Giáo dục hòa nhập trẻ tự kỷ: Quan tâm thôi chưa đủ

GD&TĐ - Hiện nay, rối loạn phổ tự kỷ là một vấn đề toàn cầu. Tỉ lệ rối loạn phổ tự kỷ trong dân số nói chung và ở trẻ em nói riêng đang ngày càng tăng lên, và tăng với tốc độ chóng mặt, đặc biệt là từ khoảng những năm 1990 cho đến nay. 

Giáo dục hòa nhập trẻ tự kỷ: Quan tâm thôi chưa đủ

Việc phát hiện trẻ mắc chứng bệnh rối loạn phổ tự kỷ sớm sẽ giúp cho vấn đề can thiệp và trị liệu mang lại những hiệu quả tích cực.

Trẻ em mắc chứng bệnh tự kỷ ngày càng gia tăng

Theo báo cáo mới nhất của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), ước tính có 1/68 trẻ em bị rối loạn phổ tự kỷ. Trong khi ở những năm đầu 2000 tỷ lệ này chỉ là 1/150, điều này cho thấy có sự gia tăng đáng kể.

Tại Việt Nam, các nghiên cứu dịch tễ học ở các quy mô, địa bàn nghiên cứu khác nhau cho ước tính tỉ lệ trẻ rối loạn phổ tự kỷ là 0,5% đến 1%.

So với thế giới, Việt Nam biết đến rối loạn phổ tự kỷ muộn hơn rất nhiều nhưng những bước đi của giới chuyên môn, các nhà hoạt động xã hội và cả các bậc phụ huynh có con tự kỷ, đang từng ngày từng giờ thiết thực hướng đến cộng đồng trẻ rối loạn phổ tự kỷ, từng cá nhân và gia đình các em.

Vì vậy, vấn đề can thiệp, trị liệu và giáo dục hoà nhập cho trẻ tự kỷ đang được tất cả các nước quan tâm nghiên cứu nhằm hỗ trợ hiệu quả và chuẩn bị một tương lai tốt đẹp cho trẻ tự kỷ .

Tuy nhiên, các nghiên cứu trên thế giới và ở Việt Nam cho thấy rằng trẻ tự kỷ với những nhu cầu rất đa dạng và nhất là những trẻ ở các khu vực còn khó khăn thường có xu hướng được phát hiện ở những độ tuổi muộn hơn - hoặc bị phát hiện chưa đúng.

Do đó, các em có thể không được can thiệp sớm trong khoảng thời gian quan trọng mà lúc đó các em có thể nhận được những lợi ích lớn nhất.

Điều đó cũng có nghĩa là chúng ta cần nỗ lực hơn nữa trong việc nâng cao nhận thức của cha mẹ, cộng đồng và các liên đới khác cũng như chuẩn bị tốt hơn nguồn nhân lực có chuyên môn vững vàng, tuân thủ các nguyên tắc về công bằng, trách nhiệm và hiểu rõ các giá trị nhân văn trong trị liệu, can thiệp và giáo dục hoà nhập cho trẻ tự kỷ.

Cần phương pháp đào tạo bài bản

Xu hướng hiện nay trên thế giới về thực hiện can thiệp và trị liệu cho trẻ tự kỷ là cần phải dựa vào các phương pháp can thiệp, trị liệu đã được kiểm chứng. Việc vận dụng các phương pháp can thiệp, trị liệu cũng cần phải dựa trên nhu cầu và năng lực của mỗi cá nhân trẻ tự kỷ.

Quá trình thực hiện can thiệp, trị liệu cần được tiếp cận với trẻ càng sớm càng tốt, điều này góp phần chính yếu cho thành công của công tác giáo dục hoà nhập trẻ tự kỷ.

Trao đổi về vấn đề này, GS. TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội cho biết: Trên thực tế, khoa Giáo dục đặc biệt – Trường ĐHSP Hà Nội đã tiếp cận và phát triển lĩnh vực rối loạn phổ tự kỷ qua nhiều năm và trên tất cả các lĩnh vực mà khoa có thế mạnh, trách nhiệm đóng góp cho công tác đào tạo nhân lực, nghiên cứu khoa học và hoạt động vì cộng đồng.

Từ năm 2002, Câu lạc bộ cha mẹ trẻ tự kỷ Hà Nội ra đời, khoa Giáo dục đặc biệt – Trường ĐHSP Hà Nội đã góp phần đặt những nền móng căn bản cho hoạt động của tổ chức này.

Cụ thể, theo nhóm chuyên gia, chuyên ngành Giáo dục trẻ tự kỷ trong chương trình đào tạo giáo viên giáo dục đặc biệt của khoa Giáo dục đặc biệt, Trường ĐHSP Hà Nội tập trung vào các nội dung như:

Đặc điểm phát triển tâm lí của trẻ tự kỷ; đánh giá và chẩn đoán tâm lí trẻ tự kỷ; can thiệp sớm và phương pháp dạy trẻ tự kỷ; tổ chức các hoạt động giáo dục cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ.

Những chuẩn chung về các năng lực nói chung của giáo viên giáo dục đặc biệt, bao gồm: Năng lực dạy học, năng lực giáo dục, năng lực nghiên cứu khoa học, năng lực phát triển cộng đồng và năng lực phát triển bản thân.

Tuy nhiên chương trình đào tạo còn thiên về các năng lực của dạy học và giáo dục, các nhóm năng lực của giáo viên cần để hỗ trợ phát triển những khó khăn và thiếu hụt của trẻ tự kỷ phải được đề cập rõ và cụ thể hơn như:

Tăng cường nội dung giới thiệu đặc điểm, cách nhận biết và hỗ trợ trẻ tự kỷ trong các tài liệu và bài giảng về môn Giáo dục hòa nhập; bổ sung, chỉnh sửa tài liệu, giáo trình giảng dạy hiện nay còn thiếu các nội dung về giáo dục trẻ tự kỷ;

Tăng cường kĩ năng đánh giá, tìm hiểu nhu cầu của trẻ tự kỷ, cách lập kế hoạch can thiệp về hành vi, giác quan, kĩ năng độc lập và sự hợp tác của giáo viên với cha mẹ và các nhà chuyên môn trong xây dựng và đánh giá các kế hoạch hỗ trợ trẻ tự kỷ.

GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội cho biết: Có thể khẳng định rằng, rối loạn phổ tự kỷ đang trở thành nhóm rối loạn phát triển được quan tâm nhiều nhất ở Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, do tính chất phức tạp và những ảnh hưởng của rối loạn phổ tự kỷ đến sự phát triển của cá nhân, gia đình, cộng đồng nên vẫn cần hơn nữa sự định hướng của Nhà nước, các ngành, các hội đoàn và cả cộng đồng giúp trẻ rối loạn phổ tự kỷ có được sự phát triển tối ưu hóa và thực sự hòa nhập trong học tập, cuộc sống.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: INT.

Tản văn: Trâu và Tre

GD&TĐ - Đồng lúa tựa như một tấm thảm xanh, ngả dần về màu vàng xuộm, óng ánh dưới nắng mặt trời.