Giáo dục ngoài nhà trường an toàn gắn liền hiệu quả

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Hoạt động trải nghiệm là nội dung được nhiều trường tại Nghệ An chú trọng nhằm phát triển năng lực, phẩm chất toàn diện cho học sinh.

Chuyến trải nghiệm tại Khu di tích Lam Kinh của học sinh Trường THPT Thanh Chương 3, huyện Thanh Chương. Ảnh: NTCC
Chuyến trải nghiệm tại Khu di tích Lam Kinh của học sinh Trường THPT Thanh Chương 3, huyện Thanh Chương. Ảnh: NTCC

Tuy nhiên, việc tổ chức giáo dục ngoài nhà trường đã nhận nhiều ý kiến trái chiều.

Nhiều luồng ý kiến

Trường THPT Thanh Chương 3 (huyện Thanh Chương) vừa tổ chức cho hơn 1.200 học sinh cả 3 khối 10, 11, 12 tham gia hoạt động trải nghiệm nhân dịp đầu Xuân. Lịch trình diễn ra trong thời gian 1 ngày, bao gồm giáo dục lịch sử truyền thống tại Khu di tích Lam Kinh (Thanh Hóa), sau đó đoàn về tham quan đồi hoa Phủ Quỳ tại huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An). Để đảm bảo an toàn và quản lý tốt học sinh, nhà trường tổ chức mỗi khối lớp đi trải nghiệm 1 ngày khác nhau trong tháng.

Thầy Lê Văn Quyền – Hiệu trưởng nhà trường - cho hay, địa điểm hoạt động trải nghiệm được lựa chọn trên cơ sở phục vụ mục tiêu giáo dục và lấy ý kiến học sinh, phụ huynh. Vì đối với khối 10 hoạt động trải nghiệm – hướng nghiệp đã là môn học bắt buộc, có số tiết quy định và kiểm tra, đánh giá. Khối 11, 12 cũng có chương trình ngoại khóa, ngoài giờ lên lớp. Do đó, nhà trường hướng đến các khu di tích lịch sử, địa chỉ đỏ nhằm giáo dục truyền thống cho học sinh.

Sau 3 năm ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hiện nhiều trường tại Nghệ An bắt đầu tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho học sinh với nhiều hình thức. Trường Tiểu học Nhân Thành (huyện Yên Thành) đã tổ chức cho học sinh của trường có một ngày trải nghiệm tại Lữ đoàn 215 đóng tại huyện Quỳnh Lưu. Học sinh Trường THCS Hà Huy Tập (TP Vinh) vừa cho học sinh lớp 9 trải nghiệm Khu di tích lịch sử Truông Bồn (huyện Đô Lương)…

Trường THPT Hà Huy Tập (TP Vinh) tổ chức họp phụ huynh, trong đó thông báo kế hoạch tham quan trải nghiệm cho học sinh khối 10, 11 dự kiến vào cuối tháng 2 và lấy ý kiến phụ huynh. Thứ nhất, tổ chức cho học sinh đi trong ngày, qua các di tích như Truông Bồn, Khu di tích cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập và Ngã ba Đồng Lộc. Hai phương án còn lại lịch trình dài hơn với thời gian 2 ngày đến các địa chỉ lịch sử tại Quảng Trị và Huế. Cả ba phương án có mức phí cao nhất 1,4 triệu đồng, thấp nhất chưa đến 500 nghìn đồng. Qua lấy ý kiến của học sinh, đa số thích đi xa vì các điểm tại Nghệ An, Hà Tĩnh hầu hết các em đã tham quan nhiều lần khi học tiểu học, THCS.

Sau cuộc họp, có phụ huynh cho rằng, đây là cơ hội học sinh THPT cọ xát thực tế, tự lập, trưởng thành, “không thể bao bọc mãi”, nhưng cũng có ý kiến ngược lại “các cháu chưa cần trải nghiệm, vừa tốn tiền vừa lo”. Một số phụ huynh cho rằng, hoạt động trải nghiệm chỉ nên đi đến các địa điểm trong địa phương, gần gũi, vẫn đảm bảo tính giáo dục mà chi phí rẻ, an toàn.

Đặng Quốc Bảo, học sinh lớp 10T3, Trường THPT Hà Huy Tập, háo hức chờ đợi chuyến đi đầu tiên cùng các bạn trong lớp. “Em nghĩ chuyến đi trải nghiệm giúp cho học sinh trong trường, lớp gắn bó với nhau và xây dựng môi trường tích cực. Về vấn đề an toàn, em đã lên lớp 10 có ý thức kỷ luật, hoạt động tập thể. Bố mẹ đi làm cả ngày em cũng tự chăm lo bản thân…”, Quốc Bảo nói.

Học sinh Trường Tiểu học Lê Mao (TP Vinh) đi trải nghiệm tại một doanh trại quân đội. Ảnh: NTCC

Học sinh Trường Tiểu học Lê Mao (TP Vinh) đi trải nghiệm tại một doanh trại quân đội. Ảnh: NTCC

Ưu tiên an toàn

Thầy Lê Văn Quyền ủng hộ việc đưa học sinh đi tham quan, khám phá, trải nghiệm thực tế. Công tác tổ chức vất vả nhưng không thể vì khó khăn mà không làm gì, để học trò thiệt thòi. Nhất là học sinh của trường chủ yếu đến từ vùng thuần nông, ít có cơ hội được tham quan, trải nghiệm.

Cũng theo lãnh đạo Trường THPT Thanh Chương 3, chi phí cho chuyến đi là 420 nghìn đồng/học sinh. Tuy nhiên, nhà trường trích quỹ hỗ trợ học sinh nghèo, kêu gọi mạnh thường quân ủng hộ và tài trợ từ công ty du lịch để miễn phí cho 75 em khó khăn. Một số thầy, cô giáo cũng hỗ trợ thêm cho học sinh của mình. Mục đích không để em nào muốn tham gia mà không đi được do hoàn cảnh khó khăn.

Nhà trường cũng đặt vấn đề an toàn lên hàng đầu trong khâu tổ chức. Mỗi lớp được bố trí 1 xe ô tô, có giáo viên chủ nhiệm, đại diện phụ huynh đi cùng giám sát, quản lý. Học sinh cũng được chuẩn bị 3 tuần trước đó, phân công nhiệm vụ theo nhóm trong suốt hành trình. Nhờ vậy, chuyến tham quan trải nghiệm dành cho cả 3 khối lớp đều thành công, an toàn, tạo niềm vui cho cả thầy lẫn trò.

Thầy Cao Thanh Bảo – Hiệu trưởng Trường THPT Hà Huy Tập (TP Vinh) - cho hay: Do số lượng học sinh dự kiến tham gia đông nên quá trình triển khai nhà trường đang cân nhắc, lấy ý kiến và chưa chốt phương án cuối cùng. Quan điểm là tôn trọng ý kiến tự nguyện của học sinh, phụ huynh. Khi tổ chức giáo dục ngoài nhà trường thì an toàn đặt lên trên hết để xây dựng lịch trình, nội dung chuyến đi phù hợp.

“Để đảm bảo an toàn, nhà trường cũng đang lựa chọn đơn vị phối hợp thực hiện, xây dựng lịch trình không đến nơi nguy hiểm, địa điểm sông nước. Quá trình tổ chức chúng tôi sẽ bàn bạc với từng lớp, hội phụ huynh để cùng thực hiện việc giám sát học sinh khi tham gia chương trình. Đồng thời có phương án hỗ trợ học sinh khó khăn…”, thầy Cao Thanh Bảo nói.

Trong khi đó, thầy Ngô Sỹ Thủy - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Phan Bội Châu - cho biết trường chủ yếu tổ chức hoạt động trải nghiệm dài ngày vào dịp Hè. Hội phụ huynh và các lớp chủ động triển khai phù hợp với điều kiện thực tế và đặt an toàn lên hàng đầu.

Sở GD&ĐT Nghệ An vừa có văn bản nghiêm cấm trường học lợi dụng việc tổ chức dạy học, hoạt động giáo dục ngoài nhà trường để thu tiền trái quy định và đồng loạt đưa học sinh đi tham quan du lịch. Khi tổ chức hoạt động giáo dục ngoài nhà trường yêu cầu các đơn vị xây dựng kế hoạch cụ thể, phù hợp về nội dung, mục tiêu của chương trình và điều kiện thực tế của nhà trường. Việc huy động các nguồn lực để tổ chức phải được thực hiện theo đúng quy định. Các trường không tổ chức cho học sinh đi tham quan trải nghiệm dài ngày với chi phí lớn. Khi tổ chức giáo dục ngoài nhà trường phải gắn với địa chỉ đỏ, khoảng cách gần, trong tỉnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Từ phải qua: Đạo diễn Việt Linh, tác giả Hải Anh và họa sĩ Pauline Guitton giao lưu tại buổi ra mắt sách ở Việt Nam do Nxb Kim Đồng tổ chức. Ảnh: Bình Thanh.

Thuở ấy, mẹ đã 'Sống'!

GD&TĐ - Thuở ấy – những năm tháng đất nước kháng chiến chống Mỹ - mẹ đã sống như thế và hôm nay được thế hệ gen Y lớn lên ở Pháp ghi lại bằng lăng kính mới lạ.