Lao động - Giá trị sống quý báu

Lao động - Giá trị sống quý báu

(GD&TĐ) - Trong xã hội hiện đại, các gia đình thường ít con nên có điều kiện hơn trong việc nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ. Tuy vậy, cũng tồn tại thực tế nhiều ông bố bà mẹ quá nuông chiều con cái dẫn tới có kiến thức song trẻ lớn lên vẫn lơ ngơ, ngay cả với những công việc đơn giản nhất là phục vụ cá nhân mình và đáng lo ngại hơn là thiếu kỹ năng sống trầm trọng. Lao động là một giá trị sống quý báu mà nhiều cha mẹ đã bỏ qua trong việc giáo dục con cái. 

Khổ vì thiếu kỹ năng sống

Chị Thanh - phố Chùa Bộc (Hà Nội) kể: Cậu con trai duy nhất năm nay 15 tuổi, vì yêu và xót “cậu ấm” nên mọi sinh hoạt, công việc trong nhà, cậu con trai gần như không phải động tay trừ học hành và vệ sinh cá nhân. 

Khi con còn nhỏ, chị coi việc phục vụ con là đương nhiên và không hề phàn nàn. Tuy nhiên, khi lớn hơn, mẹ nhờ làm giúp một vài công việc nhỏ như quét nhà hay rửa ấm chén... thì cu cậu chẳng biết làm. Thậm chí vì quen được phục vụ nên cậu luôn ỉ lại. Đáng lo ngại hơn, dù có kết quả học tập tốt song cậu lại lơ ngơ vụng về với những công việc, vấn đề mà các bạn cùng lứa tuổi đã biết và thành thạo. Giờ đây, dù con đã lớn song chị vẫn cảm thấy lo lắng bất an khi con sinh hoạt ở trường, hay trong tập thể. Đi đâu, làm gì vợ chồng chị cũng cố gắng về đúng giờ, hoặc chẳng mấy khi dám gửi ai để đảm bảo cho con trong mọi sinh hoạt hàng ngày.

Câu chuyện nhà chị Thanh Hà – Thanh Xuân (Hà Nội) cũng cười ra nước mắt. Bố mẹ không có nhà, cậu  con trai học lớp 10 hoặc ăn hàng, hoặc úp mì tôm ăn tại nhà. Có hôm chị về muộn, gọi điện cho con nhờ cắm nồi cơm. Về tới nơi, nấu xong thức ăn, chị dọn cơm lên ăn tối. Khi mở nồi ra thì con trai chị đã nấu gạo nếp thay cho gạo tẻ bởi không phân biệt được đâu là gạo để nấu cơm, đâu là gạo để nấu xôi...

Lao động - Giá trị sống quý báu ảnh 1
Lao động giúp trẻ tích lũy nhiều kỹ năng sống

Tại nhiều gia đình khá giả, gia đình thành thị, mặc dù trẻ đã đến lứa tuổi đi học nhưng bố mẹ vẫn phải xúc cơm hàng bữa, trẻ không biết cầm cái chổi để quét nhà, hay rửa bát đũa cốc chén giúp cha mẹ... Trẻ chỉ biết lao đầu vào học tập, vui chơi mà không được dạy lao động, thiếu trầm trọng những kiến thức kỹ năng cơ bản thông qua lao động. Các nhà tâm lý giáo dục đã cảnh báo, vì lối suy nghĩ thiếu hiểu biết, sự chiều chuộng vô điều kiện mà các ông bố bà mẹ đang bỏ qua những giá trị giáo dục cực lớn thông qua lao động dành cho trẻ. Không phải lao động sẽ dẫn tới nhiều hậu quả lớn mà trẻ gặp phải trong cuộc sống hàng ngày. Trẻ sẽ mất khả năng tự thích nghi với cuộc sống, thiếu ý thức quan tâm giúp đỡ người lớn, sống dựa dẫm và ỉ lại vào người xung quanh.

Giáo dục qua lao động - Mũi tên hướng tới nhiều đích

Một đứa trẻ được giáo dục lao động những công việc phù hợp với lứa tuổi, với khả năng, sẽ rèn luyện được tính tự lập. Tùy từng độ tuổi mà trẻ có thể tự đảm đương được những công việc như tự cầm cốc để uống nước, cầm thìa tự đưa thức ăn vào miệng, giúp bố mẹ cất đồ chơi vào đúng vị trí, bật ti vi lấy báo giúp bố mẹ... 

Quá trình lao động cũng giúp trẻ nâng cao năng lực, trí lực, muốn khám phá nhiều điều xung quanh mình. Từ đó giúp trẻ linh hoạt, thông minh, biết được nhiều kỹ năng sống phục vụ cho bản thân hơn rất nhiều so với trẻ không phải lao động. 

Không những thế, lao động sẽ giúp trẻ có sức khỏe tốt hơn vì được vận động cơ bắp, tăng cường thể chất. Có sức khỏe, trẻ sẽ hoạt bát, hiếu động, có thể điều tiết và cân bằng cơ thể. Trẻ có thể tránh được tình trạng béo phì khi chỉ ngồi ì một chỗ để xem ti vi, chơi game... Và đặc biệt, theo các nhà khoa học, quá trình lao động sẽ giúp hình thành trong trẻ nhân cách, những đức tính tốt đẹp như kiên trì, biết quý trọng sức lao động của bản thân và người xung quanh, biết chia sẻ khó khăn với người khác, biết quý trọng và biết ơn những điều tốt đẹp mà bố mẹ và người xung quanh tới cho mình. 

Trẻ được giáo dục lao động qua những công việc đơn giản hàng ngày là được trang bị và hình thành nên nhiều đức tính, kiến thức, kỹ năng... vô cùng quý giá. Vì vậy không lý gì cha mẹ lại bỏ qua những giá trị tốt đẹp này của trẻ. 

Một buổi lao động của học sinh Trường THCS Kỳ Lạc (Hà Tĩnh)
Một buổi lao động của học sinh Trường THCS Kỳ Lạc (Hà Tĩnh)

Không khó để giúp trẻ yêu lao động 

Nhiều phụ huynh phàn nàn con em mình không biết làm việc gì, chỉ biết vùi đầu vào lịch học tập kín mít và sau đó vui chơi, không còn thời gian để làm việc khác. Tuy vậy, trên thực tế hoàn toàn có thể hướng trẻ, tới các công việc nhà phù hợp với trẻ chỉ cần cha mẹ có kinh nghiệm. 

Trước tiên, hãy cùng trẻ lập nên thời khóa biểu những công việc nhà mà trẻ có thể làm giúp gia đình. Kế hoạch lao động hàng tuần hàng tháng buộc trẻ phải khởi động chân tay và dần dần những công việc này sẽ trở thành thói quen không thể thiếu trong cuộc sống của trẻ. Tuy vậy, thời gian đầu chỉ nên cho trẻ làm quen với những công việc phù hợp với lứa tuổi, nhẹ nhàng... Sự hứng khởi sẽ giúp trẻ đến với công việc một cách tự nhiên mà không hề khiên cưỡng hoặc làm đối phó. 

Kinh nghiệm nuôi hai con cùng ăn học và biết giúp đỡ bố mẹ nhiều công việc từ gia đình chị Hải – anh Vinh (Khu tập thể Học viện Quản lý giáo dục phố Phan Đình Giót (Hà Nội) cho thấy, để trẻ hứng thú với lao động thì cha mẹ phải là những tấm gương để trẻ nhìn theo và hướng tới. Hai con của anh chị, một con trai đang học đại học, một con gái đang học lớp 12 nhưng vẫn dành thời gian để giúp đỡ bố mẹ nhiều công việc gia đình mà không hề ngại việc. Chị Hải cũng chỉ ra, cần dạy trẻ nhẹ nhàng từng bước một, từ công việc đơn giản dến phức tạp... Khả năng của mỗi trẻ cũng khác nhau bởi vậy sự so sánh trẻ này với trẻ khác là tối kỵ. Cha mẹ hãy thực sự kiên nhẫn, hướng dẫn tận tình để trẻ không chán nản và làm lại tốt hơn cho những lần sau. 

Những lời động viên, khuyến khích, khen ngợi là “liều thuốc” vô cùng quý giá cho trẻ trong quá trình giáo dục lao động. Khi nhận được lời khen ngợi, không những trẻ cảm thấy được ghi nhận thành quả mình làm mà hứng thú nhiều hơn với công việc. 

Đặc biệt, từ sự nghiên cứu của nhiều nhà khoa học và tâm lý giáo dục cho thấy, trẻ em nhanh chán và hứng thú với công việc mới lạ. Vì vậy, để trẻ duy trì và cảm thấy thú vị khi lao động thì cha mẹ cũng nên có “nghệ thuật”, biết tạo điều kiện để trẻ được tham gia làm việc. Không những thế cũng nên thay đổi công việc để chúng luôn mới và thú vị với trẻ. 

Hãy biết chấp nhận những đổ vỡ, làm hỏng làm sai, bỏ dở từ lao động của trẻ. Vấn đề cha mẹ cần quan tâm không phải là những kết quả trẻ sẽ đạt được từ sự lao động mà là những nỗ lực trẻ đã cố gắng để làm việc. Cha mẹ cũng không nên mang tiền làm giá trị thưởng phạt. Bởi như vậy, mục đích làm việc của trẻ sẽ là làm lấy tiến thay vì ý thức chia sẻ, giúp đỡ cha mẹ công việc nhà.

Theo các nhà khoa học, quá trình lao động sẽ giúp hình thành trong trẻ nhân cách, những đức tính tốt đẹp như kiên trì, biết quý trọng sức lao động của bản thân và người xung quanh, biết chia sẻ khó khăn với người khác, biết quý trọng và biết ơn những điều tốt đẹp mà bố mẹ và người xung quanh làm cho mình. 

Lao động giúp trẻ tích lũy nhiều kiến thức, kỹ năng sống, giúp trẻ dễ dàng hòa nhập và phục vụ tốt cuộc sống của mình trong hiện tại và tương lai.

Mai Hoàng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ