Giáo dục trẻ tự kỷ bằng hội họa

GD&TĐ - Không chỉ dạy vẽ miễn phí và hướng dẫn tâm lý cho học sinh tự kỷ, vào những ngày nghỉ cuối tuần, các thành viên câu lạc bộ Mỹ thuật Ếch con (quận 1, TPHCM) còn tranh thủ tổ chức cho các em đến với những vùng sâu, vùng xa làm quen công tác xã hội.

Lớp Mỹ thuật Ếch con
Lớp Mỹ thuật Ếch con

Sắc màu hội họa của trẻ tự kỷ

Nằm khuất sâu trong con hẻm nhỏ trên đường Lê Thị Riêng (quận 1, TPHCM), nhưng câu lạc bộ (CLB) Mỹ thuật Ếch con đã tập hợp được nhiều trẻ tự kỷ đến học.

Dưới sự hướng dẫn của Chủ nhiệm CLB Lê Thị Bảo, các thành viên CLB đã tự “thiết kế” những bài tập về kỹ năng bắt chước, kỹ năng tập trung, giao tiếp bằng cử chỉ, tranh ảnh… để dạy cho học sinh tự kỷ. Nói về ý tưởng thành lập “lớp học”,

Lê Thị Bảo cho biết: “Trong quá trình dạy vẽ, tiếp xúc với các em nhỏ, tôi phát hiện ra nhiều em thiếu tự tin, sống khép kín do không được cha mẹ quan tâm, cho nên tôi đã lên mạng tìm hiểu về hội chứng tự kỷ và phương pháp chữa trị nhằm giúp các em thay đổi lối sống, trở nên nhanh nhẹn, hoạt bát hơn”. Nhiều phụ huynh đưa con đến CLB, quan sát những thay đổi của trẻ đều rất mừng bởi con em mình ngày càng tiến bộ.

 Chủ nhiệm CLB Lê Thị Bảo

Trong phong trào xây dựng khu phố “An toàn - Văn minh - Hiện đại - Nghĩa tình” do Đoàn phường Bến Thành phát động, thay cho việc cạo, xóa những thông tin quảng cáo trên tường, vệ sinh các tuyến hẻm như nhiều nơi khác, CLB Mỹ thuật Ếch con đã đưa ra ý tưởng sơn lại toàn bộ mảng tường của các con hẻm, rồi vẽ lên đó những bức tranh về môi trường; đồng thời trang trí và tạo mảng xanh cho khu phố thông qua việc trồng các chậu cây, tủ thuốc y tế miễn phí trong hẻm.

Thậm chí tường của nhiều ngôi nhà trong các con hẻm cũ lâu ngày xuống cấp, ẩm mốc, bám đầy rêu xanh, chi chít thông tin quảng cáo… đã được dọn dẹp, sửa sang sạch sẽ, trang trí đẹp mắt với những bức tranh về môi trường, thiên nhiên gần gũi.

Chủ nhiệm CLB Lê Thị Bảo tâm sự: “Mỹ thuật không chỉ là vẽ mà còn thể hiện cá tính, tình cảm và giúp các em phát triển nhân cách. Do vậy, tôi đã cho học sinh tham gia vẽ những bức tranh đường phố. Việc làm này đã giúp các em tự tin hơn, tích cực, tự giác tham gia hoạt động xã hội, có ích cho cộng đồng...”.

Cùng với việc dạy vẽ, hướng dẫn tâm lý cho học sinh tự kỷ, thỉnh thoảng vào ngày nghỉ cuối tuần, cô Lê Thị Bảo tranh thủ tổ chức cho CLB đến vùng sâu, vùng xa để tặng quà, giúp đỡ các em nhỏ. Trong những chuyến đi ấy, Bảo hỏi xem ước mơ của các em là gì, rồi hướng dẫn cho các em làm thế nào để thực hiện được ước mơ, chứ không phải là nhận những món quà nhiều hay ít.

Cô chủ nhiệm với ý tưởng sẻ chia

Lê Thị Bảo sinh năm 1987, quê ở Cần Thơ. Tốt nghiệp THPT, Bảo thi vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đồng Nai, sau đó học tiếp tại Đại học Kiến trúc TPHCM. Năm 2014, Bảo sáng lập và là chủ nhiệm CLB Mỹ thuật Ếch con, thực hiện mô hình giáo dục tâm lý, tính cách, lối sống cho trẻ em, đặc biệt là trẻ mắc chứng tự kỷ.

CLB là lớp học năng khiếu theo khuynh hướng cởi mở, thân thiện, đón nhận tất cả trẻ em ở mọi lứa tuổi, mọi trình độ, mọi cá tính, kể cả trẻ mắc chứng tự kỷ. Với Lê Thị Bảo, đây chính là con đường “khởi nghiệp” của mình và chỉ với mục đích duy nhất là trao tình yêu và sự chia sẻ đến với nhiều trẻ em hơn nữa.

Bảo cho biết: Công việc này như một sự tình cờ. Khi còn là sinh viên, tôi đã có một khoảng thời gian đầy bế tắc trong cuộc sống. Rồi một lần lang thang trong công viên, tôi bắt gặp hình ảnh nô đùa của các em nhỏ đến từ các khu dân cư lao động. Trong ánh mắt của chúng là sự vô tư, hồn nhiên và trong sáng. Vì những ánh mắt đó, tôi đã quyết định để dành tiền tiết kiệm, tiền mua vật liệu làm đồ án để mua giấy, bút, bảng màu, dạy vẽ cho các em. Và từ đó, việc “gõ đầu trẻ” bằng bút màu đã chính thức trở thành công việc hàng ngày của Bảo.

Trong số các cô, cậu học trò của Bảo, có những bạn nhỏ bị bệnh tự kỷ, tăng động. Việc hướng dẫn cho các bạn này đối với những ai không có nghiệp vụ sư phạm là rất khó khăn, vất vả. Tuy nhiên, Bảo quan niệm rằng, khi tiếp xúc các bạn nhỏ, nhất định phải đặt bản thân mình trong hoàn cảnh của các em mới có thể hiểu tâm lý và chỉ dẫn các em được. 

Sau một thời gian quan sát, Bảo nhận ra các em nhỏ rất nhạy cảm với màu sắc. Khi tiếp xúc với màu sắc các em mặc sức thể hiện khả năng của mình. Đặc biệt, qua màu sắc, có thể giúp các em điều chỉnh tâm lý theo chiều hướng tích cực hơn. Vì vậy, ngoài lớp học vẽ miễn phí dành cho các bạn có hoàn cảnh khó khăn, trẻ bị bệnh tự kỷ, Bảo còn mở thêm các lớp dạy thiết kế thời trang; tổ chức triển lãm, trưng bày những tác phẩm tranh của các bạn nhỏ, bày bán ra thị trường.

Bảo chia sẻ: “Đây là cách để cho các em biết thế nào là giá trị của cuộc sống, cách quản lý thời gian và tiền bạc hữu ích nhất. Qua đó, các em sẽ trở nên mạnh dạn, tự tin thể hiện suy nghĩ, chính kiến bản thân trong cuộc sống”.

Hiện tại, Bảo vẫn đang ấp ủ việc thành lập trường Mỹ thuật Công nghiệp dành cho thiếu nhi. Trường không chỉ dạy vẽ mà còn có xưởng sản xuất tạo hình, biến nhân vật từ trong tác phẩm tranh của các em thành những sản phẩm thủ công mỹ nghệ thật sinh động.

Các sản phẩm này sẽ được các em tự định giá, bày bán ra thị trường. Đây là một hình thức hướng nghiệp đơn giản, giúp các bạn nhỏ định hướng được nghề nghiệp ngay từ khi còn rất nhỏ. Với những việc làm đầy nhiệt huyết của mình, Bảo đã được đề cử và tuyên dương danh hiệu “Những tấm gương thầm lặng mà cao cả” năm 2016 – danh hiệu dành tôn vinh những đóng góp hữu ích cho cộng đồng của UBND TPHCM.

Với ý thức không ngừng sáng tạo và cống hiến, cộng thêm tấm lòng yêu thương, biết san sẻ, hy vọng những dự án của Lê Thị Bảo đối với cộng đồng và xã hội sẽ sớm trở thành hiện thực, góp phần mang lại những điều tốt đẹp cho cuộc đời này, như chính ước muốn của cô.

Mỹ thuật không chỉ là vẽ mà còn thể hiện cá tính, tình cảm và giúp các em phát triển nhân cách. Do vậy, tôi đã cho học sinh tham gia vẽ những bức tranh đường phố. Việc làm này đã giúp các em tự tin hơn, tích cực, tự giác tham gia hoạt động xã hội, có ích cho cộng đồng...

Lê Thị Bảo – Chủ nhiệm CLB Mỹ thuật Ếch con

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.