(GD&TĐ) - Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) vừa công bố báo cáo Pisa - Chương trình Đánh giá học sinh quốc tế. Báo cáo này cho thấy hầu hết các quốc gia phát triển đều coi trọng việc đầu tư cho GD, cho dù nó không sinh lời ngay.
Đầu tư cho giáo dục mang lại hiệu quả lớn |
1. Trong báo cáo Pisa lần này được OECD công bố, nhiều nước đã tăng đầu tư cho GD. Đáng lưu ý, tại Anh mặc dù GDP giảm, nhưng mức chi cho GD vẫn tăng khoảng 10,5 điểm phần trăm - nhiều hơn mức trung bình của OECD 2,2 điểm phần trăm. Và cũng do đầu tư cho GD ngày một tốt hơn (kể cả nguồn kinh phí nhà nước và tư nhân), nên các thế hệ sau của nước này đã có được nền tảng học vấn cao hơn thế hệ trước.
Cho dù sự bất bình đẳng vẫn còn nhưng khoảng 41% những người từ độ tuổi 25 tới 34 ở Anh có trình độ GD cao hơn bố mẹ họ (con số này của OECD là 37%). Đi kèm với trình độ học vấn thì thu nhập cũng tăng theo. Từ năm 2008 tới năm 2010, thu nhập của những người có bằng ĐH tăng từ 54% lên 65%, trong khi thu nhập của những người không có bằng phổ thông giảm từ 71% xuống 67% so với thu nhập trung bình của những người đã tốt nghiệp phổ thông.
Về lương cho GV, OECD cho biết Đức là quốc gia có mức lương cao nhất trong OECD, tiếp sau đó là Canada và Ireland. Mỹ cũng là quốc gia thuộc top đầu danh sách, tuy nhiên chỉ tăng 3,1% kể từ năm 2000, ít hơn tỷ lệ lạm phát. Ở Anh, GV tiểu học có từ 15 năm kinh nghiệm trở lên, mức lương trung bình là 44.145 USD, cao hơn mức trung bình của OECD (37.603 USD). Tương tự, đối với GV trung học, mức lương trung bình cũng là 44.145 USD, có nghĩa là họ có thu nhập cao hơn những người có trình độ tương tự làm ở ngành nghề khác 109% (con số này của OECD lần lượt là 85% và 90%). Nhìn chung, ở Anh, lương của GV các cấp tiểu học, trung học, phổ thông tăng 9%.
OECD cũng thống kê số lượng HS theo từng khối lớp, từ đó đưa ra những khuyến cáo nhất định về điều kiện học tập của HS. Trong số các quốc gia được khảo sát thì Anh có số HS/lớp học cao nhất trong số các nước phát triển, chỉ sau Mexico và Thổ Nhĩ Kỳ, cụ thể là 26,1 HS/lớp. Số HS/GV là 19,8HS/1GV so với tỷ lệ trung bình của OECD là 15,7 HS/GV.
Trong báo cáo của mình, OECD đưa ra một nhận xét rất đáng chú ý: Trẻ nhập cư thuộc nhóm xuất sắc trong học tập. Theo đó, 1/3 HS xuất sắc nhất Vương quốc Anh (trong tổng số 25% dân số) là người nhập cư.
Như vậy, có thể thấy, do có sự đầu tư tốt và ngày một tăng, nên hệ thống GD ở các quốc gia được OECD khảo sát đều ngày một hoàn thiện hơn, chất lượng GV lẫn HS ngày một tốt hơn. Các nước phát triển coi việc đầu tư kinh phí tốt cho GD chính là để tạo ra nền tảng cơ bản cho xã hội phát triển.
Những năm gần đây, xã hội ngày càng quan tâm đầu tư cho giáo dục |
2. Ở Việt Nam, chủ trương của Đảng, Nhà nước luôn ưu tiên cho lĩnh vực GD-ĐT nên chế độ đãi ngộ cho GV ngày càng được quan tâm, có phụ cấp thâm niên, được ưu tiên đầu vào - tuyển sinh sư phạm... Với HS, nhiều đối tượng được miễn giảm học phí, được trang bị SGK, đồ dùng học tập... Trong điều kiện đất nước còn nghèo, thì đầu tư từ ngân sách cho GD thời gian qua là rất đáng quý. Từ đó, hệ thống trường lớp được mở rộng, nhất là ở vùng núi cao, vùng duyên hải, hải đảo, vùng sâu vùng xa. Tại đây, mỗi ngôi trường mọc lên đều là một bằng chứng về sự ưu việt của chế độ.
Tuy nhiên, do GDP của ta thấp, nên dù đã cố gắng thì con số thực tế mà hệ thống GD nhận được không cao, khiến cho nhiều mặt hoạt động gặp khó khăn. Dù đã có chủ trương xây nhà công vụ cho GV, nhưng không ít GV dạy học ở những vùng khó khăn vẫn phải thuê nhà ở tạm, vẫn phải ở nhờ nhà người thân hoặc mượn phòng học để ở. Cơ sở vật chất của nhiều trường chưa đáp ứng yêu cầu học tập hiện đại. Với không ít trường học thành phố, do chật chội, nên có trường không có sân chơi cho HS, không có chỗ tập thể thao, có khi không có cả thư viện...
Cùng với đầu tư của Nhà nước - Quốc sách, thì việc tự đầu tư từ các gia đình - Gia sách ngày một trở nên quan trọng. Nếu chỉ trông chờ vào Nhà nước (bao cấp) thì nền GD không thể đủ lực để phát triển. Trong điều kiện hôm nay, nhất thiết phải có sự kết hợp giữa Nhà nước và nhân dân, có nghĩa là không bên nào ỷ lại vào bên nào mà phải cùng chung lưng đấu cật vì mục đích chung.
Cho dù không muốn thì việc các gia đình phải trích ra một phần kinh phí đáng kể đầu tư việc học cho con cái là không thể tránh khỏi. Nhà trường không thể lạm thu, nhưng người dân cũng cần nhận rõ trách nhiệm của mình đóng góp xây dựng trường lớp nơi con mình đang được hưởng thụ sự giáo dục. Cùng với đó là những hình thức đầu tư về giáo dục khác cho con cái mà hiện nay nhiều gia đình đang áp dụng như cho con học thêm các môn năng khiếu, học kỹ năng sống, ngoại ngữ...
Cũng có không ít gia đình khá giả đã đầu tư lớn cho con du học nước ngoài. Số lượng HS Việt Nam du học tại các nước phát triển, các nước có nền GD tiên tiến tăng dần theo từng năm trong vòng gần 20 năm qua. Các quốc gia được lựa chọn nhiều nhất là Mỹ, Anh, Australia, Singapore, Trung Quốc, Pháp... và gần đây là Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga.
Tùy theo quốc gia mà số học phí, sinh hoạt phí khác nhau, nhưng nhìn chung là cao hơn nhiều lần so với tổng chi phí đầu tư cho một HS, SV học trong nước. Du học là điều đáng hoan nghênh, nhưng trong không ít trường hợp, việc cha mẹ đầu tư cho con du học chưa hẳn đã đúng, vì chỉ dựa vào túi tiền của mình chứ không tính đến năng lực tiếp thu kiến thức cũng như tính nết của con. Từ đó đã dẫn đến nhiều trường hợp “xôi hỏng bỏng không”, số tiền bỏ ra thì lớn nhưng kết quả thu về không được là bao, chưa kể có cả gia đình mất con khi cho chúng đi du học.
Nhưng dẫu thế thì việc các bậc cha mẹ đầu tư cho con cái học hành là điều hết sức đáng ghi nhận. Từ việc tham khảo sự đầu tư cho GD, cho học tập tại các quốc gia, soi vào mình, có thể khẳng định rằng không thể có một nền GD tốt, không thể có những thế hệ công dân tốt, giỏi giang nếu cả Nhà nước lẫn người dân không chịu móc hầu bao một cách thỏa đáng. Giàu đầu tư đã đành, nghèo cũng không thể không đầu tư, vì nếu tiết kiệm không đầu tư thì chất lượng GD, chất lượng học vấn sẽ mãi mãi đi sau người khác.
Chương trình khảo sát PISA năm 2012 có 70 nước tham gia, trong đó có Việt Nam. Trong số 70 nước tham gia thì Việt Nam có thu nhập GDP bình quân đầu người đứng thứ 69. Việt Nam có 59 tỉnh, thành phố tham gia chương trình này với 162 trường được chọn. Mỗi trường chọn ra 35 học sinh để khảo sát. |
Gia Linh