Có dấu hiệu sai phạm
Nội dung đơn thư có nêu: Ngày 1/8/2017, khoảng 1.200 học sinh Trường Tiểu học Yên Thường khối 2;3;4;5 đến tập trung được giáo viên chủ nhiệm phát cho tờ Phiếu đăng ký học Kỹ năng sống và gửi cha mẹ đăng ký học.
Trong Phiếu ghi học phí: 300.000đ. Tài liệu: 19.600 đ. Khoản phí này do nhà trường tự đặt ra, không có sự trao đổi với cha mẹ học sinh, cũng không công bố kế hoạch, lịch học thêm trái với Thông tư 17.
Hôm sau, giáo viên chủ nhiệm thu lại toàn bộ Phiếu đăng ký kể cả học sinh không tham gia học thêm. Sau đó Nhà trường bố trí cho các con ôn luyện trong hè 2 môn: Toán và tiếng Việt. Lịch học 2 buổi/ tuần. Mỗi buổi học 3 tiết.
Thay vì bố trí các con học thêm Kỹ năng sống vào một ngày khác, nhà trường cắt bớt 1 tiết Toán và tiếng Việt xen vào 1 tiết Kỹ năng sống ở giữa. Do vậy những học sinh không học thêm kỹ năng sống đến tiết 2 phải đi ra khỏi lớp, đến tiết 3 lại quay lại lớp học Toán hoặc tiếng Việt.
Còn những học sinh nào không đăng ký học thêm mà vẫn ngồi trong lớp giáo viên chủ nhiệm vẫn bắt đóng tiền. Rất nhiều phụ huynh bức xúc nhưng sợ bị trù dập nên vẫn phải nộp tiền cho con.
Trong đơn thư, bạn đọc bày tỏ sự bức xúc: Trong tháng 8/2017 các con chỉ được học 8 tiết Kỹ năng sống tương đương 1 ngày học tập với học phí là 300.000 ngày, thì đây quả là mức học phí quá cao. Với khoảng 1.200 học sinh nhà trường thu về khoảng 350 triệu đồng mà không xuất chứng từ, hóa đơn cho phụ huynh là việc làm có dấu hiệu vi phạm.
Đơn thư cũng phản ánh, học sinh các khối 3;4;5 năm ngoái đã bị ép học thêm, năm nay lại học lại chương trình vẫn không thay đổi, giáo viên không chuyên dạy sai cả về kiến thức kỹ năng. Nhà trường liên kết lòng vòng với nhiều đơn vị Trung tâm POKI, Công ty Cổ phần Kết nối trường học Việt Nam có dấu hiệu môi giới, cấu kết lợi ích nhóm.
Phiếu đăng ký học kỹ năng sống của Trường tiểu học Yên Thường |
Lời giải thích từ trường Yên Thường
Trước nội dung nêu trên, phóng viên báo Giáo dục & Thời đại đã liên hệ với cô Lê Bích Mai - Hiệu trưởng Trường tiểu học Yên Thường (Gia Lâm, Hà Nội).
Cô Lê Bích Mai – khẳng định: Nhà trường đã phối hợp với Tổ chức GD&ĐT POKI Tân Á Châu dạy kỹ năng sống cho học sinh trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện, không có sự ép buộc cha mẹ học sinh, nhà trường cũng không tổ chức dạy thêm, học thêm như đơn thư đã phản ánh.
Cô Lê Bích Mai cũng cho biết: Học sinh đang học tại Trường Tiểu học Yên Thường thuộc các khối lớp 1, 2, 3, 4, 5 đều có đơn xin tham gia học tự nguyện của cha mẹ học sinh. Về kinh phí, nhà trường và công ty POKI thỏa thuận với cha mẹ học sinh về kinh phí tham gia trên tinh thần tự nguyện. Mức thu thỏa thuận: 300 000 đồng/học sinh/khóa hè, tiền sách, tài liệu học kĩ năng sống 19.600đ.
Ngoài ra, Trường tiểu học Yên Thường cũng đã có báo cáo giải trình với Phòng GD&ĐT huyện Gia Lâm, Thanh tra Sở GD&ĐT Hà Nội về việc này. Báo cáo có nêu: Trường Tiểu học Yên Thường đã phối hợp với Tổ chức Giáo dục và Đào tạo POKI Tân Á Châu tổ chức chương trình giáo dục kỹ năng sống trong dịp hè năm 2017.
Theo đó, Ban giám hiệu triển khai kế hoạch rèn kỹ năng sống cho học sinh vào buổi họp kết thúc năm học 2016 - 2017 tới 100% giáo viên trong nhà trường để lấy ý kiến đồng thuận.
Giáo viên chủ nhiệm các lớp triển khai kế hoạch, nội dung chương trình dạy kĩ năng sống tới cha mẹ học sinh trong buổi họp cha mẹ học sinh cuối năm vào ngày 28/5/2017. Tổ chức cho cha mẹ học sinh đăng kí tham gia cho con học kĩ năng sống nhà trường tổ chức trong tháng 8 theo hình thức hoàn toàn tự nguyện.
Trên cơ sở đăng ký của cha mẹ học sinh, nhà trường xây dựng kế hoạch triển khai rèn kỹ năng sống cho học sinh dịp hè 2017.
Nội dung các chủ đề nhằm trang bị những tri thức và kỹ năng cần thiết góp phần hình thành năng lực cho trẻ để trở thành công dân có đủ tự tin, trách nhiệm, tự lập, chủ động, thành công và hạnh phúc trong thế kỷ 21: Với 4 nhóm năng lực về “Thường thức cuộc sống”, “Giao tiếp và tương tác”, “Tư duy, học tập và sáng tạo”, “Sử dụng thông tin và ứng dụng công nghệ”.
Các nội dung trên được sắp xếp theo vòng tròn đồng tâm, tăng dần kỹ năng theo từng khối lớp. ( Có phân phối chương trình cụ thể cho từng khối lớp.) và được tích hợp trong phần mềm giáo án điện tử POKI - Giáo viên nhà trường tiếp nhận và trực tiếp dạy cho học sinh trong dịp hè.
Thời gian học: Từ 7giờ 45 phút đến 10 giờ 30 phút vào các buổi sáng trong tuần (buổi sáng thứ 2, thứ 4 đối với khối 1,2,3 và buổi sáng thứ 3, thứ 5 đối với khối 4,5), bắt đầu từ 2/8/2017 đến 29/8/2017, trong đó chương trình rèn kỹ năng sống: 8 buổi sáng, mỗi buổi khoảng 90 phút tương ứng với khoảng nội dung chủ đề trong chương trình. Thời gian còn lại sẽ ổn định tổ chức lớp, ổn định nền nếp các lớp, xây dựng nền nếp học tập các môn học chuẩn bị cho năm học mới.
Trước các nội dung nêu trên cô Lê Bích Mai – khẳng định: Các nội dung được phản ánh trong đơn thư là không đúng sự thật. Báo Giáo dục & Thời đại sẽ tiếp tục tìm hiểu và phản ánh tới bạn đọc về vụ việc này.