Giáo dục lối sống văn hóa cho học sinh lớp 1

GD&TĐ - “Làm thế nào để trẻ có được lối sống văn hóa như mong muốn? Trước hết, ta không dạy lý thuyết suông, sau nữa người lớn phải là tấm gương sống đẹp”

Giáo viên và phụ huynh cùng tham gia phối hợp để giáo dục lối sống cho các em
Giáo viên và phụ huynh cùng tham gia phối hợp để giáo dục lối sống cho các em

Đó là chia sẻ của tiến sĩ Ngô Thị Tuyên - Trung tâm Công nghệ Giáo dục (Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam).

Người lớn, thầy, cô phải là tấm gương

Để hiệu quả giáo dục đạt được sự tối ưu, môn GDLS có tài liệu hướng dẫn cha mẹ học sinh cách phối hợp với nhà trường trong rèn luyện hành vi cư xử có văn hóa cho học sinh.

TS Tuyên nhấn mạnh: Chương trình GDLS không chỉ dành cho giáo viên dạy GDLS, mà tất cả giáo viên và cán bộ nhân viên nhà trường đều phải nắm được các quy định hành vi lối sống chuẩn mực để thực hiện và hướng dẫn học sinh thực hiện. 

Các hành vi của toàn thể giáo viên cần phù hợp với các yêu cầu GDLS đưa ra cho học sinh. Thầy cô phải mẫu mực mới dạy được trẻ.

TS Tuyên dẫn giải: Cô dạy GDLS bảo em không được xé vở để vẽ, để gấp máy bay, vở sẽ xộc xệch, và rất lãng phí, thế nhưng cô giáo khác lại cho phép em xé vở và thậm chí còn xé vở của em vì em trình bày chưa sạch đẹp, vì muốn lớp cô toàn vở sạch, chữ đẹp là không được.

Bác bảo vệ nhìn thấy em ăn vặt, vứt rác bừa bãi nhưng không nhắc nhở (vì việc quét dọn là của bác lao công!) cũng không được. Nhà trường yêu cầu cha mẹ không đi xe máy trong sân trường nhưng các thầy cô giáo cứ phóng thẳng xe máy từ ngoài vào tận chỗ để xe cũng không được.

Các kiểu giáo dục không thống nhất như vậy sẽ tự vô hiệu hóa lẫn nhau, kết quả giáo dục không thể bền vững.

Học sinh (sản phẩm giáo dục) là thành phẩm hoạt động của cả ba nhân vật: Học sinh - Giáo viên - Nhân vật thứ ba. Nhân vật thứ ba trước hết chính là gia đình. Từ 6 tuổi trở đi, nhà trường phải chủ động tổ chức mối quan hệ này theo cơ chế phân công - hợp tác.

Giáo dục lối sống để các em biết yêu thương, giúp đỡ bạn bè
 Giáo dục lối sống để các em biết yêu thương, giúp đỡ bạn bè

Phụ huynh và nhà trường cần phối hợp chặt chẽ

 Sự phối hợp nhịp nhàng giữa gia đình và nhà trường sẽ từng bước tạo dựng thói quen nền nếp, chuẩn mực, văn hóa cho trẻ

TS Tuyên cho rằng, cha mẹ cần ủng hộ, đồng tình với phương pháp giáo dục của nhà trường và phối hợp với nhà trường trong việc thực thi, giám sát lối sống của con cái. 

Cha mẹ đọc, nghiên cứu các nội dung GDLS trong tài liệu cho cha mẹ và có hành vi chuẩn mực để con cái noi theo. Cha mẹ phải là tấm gương về lối sống chuẩn mực. Không thể nhà trường dạy một đằng, ở nhà làm một nẻo.

Ví dụ, môn GDLS dạy trẻ có trách nhiệm với bản thân mình, đi ngủ và dậy đúng giờ, thế nhưng cha mẹ lại thường xuyên cho con đi chơi về muộn hoặc xem ti vi thoải mái đến khuya thì không được. 

Cha mẹ thường xuyên liên hệ với nhà trường để nắm các nội dung học tập của trẻ và nhắc nhở trẻ thực hiện các cách ứng xử chuẩn mực ở nhà.

Nếu không phối hợp tốt, gia đình và nhà trường có thể đổ lỗi cho nhau.

Có cha mẹ thường đổ riệt cho nhà trường có lỗi về những sai sót của trẻ trong học tập của trẻ, và có thầy cô đổ riệt cho gia đình vì một số thói xấu của trẻ. Điều đó đều không đúng.

Ở nhà, trẻ có nhiệm vụ tự học, làm việc nhà, học cách yêu thương, quan tâm, chăm sóc đến người thân. Nhà trường không yêu cầu cha mẹ dạy con học thêm chữ nghĩa ở nhà, mà chỉ yêu cầu cha mẹ giúp em tự học.

Có hành vi lối sống của trẻ được hình thành từ trong gia đình, từ trước khi bước chân đến trường. Nhà trường và gia đình có trách nhiệm rèn luyện cho trẻ thành thói quen tốt nếu là hành vi chuẩn mực, nếu là hành vi không chuẩn mực thì cần phối hợp với nhau để thay đổi và hình thành hành vi chuẩn.

Giáo viên chính là tấm gương để học sinh học tập và noi theo về lối sống và văn hóa ứng xử
 Giáo viên chính là tấm gương để học sinh học tập và noi theo về lối sống và văn hóa ứng xử

Giúp trẻ có hành vi ứng xử chuẩn mực bền vững

Muốn cho cách ứng xử chuẩn mực của trẻ trở thành bền vững, trẻ phải hiểu việc mình làm và có lòng tin vào những chuẩn mực văn hóa được học. Để trẻ tin tưởng vào những điều được học, trẻ cần hiểu tại sao phải làm như vậy.

Trong mọi trường hợp, thầy giáo phải đứng ra đảm đương nhiệm vụ tổ chức lại lực lượng xã hội theo yêu cầu chung của quá trình giáo dục, trong mọi hoạt động giáo dục ở các không gian khác nhau (ở trường, ở nhà, ở câu lạc bộ,...), tại những khoảng thời gian khác nhau, sao cho tất cả làm thành một công nghệ, tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh là trẻ em. Đây là việc làm rất khó, nhưng vì lợi ích của trẻ em, việc này cần làm được.

Khi có việc cần trao đổi, giáo viên chủ động mời phụ huynh đến gặp gỡ. Khuyến khích các cuộc gặp gỡ vì lợi ích của trẻ, phối hợp chung giáo dục trẻ. Không nhất thiết chỉ đến khi họp phụ huynh vào đầu năm học, hay cuối kì I, kì II mới trao đổi với cha mẹ về học sinh.

Họp cha mẹ học sinh, giáo viên cần chuẩn bị nhận xét cụ thể về tiến bộ của từng em, ở từng môn học và hoạt động giáo dục. Giáo viên không đánh giá chung chung cho tất cả các lĩnh vực học tập. Cần nói được em đã biết làm gì, còn cần cố gắng làm gì, thái độ của em với môn học, các hành vi chuẩn mực em đạt được…

Giáo viên cần trao đổi với từng cha mẹ về con em của họ. Để làm được việc này, cần hẹn giờ với phụ huynh (cá nhân hoặc theo nhóm). Họp chung chỉ khi nào có những vấn đề chung. Và nếu những vấn đề chung chỉ cần qua văn bản thì cũng không cần họp chung.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ