Giáo dục giá trị văn hóa cho học sinh

GD&TĐ - Các chuyên gia, nhà giáo cho rằng, giáo dục giá trị văn hóa cho học sinh là vô cùng quan trọng. Dù đã nhận thức được như vậy, nhưng làm thế nào để việc này hiệu quả mới là vấn đề cần được quan tâm.

Bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước

Giờ chào cờ của Trường THPT Đức Hợp (Kim Động, Hưng Yên) như một mini show về văn hóa địa phương. Các hoạt động trong giờ chào cờ được chính học sinh của trường tổ chức thực hiện.

Theo đó, các em đã lồng ghép kiến thức về lịch sử, tích truyện của quê hương như: Truyền thuyết “Chử Đồng Tử, Tiên Dung”, các lễ hội văn hóa truyền thống... Qua đó, bồi đắp thêm tình yêu quê hương, đất nước; đồng thời bảo tồn và phát triển những giá trị văn hóa truyền thống trong mỗi học trò.

Thầy Hiệu trưởng Hà Quang Vinh cho biết, nhà trường rất quan tâm tới hệ thống các tiết học chương trình địa phương.

Để đạt hiệu quả cao, nhà trường khuyến khích giáo viên sưu tầm thêm thông tin tư liệu lịch sử, văn hóa của địa phương, trình chiếu tranh ảnh minh họa để học sinh dễ quan sát, liên tưởng; đặc biệt chú trọng giới thiệu cho các em những truyền thống văn hóa, lịch sử của tỉnh, huyện để các em thêm yêu và tự hào về quê hương mình.

Có thể nói, những tiết học chương trình giáo dục địa phương là khoảng thời gian quan trọng để thầy - trò học tập, trao đổi nội dung kiến thức về văn hóa, xã hội của địa phương; giúp các em tìm tòi, học hỏi sâu hơn.

Đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT Hưng Yên cho biết, UBND tỉnh đã ban hành khung chương trình giáo dục địa phương, thiết kế theo hướng đồng tâm, tuyến tính, xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12.

Mục tiêu xây dựng nội dung giáo dục địa phương nhằm trang bị cho học sinh những hiểu biết cơ bản về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp… của tỉnh.

Từ đó, bồi dưỡng cho các em tình yêu quê hương, ý thức tìm hiểu và vận dụng những điều đã học để góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa của cộng đồng dân cư các dân tộc, xây dựng văn hóa, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trong chương trình, học sinh được học các nội dung về thiên nhiên, con người, danh nhân, lịch sử hình thành và phát triển, văn hóa, di sản, nghệ thuật truyền thống... của Hưng Yên.

Thông qua nội dung giáo dục địa phương và các hoạt động thu thập, phân tích dữ liệu, tham quan dã ngoại, khảo sát thực địa, hình thành và bồi dưỡng cho học sinh nhận thức, tình cảm về tình yêu quê hương, từ đó hình thành và phát triển các phẩm chất yêu nước, yêu quê hương.

PGS.TS Trần Huy Hoàng - Phó Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam - cho rằng, Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 đã triển khai giáo dục giá trị văn hóa cho học sinh. Tuy nhiên, đây là vấn đề rộng nên để học sinh phát triển toàn diện, cần hình thành giá trị cốt lõi, giúp các em thấy được giá trị đặc trưng của công dân Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.

Theo PGS.TS Vũ Thị Tú Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thường xuyên (Bộ Giáo dục và Đào tạo), tuy không đề cập đến khái niệm giá trị hay giá trị văn hóa nhưng trong Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, chúng ta đã xác định 5 phẩm chất có tính chất nền tảng, giúp học sinh rèn luyện bản thân và hiểu được những phẩm chất quý giá của dân tộc mình: Yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm.

Hoạt động văn hóa chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam của Trường THPT Đinh Tiên Hoàng. Ảnh:Website nhà trường
Hoạt động văn hóa chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam của Trường THPT Đinh Tiên Hoàng. Ảnh:Website nhà trường

Tác động của giá trị văn hóa

Quá trình giáo dục phải làm sao chuyển hóa thành quá trình tự giáo dục, tự kiểm soát được quá trình phát triển bản thân. Học sinh đến trường không phải để học lấy bằng, lấy điểm số cao, mà chú ý nhận thức và hành động để làm sao phát triển bản thân. Hôm nay tiến bộ hơn hôm qua, ngày mai tốt hơn hôm nay. Thầy cô phải “luôn tự học, tự rèn” để làm gương cho học sinh. TS NGUYỄN TÙNG LÂM

Khẳng định, nói đến văn hóa là phải nói đến giá trị và hệ giá trị của nó; TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) – nhấn mạnh, văn hóa là thước đo của giá trị. Giáo dục trong các nhà trường đạt đến các chuẩn văn hóa là giáo dục có chất lượng, văn hóa và giá trị là thước đo hiệu quả giáo dục mỗi nhà trường.

Sớm thấy được tác động của giá trị văn hóa, ngoài việc thực hiện các chương trình, hoạt động giáo dục theo yêu cầu của Sở GD&ĐT Hà Nội, Bộ GD&ĐT; Trường THPT Đinh Tiên Hoàng còn chú ý tổ chức các hoạt động giáo dục trong nhà trường theo những cách riêng, phù hợp với đặc điểm của học sinh.

Bảo đảm các chương trình giáo dục của nhà trường tác động đến học sinh, quan trọng là làm học sinh thay đổi. Theo đó, nhà trường tập trung xây dựng nguyên tắc văn hóa ứng xử và rèn thói quen tốt cho học sinh.

“Căn cứ đặc điểm tâm sinh lý, tính cách của học sinh, qua thử nghiệm, chúng tôi đúc kết 5 nguyên tắc ứng xử, giúp thầy cô, phụ huynh tạo ra những thói quen ứng xử tốt của học sinh và trừ bỏ những thói quen ứng xử không phù hợp với chuẩn mực chung của nhà trường, gia đình, xã hội” – TS Nguyễn Tùng Lâm trao đổi, đồng thời viện dẫn: Thứ nhất, các lực lượng giáo dục phải kiên trì chấp nhận những mặt mạnh và mặt yếu kém của học sinh.

Thứ hai, phải khách quan trong việc nhìn nhận đánh giá thiếu sót của học sinh. Nghĩa là với mỗi hành vi, mỗi thiếu sót của học sinh đều được ghi nhận và tìm cách hiểu rõ bản chất, nguyên nhân rồi đi đến kết luận xử lý. Trong quá trình tìm hiểu không được thành kiến,   chụp mũ, hoặc thờ ơ với thiếu sót của học sinh.

Thứ ba, các lực lượng giáo dục phải giúp học sinh thấy rõ những cái lợi, cái hại để học sinh tự lựa chọn cách ứng xử sao cho hợp chuẩn mực chung xã hội. Thứ tư, phải giúp học sinh biết cách hòa nhập tập thể, tôn trọng lợi ích tập thể, cộng đồng. Thứ năm, biết gieo nhu cầu mới, quan trọng là biết tổ chức cho học sinh thực hiện dần yêu cầu giáo dục đó.

“Từ 5 nguyên tắc ứng xử trên với học sinh, giáo viên Trường THPT Đinh Tiên Hoàng có thể hình thành cho các em những thói quen chủ yếu như: Sống tự lập; biết tự học sáng tạo; sống có kỷ luật; tôn trọng và bảo vệ của công, giữ vệ sinh chung; tôn trọng bản thân và người khác; không nói tục, chửi bậy và nhiều thói quen khác…” – TS Nguyễn Tùng Lâm cho hay, đồng thời chia sẻ: Nhà trường xây dựng phong cách sống cho học sinh theo “5 tự”: Tự học sáng tạo; Tự chủ; Tự trọng; Tự tin; Tự chịu trách nhiệm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.