Phát huy giáo dục lịch sử, truyền thống trong trường học

GD&TĐ - Những ngày này, mảnh đất xứ Nghệ đang ở trong không khí hào hùng, thiêng liêng ngày kỷ niệm 85 năm Xô Viết Nghệ Tĩnh. Các địa danh truyền thống, lịch sử được nhắc lại bằng niềm tự hào, trân trọng biết ơn thế hệ cha ông đi trước đã đấu tranh, hi sinh cho độc lập, tự do dân tộc.

Tham quan thực tế tại Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh giúp các em HS thêm tự hào về truyền thống lịch sử quê hương
Tham quan thực tế tại Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh giúp các em HS thêm tự hào về truyền thống lịch sử quê hương

Đặc biệt hơn, trong các trường học, công tác phát huy giáo dục lịch sử, truyền thống cách mạng địa phương cũng đang được đẩy mạnh hơn bao giờ hết.

Tự hào lịch sử quê hương Xô Viết

Đến Trường THCS Xá Lượng (Tương Dương, Nghệ An) cô Trần Thị Thanh Hương - Giáo viên Lịch sử - đang giới thiệu cho các em học sinh về lịch sử của cổng phủ nằm ngay trong khuôn viên trường.

Cổng phủ xây bằng gạch, được ôm gọn bởi bộ rễ của cây đa cổ thụ, có từ thời nhà Nguyễn, là cổng phủ đệ của Tri phủ Lang Vi Năng - Thành viên của dòng họ Lang Vi truyền giữ chức Tri phủ của phủ Tương Dương đến 3 đời. 

Sau này, khi nhân dân nổi dậy cướp chính quyền, ngọn cờ đỏ sao vàng, cờ búa liềm được treo tung bay trên cổng phủ. Trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp sau đó, đây là nơi cất giấu vũ khí, nơi hội họp, hoạt động của các cán bộ, chiến sĩ cách mạng…

Ngôi trường THCS Xá Lượng được xây dựng, chọn địa điểm bên cạnh ngã ba sông, nơi hợp lưu 2 dòng Nậm Nơn, Nậm Mộ thành nơi bắt đầu dòng sông Lam, cũng là địa điểm chứa đựng nhiều giá trị văn hóa lịch sử. Nghe cô Hương giảng giải, các em học sinh học thêm được những bài học lịch sử đáng quý của quê hương, đất nước…

Còn Trường THCS Môn Sơn (Con Cuông) được Sở GD&ĐT Nghệ An đánh giá là một trong những ngôi trường làm tốt công tác giáo dục truyền thống. 

Xã Môn Sơn có di tích lịch sử quốc gia nhà cụ Vi Văn Khang, là nơi thành lập Chi bộ Đảng Môn Sơn (tháng 4/1931), có cây đa Cồn Chùa nơi tập trung bà con nhân dân mít tinh, biểu tình đòi tự do dân chủ… 

Nhiều năm qua, nhà trường tổ chức cho các em học sinh trực tiếp đến chăm sóc, quét dọn, trồng cây xanh tại các di tích này, thăm hỏi các gia đình thương binh liệt sỹ, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng... Các em học sinh đều rất hào hứng và thích thú với những hoạt động này.

Trong những cuộc thi tìm hiểu về lịch sử, an ninh biên giới, thầy và trò của trường luôn đạt kết quả cao. Trong 5 năm qua, nhà trường có hơn 70 lượt học sinh giỏi môn Lịch sử, giải Nhất “CLB Lịch sử” cấp cụm và được chọn thi cấp tỉnh. Giải Nhất Cuộc thi “Tìm hiểu kiến thức lịch sử về phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh năm 1930 - 1931” do Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh tổ chức...

Giáo dục truyền thống lịch sử địa phương vào trường học

Từ tháng 12/2005, Sở VH,TT&DL phối hợp với Sở GD&ĐT Nghệ An thống nhất chủ trương đưa giáo dục lịch sử Xô Viết Nghệ Tĩnh vào học trong nhà trường. Hoàn thành việc biên soạn hai bài giảng ngoại khóa về Xô Viết Nghệ Tĩnh cho các em học sinh lớp 9 và lớp 12…

Hằng năm, các trường học tại các huyện của tỉnh Nghệ An đều tổ chức cho học sinh đi tham quan các di tích lịch sử của địa phương, tổ chức giao lưu văn hóa, thi tìm hiểu lịch sử, đối thoại nhân chứng lịch sử, nghe nói chuyện chuyên đề... nhân dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn như: Ngày thành lập Đảng, Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2/9, ngày Xô Viết Nghệ Tĩnh 12/9.

Sau 10 năm thực hiện, nhiều hoạt động phong phú, cụ thể của mỗi trường học đã góp phần hình thành nhân cách, xây dựng lòng tự tôn, tự hào dân tộc, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống đất nước quê hương của thế hệ trẻ.

Những ngày này, Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh - nơi lưu giữ những tư liệu, ảnh, hiện vật về lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân Nghệ Tĩnh - thường xuyên đón các đoàn học sinh về tham quan học tập. Theo số liệu thống kê, hàng năm có khoảng từ 12.000 – 13.000 học sinh đến bảo tàng tham quan. Trong đó, duy trì thành nề nếp có các trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, THPT Lê Viết Thuật, THCS Lê Lợi, THCS Cửa Nam...

Cô giáo Lê Thị Hồng Lâm, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, thành phố Vinh chia sẻ: “Nhà trường thường chủ động tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về những tấm gương cách mạng từng học tập tại trường như đồng chí Nguyễn Tiềm, Nguyễn Sỹ Sách... 

Tổ chức các đợt tham quan tại Bảo tàng Xô Viết, các di tích lịch sử như Ngã ba Đồng Lộc, lăng mộ Vua Mai, di tích Truông Bồn... Các em học sinh sau khi trở về có bài thu hoạch phát biểu cảm tưởng, suy nghĩ của mình về chuyến đi. Qua đó, khơi dậy tinh thần học tập về bộ môn Lịch sử nói chung và lịch sử địa phương cho các em học sinh nói riêng”.

Về thực hiện chủ trương đưa giáo dục lịch sử, truyền thống quê hương trong nhà trường, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy - Chuyên viên Phòng GD Trung học, Sở GD&ĐT Nghệ An - khẳng định:                                                                                                                             Đã nâng cao nhận thức của các em học sinh, góp phần thay đổi hình thức dạy học ở bộ môn Lịch sử... Đồng thời, những tư liệu, di sản, di tích được đến với công chúng, phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa, tinh thần trong đó.                                                                                                                                                                                  Tuy nhiên, tại các khu di tích, bảo tàng hiện nay cần bổ sung thêm các tư liệu, quan tâm đến công tác thuyết minh, không gian trưng bày, sự đầu tư về cơ sở vật chất như: Máy chiếu, hệ thống âm thanh... để hoạt động hiệu quả hơn nữa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ