Giáo dục kĩ năng sống và văn hóa truyền thống các DTTS cho học sinh phổ thông

GD&TĐ - Ngành giáo dục tỉnh Hà Giang đã phối hợp ngành văn hóa biên soạn tài liệu giáo dục kỹ năng sống và đưa văn hóa truyền thống vào trường học cho cả ba cấp học từ cấp Tiểu học đến cấp Trung học phổ thông.

Giáo dục kĩ năng sống và văn hóa truyền thống các DTTS cho học sinh phổ thông

Nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục kĩ năng sống và văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số cho học sinh phổ thông trên địa bàn tỉnh, góp phần ổn định môi trường giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Ngày 07 tháng 4 năm 2016 Uỷ Ban nhân dân tỉnh Hà Giang ban hànhQuyết định số 597/QĐ-UBND phê duyệt Đề án giáo dục kỹ năng sống và văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số cho học sinh phổ thông trên địa bàn tỉnh Hà Giang giai đoạn 2016-2020 với 4 mục tiêu:

- Trang bị cho học sinh phổ thông những kiến thức, giá trị, thái độ và kĩ năng phù hợp; hiểu biết về văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số của địa phương. Trên cơ sở đó hình thành cho các em những hành vi, thói quen lành mạnh, tích cực; loại bỏ những hành vi, thói quen tiêu cực trong các mối quan hệ, các tình huống và hoạt động hàng ngày.

- Giúp học sinh hình thành những cơ sở ban đầu cho sự phát triển đúng đắn và lâu dài về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mĩ và các kĩ năng sống cơ bản. Hình thành nhân cách cho học sinh, biết điều chỉnh những biểu hiện lệch lạc trong hành vi suy nghĩ, hành vi lối sống của mình. Giúp các em hoàn thiện kĩ năng thực hành về Luật giao thông đường bộ; có kĩ năng giao tiếp với khách du lịch; có khả năng phòng chống, tự bảo vệ bản thân và người khác khỏi đuối nước, thiên tai, tai nạn thương tích; có khả năng phòng chống ma túy, phòng chống tội phạm liên quan đến phụ nữ và trẻ em...

- Góp phần bảo tồn giá trị và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn tỉnh, tôn vinh bản sắc văn hóa của các dân tộc trên cơ sở nhận thức sự thống nhất và đa dạng của văn hóa Việt Nam; thúc đẩy công tác sưu tầm và khai thác các giá trị văn hóa truyền thống, văn nghệ, trò chơi dân gian của các dân tộc trên địa bàn toàn tỉnh để bảo tồn, phục dựng, đồng thời tăng cường tình đoàn kết, gắn bó cộng đồng.

- Tạo cơ hội thuận lợi để học sinh thực hiện tốt quyền, bổn phận của mình và phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần và đạo đức.

Thực hiện Quyết định số 597/QĐ-UBND, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động giáo dục kỹ năng sống và giáo dục văn hóa dân tộc phù hợp với điều kiện và đặc điểm văn hóa các dân tộc thiểu số ở địa phương nhằm góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc, nâng cao tinh thần đoàn kết dân tộc, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện học sinh.

Năm học 2016-2017, tất cả các trường tiểu học, THCS, THPT ở Hà Giang đều đã xây dựng kế hoạch thực hiện đưa văn hóa truyền thống vào giảng dạy trong nhà trường phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và đặc trưng văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Giáo dục kĩ năng sống và văn hóa truyền thống các DTTS cho học sinh phổ thông ảnh 1

Truyền dạy văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số cho học sinhở trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang

Tại các huyện vùng cao nguyên đá Đồng Văn, nơi người Mông chiếm đa số thì các trường phổ thông đã chú trọng giáo dục về văn hóa truyền thống và phong tục tập quán dân tộc Mông, dạy học sinh múa khèn, thổi kèn lá, tổ chức cho học sinh tham quan các di tích lịch sử như cột cờ Lũng Cú, nhà họ Vương, con đường Hạnh phúc, di tích cách mạng Đường Thượng, huyện Yên Minh…; các huyện vùng núi phía Tây của tỉnh như Hoàng Su Phì, Xín Mần nơi có đông đồng bào Mông, Nùng, Tày, La chí, ... sinh sống thì nội dung được lựa chọn giảng dạy cho học sinh là phong tục tập quán của người Dao, Nùng, La Chí như cưới hỏi, mừng nhà mới…, các làn điệu dân ca, dân vũ như múa Ngựa giấy của dân tộc Nùng, múa Gậy đồng xu, thổi kèn lá của dân tộc Mông hay Lễ hội Tết Khu Cù Tê của dân tộc La Chí…

Tại các huyện núi thấp phía Nam của tỉnh là Bắc Quang, Vị Xuyên chủ yếu là người dân tộc Tày, dao, Nùng, Mông, Pà Thẻn… sinh sống thì các trường lựa chọn các nội dung văn hóa truyền thống và phong tục tập quán của dân tộc Tày, Pà Thẻn, Nùng, Dao… để đưa vào giảng dạy như hát Sli của dân tộc Nùng, hát Then, đàn Tính của dân tộc Tày, Lễ cấp sắc của dân tộc Dao hay Lễ mừng nhà mới của dân tộc Tày, Lễ hội nhảy lửa, Lễ kéo chày và các trò chơi dân gian của dân tộc Pà Thẻn, truyền dạy những bài thuốc chữa bệnh của người dao và truyền dạy nghề đan lát là nghề thủ công truyền thống của người Tày.…

Sau khi xây dựng kế hoạch thực hiện đưa văn hóa truyền thống vào giảng dạy, ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo các xã lựa chọn nghệ nhân tham gia truyền dạy văn hóa, những nghệ nhân được mời truyền dạy văn hóa dân tộc cho học sinh phải là những người am hiểu sâu sắc về nội dung văn hóa truyền thống được lựa chọn đưa vào truyền dạy tại các nhà trường, nghệ nhân phải thể hiện các bài dân ca, sử dụng  nhạc cụ dân tộc, am hiểu sâu sắc về các lễ hội của các dân tộc thiểu số, biết tổ chức và dạy cho học sinh chơi các trò chơi dân gian như: đi cà kheo; đẩy gậy; đánh cù lá; đánh yến…

Tỉnh Hà Giang đã phát huy được vai trò của hàng nghìn nghệ nhân là người DTTS tình nguyện truyền dạy văn hóa truyền thống các dân tộc trên địa bàn. Nhà trường phối hợp với chính quyền địa phương trực tiếp mời các nghệ nhân lành nghề đến trường để trực tiếp các nghệ nhân truyền dạy cho các cán bộ giáo viên trong nhà trường và sau đó cán bộ giáo viên lại tiếp tục giảng dạy cho các em học sinh về các trò chơi dân gian. Đối với các làn điệu dân ca đòi hỏi người học phải biết tiếng dân tộc nên các nhà trường đã bố trí các em học sinh lớn đến học các nghệ nhân rồi về truyền lại cho các em học sinh lớp sau.

Theo đó, các nghệ nhân dân gian ở các xã, thị trấn đã truyền dạy cho học sinh các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc qua các giờ học ngoại khóa và hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp. Buổi ngoại khóa tại trường học không chỉ truyền đạt các điệu múa hay làn điệu dân ca mà còn có lồng ghép dạy cho các em học sinh làm các mô hình nhà sàn, thư viện treo, để các em hình thành tính cách tự lập hơn trong cuộc sống, nâng cao kỹ năng sống cho học sinh. Bên cạnh đó, đây cũng là điều kiện tốt nhất để giáo viên hiểu rõ hơn về tâm tư, tính cách của học sinh từ đó làm tốt công tác dạy và học ở trường.

Đưa văn hóa truyền thống vào giảng dạy tại các trường trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã tạo được hiệu ứng tốt, thu hút đông đảo học sinh, giáo viên, phụ huynh và các nghệ nhân dân tộc thiểu số tham gia. Đây cũng là một trong những hướng đi để tỉnh Hà Giang phát triển du lịch thông qua việc phát triển văn hóa bản địa,đồng thời quảng bá văn hóa dân tộc thiểu số của mảnh đất nơi địa đầu của tổ quốc.

Theo Bộ GD&ĐT

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ