Giáo dục giá trị hòa bình cho học sinh

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Để giáo dục giá trị hòa bình hiệu quả, trước hết cần giúp học sinh nhận thức đầy đủ, toàn diện, phù hợp với thế giới và Việt Nam về hòa bình.

Thầy và trò Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) thực hiện nghi thức thả chim bồ câu.
Thầy và trò Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) thực hiện nghi thức thả chim bồ câu.

Giáo dục hệ giá trị Việt Nam, trong đó có giá trị hòa bình ở trường học có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng môi trường học đường an toàn, góp phần hình thành, phát triển phẩm chất cho học sinh, là cơ sở để tạo nên những công dân tốt, công dân toàn cầu.

Giá trị đầu tiên trong hệ giá trị quốc gia

Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc, tổ chức ở Hà Nội ngày 24/11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, khẳng định: “Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị, chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị của quốc gia - dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại”.

Theo đó, hệ giá trị Việt Nam bao gồm: Hệ giá trị con người Việt Nam với 8 giá trị là: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo; Hệ giá trị gia đình với 4 giá trị: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; Hệ giá trị văn hóa với 4 giá trị: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học; Hệ giá trị quốc gia với 9 giá trị: Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc. Trong đó, “Hòa bình” là giá trị đầu tiên trong Hệ giá trị quốc gia.

Rào cản trong giáo dục giá trị hòa bình

Tuy vậy, việc giáo dục giá trị hòa bình cho học sinh ở trường phổ thông vẫn còn nhiều rào cản.

Trước hết, là nhận thức về hòa bình chưa đầy đủ. Chẳng hạn, “Hòa bình” trong từ điển tiếng Việt được ghi: “Hòa bình là tình trạng yên ổn, không có chiến tranh”, hay trong nội dung giáo dục “Bảo vệ Hòa bình” của môn Giáo dục công dân lớp 9, xác định: “Hòa bình là trạng thái bình yên khi con người và các quốc gia hòa thuận với nhau, cùng nhau hợp tác phát triển, kết giao bạn hữu”. Quan niệm hòa bình như trên là sự bình yên của môi trường bên ngoài con người, còn sự bình yên bên trong con người chưa được đề cập.

Kế đến, ngành Giáo dục chưa xây dựng được các tiêu chí, chỉ số về giá trị hòa bình nên khó khăn trong định hướng nội dung giảng dạy và hoạt động trải nghiệm.

Thứ ba, do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có nguyên nhân học sinh chưa có năng lực giải quyết mâu thuẫn, nên tình trạng bạo lực học đường gia tăng, tạo nên môi trường học đường không an toàn, ảnh hưởng đến dạy và học.

Nâng cao nhận thức về giá trị hòa bình

Ảnh minh họa: INT

Ảnh minh họa: INT

Để giáo dục giá trị hòa bình hiệu quả, trước hết cần giúp học sinh nhận thức đầy đủ, toàn diện, phù hợp với thế giới và Việt Nam về hòa bình. Theo từ điển Cambridge (Anh), hòa bình là sự vắng bóng của chiến tranh, sự bình yên trong lòng, bình tĩnh và thư thái của trí óc; không đối đầu, đối kháng, mâu thuẫn giữa con người với con người và con người với tự nhiên.

Đây là cách hiểu toàn diện về “hòa bình”, vừa mang ý nghĩa toàn cầu, quốc gia, vừa mang ý nghĩa cá nhân con người. Hòa bình là giá trị sống cơ bản đầu tiên, điều kiện để các giá trị sống khác hình thành và phát triển.

Hòa bình phải phù hợp với quan điểm Việt Nam, đó là hòa bình gắn với độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và hòa hợp. Sau Hiệp định Genève (1954) và Hiệp định Paris (1973), hòa bình được thiết lập ở Việt Nam nhưng chưa trọn vẹn, do đất nước bị chia cắt. Cho đến chiến thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, mới mở ra kỷ nguyên hòa bình, độc lập, thống nhất, hòa hợp dân tộc và hòa hợp lòng người.

Đề xuất tiêu chí, chỉ báo về giá trị hòa bình

Thạc sĩ Đoàn Thị Thúy Hạnh và Thạc sĩ Hồ Thị Hồng Vân (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) đã có công trình nghiên cứu đề xuất giá trị hòa bình có 9 tiêu chí: Không chiến tranh; không đối đầu, đối kháng; tôn trọng pháp luật và quy tắc; hòa thuận; không gây mâu thuẫn, bình yên trong lòng, tâm trí thư thái, tĩnh lặng, bình tĩnh, thân thiện môi trường tự nhiên. Mỗi tiêu chí có các chỉ báo và các thể hiện trong hoạt động của học sinh.

Tiêu chí “Không chiến tranh”: Có 2 chỉ báo (Xác định quyền được sống trong hòa bình, bảo vệ hòa bình phù hợp lứa tuổi; Không thực hiện hành vi bạo lực, gây tổn hại người khác) và 3 thể hiện trong hoạt động của học sinh (Xây dựng mối quan hệ với bạn bè, thầy cô; Phát huy truyền thống nhà trường, Đoàn, Đội; Tham gia hoạt động xã hội, giáo dục truyền thống, đạo đức, pháp luật).

Tiêu chí “Không đối đầu, đối kháng”: Có 4 chỉ báo (Xác định được việc làm đúng/sai của bản thân, của người khác; Lắng nghe, nhận ra khuyết điểm và sửa chữa; Có ý thức hòa giải với đối phương, ngăn chặn những hành vi chưa tốt; Thực hiện đối thoại để giải quyết mâu thuẫn; Tôn trọng, thân thiện giữa con người với con người.) và 2 thể hiện trong hoạt động của học sinh (Xây dựng mối quan hệ với bạn bè, thầy cô; quan hệ với mọi người).

Tiêu chí “Tôn trọng pháp luật và quy tắc”: Có 2 chỉ báo (Thực hiện đầy đủ quy định của nhà trường, của gia đình và ngoài xã hội; Tôn trọng lẽ phải, thật thà, ngay thẳng, luôn giữ lời hứa, bảo vệ người tốt/việc tốt) và 2 thể hiện (Rèn luyện nền nếp, thói quen tự phục vụ, ý thức trách nhiệm cuộc sống; Tham gia hoạt động xã hội, giáo dục truyền thống, đạo đức, pháp luật).

Tiêu chí “Hòa thuận”: Có 4 chỉ báo (Trân trọng giá trị tốt đẹp ở người khác, thấy điều tích cực trong mọi tình huống; Chung sống thân ái, đánh giá cao người khác; Biết lắng nghe, quan tâm, chia sẻ với mọi người; Tích cực tham gia hoạt động vì cộng đồng) và 4 thể hiện (Quan tâm, chăm sóc người thân; Rèn luyện kỹ năng thích ứng với cuộc sống; Giúp đỡ gia đình; Tham gia hoạt động xã hội, giáo dục truyền thống, đạo đức, pháp luật).

Tiêu chí “Không gây mâu thuẫn”: Có 5 chỉ báo (Ý thức bản thân là một cá thể trong cộng đồng; Nhận biết giá trị bản thân, trân trọng giá trị người khác; Có khả năng đặt bản thân vào vị trí của người khác; Chấp nhận sự đa dạng của mọi người, đa văn hóa, đa sắc tộc, không phân biệt đối xử; Nhìn nhận mỗi người có điểm yếu điểm mạnh riêng) và 5 thể hiện (Quan tâm đến lợi ích chung; Tìm hiểu tính cách của bản thân; Rèn luyện kỹ năng thích ứng với cuộc sống; Xây dựng mối quan hệ bạn bè, thầy cô; quan hệ với mọi người).

Tiêu chí “Bình yên trong lòng”: Có 2 chỉ báo (Làm chủ cảm xúc bản thân, hạn chế cảm xúc tiêu cực với mình và người khác; Tự điều chỉnh nhận thức, cảm xúc để có hành vi phù hợp và 1 thể hiện (Rèn luyện kỹ năng thích ứng cuộc sống).

Tiêu chí “Tâm trí thư thái, tĩnh lặng”: Có 3 chỉ báo (Trân trọng cuộc sống mọi người xung quanh; Lập kế hoạch cân đối giữa việc học với hoạt động khác, không áp lực cho bản thân và người khác; Tinh thần lạc quan, vui vẻ, bình yên tâm hồn) và có 1 thể hiện (Rèn luyện kỹ năng thích ứng cuộc sống).

Tiêu chí “Bình tĩnh”: Có 3 chỉ báo (Giải quyết vấn đề bằng đối thoại thay vì đối đầu; Làm chủ bản thân, không để cảm xúc lấn át lý trí; Thực hiện việc tìm kiếm sự hỗ trợ để giải quyết vấn đề) và 2 thể hiện (Rèn luyện kỹ năng thích ứng cuộc sống; Xây dựng quan hệ với mọi người).

Tiêu chí “Thân thiện môi trường tự nhiên”: Có 2 chỉ báo (Sống hòa hợp, thân thiện, bảo vệ môi trường; Tích cực tuyên truyền, khuyến khích mọi người cùng bảo vệ môi trường) và 4 thể hiện (Khám phá vẻ đẹp của cảnh quan thiên nhiên; Tham gia bảo tồn cảnh quan; Tìm hiểu thực trạng môi trường; Bảo vệ môi trường).

Giải pháp giáo dục giá trị hòa bình cho học sinh

Để nâng cao hiệu quả giáo dục giá trị hòa bình cho học sinh, giáo viên môn Giáo dục công dân và môn Giáo dục Quốc phòng dựa trên các tiêu chí đã nêu, đề xuất với nhà trường các hoạt động trải nghiệm giáo dục giá trị hòa bình phù hợp với từng cấp học, phù hợp với vùng miền, địa phương nhằm đảm bảo khả thi.

Giáo dục giá trị hòa bình với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, bằng nghệ thuật, âm nhạc; Tổ chức hoạt động giáo dục giá trị hòa bình trong cộng đồng có sự tham gia của gia đình, nhà trường và xã hội. Bởi vì giáo dục không thể tách rời cuộc sống mà giáo dục chính là cuộc sống.

Nhà trường hướng tới “Trường học hạnh phúc”, tạo môi trường học tập an toàn, tôn trọng, để học sinh có sự yên tĩnh, cảm giác tốt đẹp, sống hoà thuận, thi đua lành mạnh thay vì ganh ghét, đấu đá; giải quyết mâu thuẫn bằng đối thoại, không đối đầu.

Ralph Waldo Emerson, triết gia người Mỹ (1803 - 1882), đã nói: “Hòa bình không thể đạt được qua bạo lực, nó chỉ có thể đạt được qua sự thông hiểu”. Học sinh biết tôn trọng đa văn hóa, đa sắc tộc để hội nhập với thế giới, hướng đến công dân toàn cầu.

Ảnh minh họa/INT

Ảnh minh họa/INT

Lan tỏa “Giáo dục vì hòa bình”

Năm 2013, Ngày quốc tế hòa bình (21/9) được Liên Hợp Quốc tổ chức kỷ niệm với chủ đề “Giáo dục vì hòa bình”. Thông qua chủ đề này, Liên Hợp Quốc một lần nữa nhấn mạnh tới vai trò của giáo dục trong việc đào tạo và giáo dục các công dân của thế giới. Trẻ em không chỉ cần học cách đọc, viết và tính toán, mà các em còn cần được dạy về cách tôn trọng những người khác, tôn trọng thế giới mà chúng ta đang sống và do đó, thúc đẩy sự phát triển và tiến bộ của xã hội theo hướng công bằng hơn, rộng mở hơn và hài hòa hơn.

Theo Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc John W. Ashe, “Điều làm cho Ngày quốc tế hòa bình năm 2013 này trở nên độc đáo chính là lần đầu tiên, ngày kỷ niệm này đã được Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc dành riêng cho giáo dục hòa bình. Chúng ta hãy nhớ rằng, giáo dục là con đường dẫn đến sự tăng trưởng và phát triển cho người dân và xã hội, và giáo dục các giá trị của hòa bình là một phương tiện quan trọng giúp ngăn ngừa và giảm thiểu xung đột và chiến tranh”.

Cố Tổng thống Nam Phi, Nelson Mandela, từng nói: “Giáo dục là vũ khí mạnh nhất mà bạn có thể sử dụng để thay đổi thế giới”. Và hoàn toàn có lý khi thế giới cùng nhìn nhận vai trò của giáo dục là một trong những nền tảng quan trọng xây dựng hòa bình. Giáo dục giúp xóa tan “bóng đen ngu dốt” che phủ tầm mắt của mọi người, dẫn chúng ta đi đến con đường đúng đắn, biết tôn trọng, khoan dung và tương trợ lẫn nhau trong gia đình, trong cộng đồng và giữa mọi người dân trên toàn thế giới, không phân biệt xuất xứ, tôn giáo hay sắc tộc.

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon kêu gọi cộng đồng quốc tế: “Chúng ta cam kết giáo dục cho trẻ em giá trị của lòng khoan dung và tôn trọng lẫn nhau. Chúng ta hãy đầu tư cho các trường học và các giáo viên để xây dựng một thế giới công bằng và đa dạng hơn. Chúng ta hãy đấu tranh cho hòa bình và bảo vệ hòa bình với tất cả sức mạnh của mình”.

(Theo Hải Lê/Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ