi họ bắt nhịp với đổi mới có nghĩa là sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đã đi được một nửa chặng đường thành công. Trách nhiệm của ngành là đề xuất, xây dựng các chính sách đãi ngộ phù hợp cho đội ngũ nhà giáo để họ yên tâm gắn bó với nghề, để thu hút người giỏi vào nghề giáo - đây cũng là việc mà năm qua ngành Giáo dục đã bước đầu làm và nhận được sự ủng hộ của đội ngũ giáo viên và toàn xã hội.
Còn nhiều thành tựu nữa của ngành trong năm qua mà tôi không thể kể hết ra đây. Nhưng tựu chung lại, ngành Giáo dục đã có một năm với những chuyển động quan trọng trong quá trình đổi mới, tạo hành lang, đường hướng rõ nét cho những năm tiếp theo.
Ngày 18/8/2017, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đến thăm hỏi, động viên các em HS vùng lũ tại Trường PTDTBT THCS Cao Phạ, xã Cao Phạ, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) |
Ngành Giáo dục đã làm rất nhiều việc trong năm qua nhưng những vấn đề của giáo dục chưa bao giờ hết “nóng” với dư luận. Nếu nhìn nhận những hạn chế trong năm qua, Bộ trưởng sẽ nhìn nhận những vấn đề gì?
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Giáo dục tác động trên diện rộng nên kỳ vọng và áp lực của xã hội dành cho ngành luôn rất lớn. Chúng tôi xác định rất rõ điều này nhưng làm giáo dục không thể nóng vội mà phải có lộ trình, bước đi phù hợp. Với 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản được đặt ra bắt đầu từ năm học 2016 - 2017, các bước triển khai đổi mới của ngành đã được định hình rõ ràng hơn, có tính toán theo từng năm, mỗi năm làm được việc gì và làm được đến đâu. Quá trình đó còn bao hàm cả việc tháo gỡ từng nút thắt, giải quyết từng khâu, từng việc đã cũ, không còn phù hợp với hiện tại. Vì vậy, chúng tôi cũng cần sự đồng hành kiên trì hơn của xã hội với mỗi việc mà ngành đang nỗ lực làm.
Nhìn lại năm 2017, trên cương vị người đứng đầu ngành, tôi thực sự trăn trở khi bài toán quy mô, quy hoạch đội ngũ chưa được giải quyết dứt điểm; khi đồng lương, thu nhập của nhà giáo vẫn còn eo hẹp; khi cơ sở vật chất, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn vẫn còn nhiều hạn chế; khi chất lượng giáo dục các cấp học vẫn có lúc, có nơi đặt ra dấu chấm hỏi với dư luận hay khi đâu đó câu chuyện về đạo đức người thầy, ý thức người trò vẫn còn làm dư luận bất bình.
Những vấn đề về kỷ cương, nền nếp, dân chủ trường học đã được ngành quyết liệt chấn chỉnh trong năm qua nhưng vẫn còn những sự việc gây ra bức xúc trong xã hội. Không né tránh, ngành đang tiếp tục có những biện pháp mạnh hơn để năm 2018 sẽ là một năm chuyển biến mạnh mẽ về kỷ cương, nền nếp, dân chủ trong trường học.
Vậy, đâu sẽ là những nhiệm vụ được đặt ra cho ngành Giáo dục trong năm 2018, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Năm 2018 là năm rất quan trọng với ngành Giáo dục khi 2 dự án luật quan trọng là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học sẽ được trình Quốc hội trong tháng 5 và dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua vào tháng 10. Từ nay đến đó, ngành Giáo dục cần tập trung nguồn lực, trí tuệ, đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng dự thảo hai dự án Luật này.
Năm 2018 cũng là năm ngành Giáo dục cần đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị các điều kiện thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới để có thể bắt đầu triển khai từ năm học 2019 - 2020 đạt kết quả tốt. Đồng thời, triển khai biên soạn sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo chương trình mới.
Ngoài ra, năm 2018, ngành Giáo dục sẽ tập trung đẩy mạnh thực hiện dân chủ trong trường học gắn với phân cấp, phân quyền và trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục; chuẩn hóa các chức danh giáo viên, giảng viên sư phạm, hiệu trưởng cơ sở giáo dục và cán bộ quản lý giáo dục; thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục đại học và đào tạo, bồi dưỡng giáo viên.
Đồng thời, thực hiện mạnh mẽ các giải pháp tạo sự chuyển biến tích cực trong giải quyết các vấn đề giáo dục gây bức xúc dư luận, trong đó đặc biệt là bạo lực học đường, giáo viên bạo hành trẻ, đuối nước, lạm thu đầu năm học, tuyển sinh đầu cấp, dạy thêm, học thêm, bệnh thành tích trong giáo dục, sinh viên tốt nghiệp không có việc làm…
Nhân dịp năm mới 2018, Bộ trưởng muốn gửi thông điệp gì tới đội ngũ cán bộ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, các em học sinh, sinh viên trong toàn ngành?
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Như tôi đã chia sẻ, xã hội luôn dành sự quan tâm và kỳ vọng rất lớn vào ngành Giáo dục, đây vừa là vinh dự, cũng vừa là trách nhiệm. Điều đó cũng cho thấy, ngành Giáo dục còn rất nhiều việc phải làm để xứng đáng với sự quan tâm và kỳ vọng của xã hội. Giáo dục là một quá trình đòi hỏi phải có bước đi, lộ trình, cần cả sự kiên nhẫn và tin tưởng, vì vậy, một năm chưa hẳn có thể tạo nên những bước ngoặt nhưng nếu không chắt chiu từng năm một, chúng ta sẽ không thể đi đến đích cuối cùng là đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo nước nhà.
Với ý nghĩa đó, năm 2018 sẽ là một năm mà ngành Giáo dục tiếp tục kiên trì thực hiện các nhiệm vụ đặt ra, chắt chiu từng thành quả nhỏ để đi tới thành quả lớn. Hành trình đó cần sự nỗ lực, đồng lòng, vượt khó của mỗi cô giáo, thầy giáo, mỗi cán bộ nhân viên, mỗi học sinh, sinh viên. Nhìn lại những việc mà mỗi cá nhân và ngành Giáo dục đã làm được trong năm qua, tôi tin tưởng sâu sắc rằng, toàn ngành sẽ cùng chung một ý chí, chung một hành động vì một năm mới với những thành công mới.
Nhân dịp năm mới 2018, tôi thân mến gửi tới các cô giáo, thầy giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục, các em học sinh, sinh viên lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Chúc các cô giáo, thầy giáo, cán bộ quản lý và nhân viên trong toàn ngành năm mới sức khỏe, hạnh phúc và thành công; chúc các em học sinh, sinh viên có một năm mới với nhiều niềm vui mới và gặt hái được nhiều thành tích mới.
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!