Luồng gió mới từ hoạt động trải nghiệm trong Chương trình mới

GD&TĐ - Với những chủ đề hấp dẫn, lôi cuốn, gắn với thực tiễn, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp trong Chương trình GDPT mới thực sự cuốn hút học sinh...

Học sinh Trường THPT Tiên Lữ với hoạt động trải nghiệm.
Học sinh Trường THPT Tiên Lữ với hoạt động trải nghiệm.

Sôi động giờ học trải nghiệm

Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp của học sinh khối 10 Trường THPT Tiên Lữ (Hưng Yên) với chủ đề “Trách nhiệm với gia đình” diễn ra sôi nổi, hào hứng. Mục tiêu hướng tới của bài học là giáo dục trách nhiệm của học sinh với bố mẹ, người thân trong gia đình, từ đó có kỹ năng ứng xử phù hợp.

Mở đầu cho hoạt động là trò chơi “Ai nhanh ai đúng” dưới sự dẫn dắt sáng tạo của cô Vũ Thị Liễu - Tổng phụ trách Đội, cũng là giáo viên phụ trách bộ môn. Sau khi phổ biến xong luật chơi, dưới sự quản trò của người dẫn chương trình, học sinh tham gia trò chơi vô cùng hăng hái, nhiệt tình. Kết thúc trò chơi, lớp nào thắng nhận được phần thưởng là một bông hoa điểm 10.

Sau đó, các lớp thống nhất đặt tên, vẽ hình ảnh đại diện cho lớp mình trên bảng. Mỗi lớp sẽ cử một thành viên lên thuyết trình, giải thích ý nghĩa, thông điệp về biệt danh và bức tranh của lớp mình. Ngoài ra, cô giáo phụ trách còn đưa ra yêu cầu, nhiệm vụ để các lớp thực hiện.

Đó là câu hỏi xoay quanh tình cảm gia đình và trách nhiệm của mỗi thành viên với những người thân yêu. Các lớp xây dựng một tình huống về chủ đề gia đình và cách xử lý bằng hình thức đóng kịch. Mỗi câu chuyện với cách giải quyết khác nhau đã đưa thầy và trò qua nhiều cung bậc cảm xúc; tự rút ra bài học, kinh nghiệm quý cho bản thân. Cuối buổi học là phần tổng kết các nhiệm vụ, nội dung học tập, tổng kết thi đua giữa các lớp.

Ảnh minh họa/ INT

Ảnh minh họa/ INT

“Em và các bạn thích chủ đề về trách nhiệm với gia đình. Chúng em tiếp cận với chủ đề thông qua hình thức sân khấu hóa, bài hát về mẹ và chia nhóm thảo luận, tự nói lên suy nghĩ của bản thân. Qua đây, em đã biết trách nhiệm của bản thân với bố mẹ và người thân trong gia đình như quan tâm, lắng nghe hơn và chăm sóc bố mẹ, thực hiện công việc gia đình...”, Minh Đức nói.

Còn tại Trường THPT Trương Định (Hà Nội), theo chia sẻ của em Hoàng Minh Đức, lớp 10A1, ngoài tiết Giáo dục địa phương thì trải nghiệm, hướng nghiệp là tiết học được học sinh mong chờ nhất trong tuần. Các chủ đề đều rất hữu ích, giúp Đức và bạn bộc lộ được năng lực riêng.

Tiết học được mong chờ

Theo thầy Lê Việt Dương - Hiệu trưởng Trường THPT Trương Định, Chương trình, sách giáo khoa mới với lớp 10 từng bước ổn định. Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp được nhà trường triển khai theo đúng hướng dẫn.

Theo đó, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp gồm 3 tiết/tuần, bao gồm giờ chào cờ đầu tuần, sinh hoạt lớp cuối tuần và học theo chủ đề. Tuy nhiên, hoạt động này được tính toán để có thể tổ chức trong cả tuần trải nghiệm nhằm giúp học sinh hình thành kỹ năng, tích lũy kiến thức của các môn học và lĩnh vực giáo dục khác nhau.

Lần đầu giảng dạy hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp lại không được đào tạo chuyên sâu nên nhiều giáo viên phụ trách không tránh khỏi bỡ ngỡ. Tài liệu tham khảo không nhiều khiến việc soạn giáo án và thiết kế hoạt động phù hợp với chủ đề cũng khó khăn. Tuy nhiên, các thầy cô đã nỗ lực vượt khó để từng bước mang đến tiết học thú vị và hiệu quả cho học sinh.

Tại Trường THPT Việt Đức (Hà Nội), hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp là điểm mới thú vị của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Theo cô Hiệu trưởng Nguyễn Bội Quỳnh, các trò chơi, thí nghiệm hay chương trình sân khấu hóa được thầy cô linh hoạt lựa chọn.

Ngoài phân công giáo viên dạy 1 tiết trên lớp, nhà trường còn xây dựng kế hoạch cho học sinh trải nghiệm như đi xem kịch, tham quan bảo tàng. “Học sinh đã tham quan Nhà tù Hỏa Lò, Bảo tàng Phụ nữ, Bảo tàng Phòng cháy chữa cháy. Tất cả hoạt động trải nghiệm này đều có sự chung tay chuẩn bị của thầy trò”, cô Nguyễn Bội Quỳnh nhấn mạnh.

Cô Lê Thị Mai Hương - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Thực nghiệm (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) - chia sẻ: Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp được nhà trường thực hiện hiệu quả từ nhiều năm nay và mang lại kết quả đáng khích lệ.

Hoạt động trải nghiệm được chia làm hai phần gồm trải nghiệm trong môn học và trải nghiệm ở các hoạt động giáo dục khác. Trong môn học, hoạt động trải nghiệm được tổ chức ở nhiều địa điểm như khu sinh thái, các bảo tàng... để học sinh gắn với thực tế.

Sau mỗi chuyên đề, chuyến trải nghiệm, kết quả thu được là sự tự tin của học sinh trong hoạt động cá nhân cũng như dễ dàng hòa nhập vào chương trình tập thể hay chủ động lên kế hoạch, làm việc nhóm, thuyết trình, giao tiếp ứng xử và sáng tạo.

Lê Thị Nga - học sinh lớp 10A2 Trường THPT Tiên Lữ - chia sẻ: Sau buổi học, chúng em có thêm kiến thức bổ ích, nhận thức sâu sắc hơn về trách nhiệm với gia đình và xã hội. Hơn thế, chúng em có thêm cơ hội gắn kết, hiểu nhau hơn, hình thành kỹ năng hữu ích trong học tập và cuộc sống.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ