Đánh thức giá trị văn hóa

GD&TĐ - Trong thời gian giãn cách, Văn Miếu Quốc Tử Giám không thể đón khách, đường đi mọc rêu, nguồn thu không có.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Tình trạng này không chỉ diễn ra ở Văn Miếu, mà còn với hầu hết các di tích khác.

Vậy phải làm gì để di sản cũng như các không gian văn hoá được đánh thức giá trị? Một tọa đàm với chủ đề “Đánh thức tiềm năng văn hoá Việt” vừa được diễn ra, nhằm đánh thức tình yêu lịch sử, và giá trị văn hoá của người dân cũng như khách tham quan đối với di sản Văn Miếu Quốc Tử Giám.

Văn Miếu Quốc Tử Giám được biết đến là di sản đặc biệt quan trọng, là nơi nuôi dưỡng giá trị truyền thống không chỉ đối với vấn đề giáo dục mà còn với cả nền văn hoá nói chung. Bởi vậy, khách du lịch trong và ngoài nước rất quan tâm khi đến Hà Nội.

Tuy nhiên, làm thế nào để thu hút cộng đồng, để người dân không chỉ đến tham quan với tư cách khách du lịch rồi ra về? Muốn di sản trở thành không gian văn hóa sinh động, truyền tải những giá trị tốt đẹp của Văn Miếu Quốc Tử Giám, của đạo học Việt Nam không phải là vấn đề đơn giản.

Vì vậy, việc đầu tiên phải giữ nguyên tắc những gì thuộc về truyền thống, không thể làm mới. Chỉ những vấn đề mà du khách nhận diện chưa đúng thì phải làm cho khách hiểu đúng. Ví như việc sờ đầu rùa cầu may mắn là nhận thức sai lầm, cần lên án mạnh mẽ.

Nói thì vậy, nhưng để cộng đồng thay đổi nhận thức, gìn giữ di sản là việc rất nan giải. Bao nhiêu năm tuyên truyền chống mê tín dị đoan, thì việc sờ đầu rùa vẫn diễn ra. Nhiều người không biết bia hạ mã chỉ là biển báo giao thông thời xưa, thấy ai đó khấn vái thì cũng sì sụp theo. Cuối cùng kéo theo cả nhóm vài chục người quỳ lạy một tấm bia yêu cầu “xuống ngựa”.

Rồi vẽ - viết bậy lên di tích mới đáng sợ. Những ký hiệu nguệch ngoạc, những dòng chữ không đầu không cuối, cả trái tim xuyên tên rỉ máu… có mặt khắp mọi nơi, từ bức tường ở Văn Miếu đến vòm tháp Hòa Phong, Cột cờ Hà Nội. Làm bẩn di tích là vi phạm Luật Di sản văn hoá, nhưng các nhà chức việc đã phát hiện và xử lý được bao nhiêu trường hợp?

Không chỉ “gây án” ở trong nước, một số người còn đem thói “nhiều chữ nhưng vô học” sang nước ngoài. Hồi cuối năm 2018, dòng chữ A. Hào cùng hình vẽ trái tim trên bức tường cổ của thành Yonago - di tích 500 năm của Nhật Bản đã khiến đất nước này nổi giận.

“Đánh thức tiềm năng văn hoá Việt” - có lẽ nên bắt đầu từ nền cốt văn hoá Việt. Đó là cách ứng xử văn minh giữa con người với di sản – kể cả khi chúng ta không biết gì về di tích đó. Hoặc ít nhất, nên tăng cường phổ biến pháp luật về di sản văn hoá, để cộng đồng ý thức được hành động của mình đối với di sản.

Văn hoá Việt sẽ không còn tiềm năng, và chẳng thể đánh thức nếu chúng ta không có chiến lược cơ bản lâu dài. Làm sao cộng đồng có thể yêu di sản bằng hành động, chứ không phải nói suông - khi ngày càng nhiều di tích bị bôi bẩn, hoặc bị phá hoại dưới danh nghĩa trùng tu?

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thông báo tuyển dụng

Thông báo tuyển dụng

GD&TĐ - Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội thông báo tuyển dụng viên chức (diện xét tuyển viên chức) năm 2024 như sau: