Kế hoạch đề ra 5 nhóm nội dung: Nâng cao hiệu quả tuyên truyền quy tắc ứng xử; thực hiện quy tắc ứng xử gắn với phong trào văn hóa nơi công sở; xây dựng và nhân rộng các mô hình quy tắc ứng xử gắn với các phong trào thi đua; tăng cường kiểm tra việc thực hiện văn hóa công sở; đánh giá kết quả đạt được, rút kinh nghiệm trong công tác triển khai…
Hà Nội sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình: Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính, thân thiện, chuyên nghiệp; Cơ quan xanh, nơi làm việc ngăn nắp, gọn gàng; Trường học thân thiện, nói lời hay làm việc tốt, cảnh quan đẹp. Đặc biệt là xây dựng mô hình mỗi cơ quan, công sở, trường học là một địa chỉ văn hóa.
Có thể nói, nhiều năm qua, Hà Nội triển khai bộ Quy tắc ứng xử nói trên cũng như Quy tắc ứng xử nơi công cộng, với mong muốn tạo ra một hệ giá trị mới – hệ giá trị văn hoá Thủ đô.
Tuy nhiên có thể dễ dàng nhận thấy, sau 5 năm việc triển khai còn quá nhiều tồn tại. Không thể lấy việc khen thưởng các mô hình tiêu biểu làm thước đo cho sự thành công trong việc lan tỏa các quy tắc.
Cũng không thể lấy báo cáo “năm thứ 10 ngành Giáo dục Hà Nội thực hiện việc giảng dạy Bộ tài liệu nếp sống thanh lịch văn minh cho học sinh phổ thông” làm căn cứ khẳng định.
Không khó để thấy ở nhiều khu vực công cộng, người dân vẫn không có ý thức ứng xử với không gian chung. Xả rác, cãi cọ, bạo lực, chen lấn… diễn ra như cơm bữa.
Ở nhiều điểm, muốn vứt rác đúng nơi quy định cũng không có thùng rác, người dân và khách du lịch muốn vệ sinh đúng chỗ cũng không có nhà vệ sinh. Hệ quả là 2 bên bờ sông Tô Lịch, nhiều gốc cây, cột điện và các hàng rào tôn khu dự án trở thành điểm xả rác và WC bất đắc dĩ.
Không ai dám khẳng định việc triển khai quy tắc ứng xử là dễ dàng, đặc biệt trong một xã hội phức tạp mà các giá trị luân lý đang bị phai mờ. Tuy nhiên, cũng không thể thực hiện quy tắc ứng xử theo hướng phong trào. Bởi vì phong trào hết, các quy tắc ứng xử cũng không còn.
Văn hóa là một quá trình giáo dục rèn luyện và tu dưỡng lâu dài. Hệ giá trị văn hóa của Hà Nội hay bất kỳ một vùng đất nào được hình thành cũng phải dựa trên yếu tố truyền thống và các giá trị truyền thừa.
Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan và Quy tắc ứng xử nơi công cộng được ban hành là cần thiết. Tuy nhiên, quy tắc chỉ là một trong những thành tố để hình thành thói quen tốt, vì cộng đồng chứ chưa hẳn đã là “cốt tủy” để hình thành văn hóa.
Nếu như vật chất quyết định ý thức, thì việc đầu tiên Hà Nội cần làm là thiết lập đủ thùng rác và nhà vệ sinh – đáp ứng nhu cầu tối thiểu để người dân được thực hiện đúng quy tắc.