Giai đoạn phát triển quan trọng nhất của đời người
Theo TS. Trần Thị Ngọc Trâm, sự phát triển của trẻ ở những năm đầu đời có liên quan chặt chẽ đến khả năng học tập của trẻ. Sự phát triển này bắt đầu từ trước khi sinh ra. Do vậy, việc chăm sóc, giáo dục trẻ cần bắt đầu ngay từ trong bụng mẹ (chăm sóc hướng dẫn bà mẹ khi mang thai) và đặc biệt quan trọng ở lứa tuổi sơ sinh đến 6 tuổi.
Trong giai đoạn lứa tuổi mầm non, ở trẻ xuất hiện những khả năng nhất định mang tính nền tảng cho những năng lực cao hơn sau này. Nếu những khả năng nền tảng đó bị bỏ qua hoặc liên tục không được nuôi dưỡng thì trẻ không được chuẩn bị tốt cho những bước phát triển về sau ví dụ khả năng nghe nhìn, phát triển ngôn ngữ, nhận thức.
Có thể nói những năm đầu đời là giai đoạn phát triển quan trọng nhất của đời người, đặc biệt là giai đoạn não bộ phát triển và hoàn thiện. Đây cũng là thời kỳ chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ dinh dưỡng, sức khỏe và có tác động lớn nhất đến khả năng nhận thức, học tập, tính cách và các kĩ năng của con người.
Còn chênh lệch đáng kể giữa các vùng miền
Trong quá trình xây dựng và phát triển nền giáo dục nước nhà, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm phát triển GDMN. Từ một số trường lớp nhỏ lẻ, chưa có vị trí trong nền giáo dục, GDMN đã trở thành một cấp học có vị thế trong hệ thống giáo dục quốc dân từ năm 2005 đến nay.
Với những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi và sự chỉ đạo quyết liệt của các ngành học từ trung ương đến địa phương cùng với sự ủng hộ của các ban ngành có liên quan, cộng đồng xã hội, đến nay (năm học 2016-2017), 63 tỉnh thành phố trong cả nước đã hoàn thành phổ cập GDMN năm tuổi.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, GDMN hiện nay đang đứng trước nhiều khó khăn thách thức. Thực tế hiện nay, quy mô phát triển GDMN chưa đồng đều giữa các vùng miền, cơ hội đến trường của trẻ em miền núi, vùng sâu, vùng xa vẫn còn hạn chế; chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ ở vùng nông thôn, vùng khó khăn còn thấp và còn chênh lệch đáng kể giữa các vùng miền trong cả nước; những khó khăn, bất cập trong quy hoạch mạng lưới, chính sách phát triển GDMN, các điều kiện đảm bảo chất lượng GDMN và các yêu cầu về nguồn lực, đặc biệt trong phát triển GDMN cho trẻ em dưới 5 tuổi.
Ở một số nơi, GDMN còn thiếu cơ sở vật chất, trường lớp không đủ, mới chỉ ưu tiên phổ cập cho trẻ MN 5 tuổi, hoặc trường lớp không đảm bảo điều kiện làm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Ở một số khu đô thị, khu công nghiệp, tình trạng thiếu các cơ sở GDMN, người lao động phải gửi con trong các nhóm trẻ tự phát, không đảm bảo an toàn cho trẻ…
Một số nơi vùng núi cao, vùng song nước (chẳng hạn đồng bằng sông Cửu Long), vùng dân cư ở không tập trung vẫn tồn tại nhiều điểm trường lẻ, khó khăn trong việc đầu tư nguồn lực, nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ. Tình trạng thiếu phòng học chậm được khắc phục; vẫn còn phòng học tạm, học nhờ, công trình vệ sinh, nước sạch, bếp ăn ở nhiều nơi còn thiếu thốn.
Ở một số nơi, tình trạng thiếu giáo viên vẫn chưa được khắc phục, tỷ lệ giáo viên/lớp còn thấp; đội ngũ GV mầm non không ổn định.
Những khuyến nghị
TS Trần Thị Ngọc Trâm khuyến nghị, thứ nhất, cần tạo mọi điều kiện để huy động tối đa cho tất cả trẻ em trong độ tuổi từ 6 tháng – 6 tuổi đều được tiếp cận với dịch vụ mầm non có chất lượng. Mở rộng quy mô, số lượng và nâng cao chất lượng hệ thống các cơ sở GDMN trên địa bàn dân cư, đảm bảo sự cân bằng trong thụ hưởng dịch vụ GDMN cho mọi trẻ em, đáp ứng nhu cầu gửi con của các bậc phụ huynh, khắc phục cơ bản sự chênh lệch về phát triển GDMN giữa các vùng miền.
Thứ hai, có chủ trương chính sách từng bước thực hiện phổ cập cho trẻ mẫu giáo, trước mắt ưu tiên duy trì bền vững phổ cập giáo dục mầm non trẻ em 5 tuổi (PCGDMNTENT) và triển khai thực hiện phổ cập cho trẻ mẫu giáo bốn tuổi trên cơ sở chú ý cả 3 mục đích: Công bằng, thích hợp, chất lượng. Phải có cách tiếp cận phát triển GDMN thích ứng với điều kiện thực tế vùng miền, đáp ứng các xu hướng của mối quan hệ giữa hệ thống GDMN và nhà nước: Vai trò và trách nhiệm của nhà nước -sự ủy thác một phần quyền lực nhà nước cho trung ương và địa phương - sự hài hòa cần có giữa giáo dục các trường công lập và tu thục; Dựa vào cộng đồng để phát triển các lớp mẫu giáo có sự hỗ trợ kinh phí nhà nước; Đề cao sự phối hợp, trách nhiệm, vai trò của gia đình và cộng đồng.
Thứ ba, phát triển trẻ mầm non và GDMN tiếp tục cần được sự quan tâm đầu tư thích đáng của Nhà nước, trong đó, ưu tiên đầu tư cho các vùng khó khăn ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa; tiếp tục đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa giáo dục mầm non. Nhà nước tiếp tục có chính sách thích hợp nhằm: huy động toàn xã hội cùng chăm lo cho công tác chăm sóc giáo dục trẻ, huy động sự đóng góp nguồn lực của gia đình và toàn xã hội. Phát triển đa dạng hóa các loại hình GDMN: công lập, dân lập và tư thục.
Thứ tư, có nhiều chính sách cho giáo dục mầm non, đặc biệt là các chính sách làm tăng đầu tư ngân sách cho giáo dục mầm non, ban hành cơ chế chính sách để huy động mọi nguồn lực xã hội đầu tư cho giáo dục mầm non. Tiếp tục có chính sách khuyến khích, hỗ trợ, nâng cao đời sống cán bộ ,GV đến công tác tại vùng khó khăn và thu hút trẻ mầm non ra lớp.
Thứ năm, mức lương cho GV phải đảm bảo đủ khuyến khích và yên tâm với nghề. Có chính sách ưu đãi, hỗ trợ nhà nước đối với các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập như: có chính sách cho tư nhân vay vốn với lãi suất ưu đãi kích cầu để xây dựng trường lớp tư thục rộng rãi, an toàn; thực hiện các chính sách hỗ trợ, ưu đãi về kinh phí, cơ sở vật chất và thuế để giúp họ mở rộng quy mô, trang thiết bị. Các trường mầm non tư thục trong những điều kiện nhất định đều được nhà nước hỗ trợ với mức độ và hình thức khác nhau. Ví dụ cần đầu tư và cơ sở vật chất, hỗ hỗ trợ cho các trường mầm non ngoài công lập trong việc đào tạo GV… Tạo môi trường, cơ sở pháp lý thuận tiện cho phát triển mầm non tư thục.