Giáo dục lịch sử cho thế hệ trẻ: Giải pháp “kiềng 3 chân”

GD&TĐ - Cần giáo dục cho thế hệ trẻ về lịch sử, để từ đó khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc. Để làm được điều này, cần giải pháp “kiềng 3 chân”: Gia đình, nhà trường và xã hội.

Đại biểu Quốc hội Ma Thị Thuý.
Đại biểu Quốc hội Ma Thị Thuý.

Trân quý lịch sử của nước nhà

Đại biểu Trần Văn Thức (Đoàn đại biểu Quốc hội Thanh Hoá) khẳng định: Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, giáo dục đã phát triển cùng dân tộc và luôn đóng vai trò quan trọng như một trụ cột cơ bản của việc xây dựng và vun đắp cho nền văn hiến lâu đời của đất nước. Trong giai đoạn đổi mới, đặc biệt sau khi thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, giáo dục đã đạt được những thành tựu to lớn, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước.

“Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Vậy để yêu, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất thiết phải hiểu lịch sử của Tổ quốc mình, mà trên hết là cần giáo dục, bồi dưỡng cho thế hệ trẻ nói chung và học sinh, sinh viên nói riêng” – đại biểu Trần Văn Thức nhấn mạnh, đồng thời cho rằng: Trước hết, gia đình, nhà trường, xã hội cần giáo dục để thế hệ trẻ hôm nay thấy rằng, học sử và hiểu sử rất quan trọng, là một trong những xúc tác thúc đẩy mỗi cá nhân có trách nhiệm với bản thân, quê hương và đất nước mình.

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Thức. Ảnh: Internet
Đại biểu Quốc hội Trần Văn Thức. Ảnh: Internet

Theo đại biểu đoàn Thanh Hoá, với người trẻ, học sử không phải chỉ để thi cử, mà là để thấm nhuần đạo lý “ăn quả nhớ người trồng cây” và “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà tự hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay”, để sống có ích cho xã hội, cộng đồng. Khi hiểu được những giá trị lớn lao ấy, thế hệ trẻ hôm nay sẽ có động lực để tham gia học, tự học và sáng tạo.

Cho rằng, việc học lịch sử có thể diễn ra ở mọi nơi, mọi lúc, không phải chỉ ở trên ghế nhà trường, đại biểu Trần Văn Thức nhấn mạnh: Các nhà trường và thầy, cô giáo cũng cần chủ động đổi mới hình thức, phương pháp dạy - học. Các trường có thể lồng ghép giáo dục truyền thống lịch sử nước nhà cho học sinh qua các giờ chào cờ, hoạt động ngoại khoá, hoạt động về nguồn… Những tiết học sẽ trở nên sinh động hơn khi được ứng dụng công nghệ thông tin, học sinh được chủ động tiếp thu kiến thức và bày tỏ suy nghĩ, cảm xúc của mình hoặc được thực hiện thông qua các dự án nhỏ như: Đóng kịch, quay phim, tìm hiểu nhân chứng lịch sử…

Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh. Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh. Ảnh: quochoi.vn

Khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc

Đại biểu Hồ Thị Minh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị) cho rằng: Cần loại bỏ quan niệm môn chính, môn phụ đối với môn Lịch sử, nhất là hiện nay chúng ta đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng. Đặc biệt, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, lịch sử cũng có vai trò bình đẳng và ngang hàng như lĩnh vực khác.

Muốn vậy, giáo viên có vai trò quan trọng, là người quyết định. Ngoài ra, hơn ai hết, bố mẹ phải là những người thầy đầu tiên dạy con em mình yêu thích lịch sử của dân tộc. Nói cách khác, cần sự vào cuộc đồng bộ từ gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Đây được coi là giải pháp “kiềng 3 chân” để thế hệ trẻ yêu thích lịch sử. Từ đó khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc cho thế hệ trẻ.

Theo Đại biểu đoàn Quảng Trị, lịch sử luôn có mối liên hệ mật thiết và hữu ích với cuộc sống. Đơn cử như ở một số lĩnh vực: Văn hóa, du lịch… để làm việc được trong lĩnh vực này, đòi hỏi phải có am hiểu nhất định về lịch sử. “Trong Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ có những chủ đề và chuyên đề như: Lịch sử với phát triển công nghiệp văn hóa, lịch sử với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa... Đây là những chuyên đề phù hợp và rất gần với việc phát triển các ngành, lĩnh vực “hot” – đại biểu Hồ Thị Minh chia sẻ.

Ở góc nhìn khác, đại biểu Ma Thị Thúy (Đoàn đại biểu Quốc hội Tuyên Quang) nêu quan điểm: Trong 5 năm tới, Chính phủ và ngành Giáo dục cần kiên trì, kiên quyết triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.

Bộ GD&ĐT đang tập trung xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục đào tạo giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến 2045. Đại biểu đoàn Tuyên Quang cho hay: Cử tri mong muốn Chiến lược này cần sớm được ban hành, để tạo sự thống nhất trong triển khai các nhiệm vụ, kế hoạch giáo dục, đào tạo của toàn ngành và từng địa phương. Ngay trong năm 2021, đề nghị Chính phủ, Bộ GD&ĐT cần quan tâm triển khai thật tốt lộ trình thay sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông mới.

“Đây là vấn đề hệ trọng sẽ được triển khai trong suốt nhiệm kỳ 2021 - 2025. Do đó, việc thay sách giáo khoa, trong đó có môn Lịch sử và Địa lý, cần phải triển khai thật sự khoa học, bài bản, định kỳ nên có đánh giá lại và liên tục rút kinh nghiệm cho các năm tiếp theo” – đại biểu Ma Thị Thuý nói.

“Nếu có điều kiện, giáo viên có thể dẫn học sinh đến những di tích gắn liền với nội dung bài học. Qua đó, không chỉ giúp các em “học kỹ, nhớ lâu” kiến thức bài học, mà còn bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ, thêm yêu và trân quý lịch sử nước nhà”. - Đại biểu Trần Văn Thức

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ