Hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên đã trở thành mục tiêu giáo dục quan trọng của các nhà trường. Trong bối cảnh ngày nay, nếu chỉ nhận thức hướng nghiệp là hoạt động “phụ”, chỉ cần thiết cho các học sinh cuối cấp THPT trong chọn nghề, chọn trường thì chắc chắn sẽ là một sai lầm.
Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đặt ra các yêu cầu bắt buộc đối với tổ chức hoạt động trải nghiệm, trong đó có tư vấn hướng nghiệp; đồng thời chỉ ra rằng, cần hướng nghiệp cho người học càng sớm càng tốt. Hướng nghiệp cần được tổ chức tích hợp trong các hoạt động giáo dục khác, như là một mục tiêu thường trực của mỗi hoạt động giáo dục.
Trong khuôn khổ sự kiện "Thắp lửa cùng tiến lên 2022" do Mạng lưới quản lý giáo dục không biên giới (EdulightenUp) tổ chức tại Hạ Long trong hai ngày 27 và 28/3, chủ để giáo dục hướng nghiệp được thiết kế với sự đồng nghiên cứu – thực hiện giữa 3 bên gồm nhà trường, doanh nghiệp và các trường nghề/đại học.
Chủ đề này được thể hiện bởi PGS.TS Nguyễn Phú Khánh – Phó Tổng giám đốc, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa; ThS Nguyễn Hồng Duyên - Hiệu trưởng Trường THPT Olympia – Hà Nội; bà Phạm Thu Phương, Trưởng phòng nhân sự Công ty Panasonic Việt Nam.
Từ thực tiễn nghiên cứu và thực thi Dự án TAM GIÁC HƯỚNG NGHIỆP do EduligtenUp khởi xướng và thực thi với sự thụ hưởng của 11 trường phổ thông, nội dung của các bài trình bày các gợi ý để các nhà trường hiểu rõ chiến lược và vai trò của họ trong thực thi hướng nghiệp sớm, hiệu quả.
Hướng nghiệp sớm là cần thiết; sự phối hợp giữa nhà trường với doanh nghiệp, trường nghề/trường đại học là quyền lợi và trách nhiệm lâu dài. Sự phối hợp này theo nghĩa “đồng kiến tạo” sẽ mang lại giá trị cao. Quản trị hướng nghiệp là một kĩ năng quan trọng của người đứng đầu tổ chức giáo dục.
Từ nghiên cứu về Quản trị hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông, ThS Nguyễn Hồng Duyên cho biết, hầu hết các giáo viên đang chưa nhận thức đầy đủ và chủ động về việc thực hiện mục tiêu hướng nghiệp trong bài học; cũng như nhà trường chưa thực sự hiểu và khai thác được nguồn lực trong bối cảnh địa phương, bao gồm cả chỉ đạo của Ngành và các nguồn lực doanh nghiệp, trường nghề, tổ chức xã hội. Vì thế, giáo dục hướng nghiệp chưa được tổ chức, quản trị để đạt được các yêu cầu vốn có.
Từ phía doanh nghiệp và trường đại học, các diễn giả gồm ông Nguyễn Phú Khánh, bà Phạm Thu Phương cũng cho rằng, khi học sinh không được hướng nghiệp sớm, liên tục, gắn liền với hoạt động giáo dục thì khi các em chọn trường hay đi làm đều rất dễ thất bại. Nguyên nhân là các em không hiểu mình, không hiểu yêu cầu, xu hướng của xã hội.
Vì vậy, trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội là đồng lòng và nhận thức được hướng nghiệp tự nhiên, gắn liền với bối cảnh địa phương. Doanh nghiệp cũng cần nhận ra tuyển dụng cần đi kèm với “hướng nghiệp sớm” cho học sinh vì đấy chính là nguồn nhân lực của doanh nghiệp trong tương lai. Trường đại học không nên chỉ nhìn “tư vấn tuyển sinh” là hoạt động hướng nghiệp duy nhất thuộc trách nhiệm của mình. Thế mạnh của các đại học chính là đồng tổ chức các nghiên cứu, cho học sinh tập dượt, tiếp cận với các mô hình, kĩ năng nghề nghiệp tương lai.