Phát huy hiệu quả giá trị của Đề cương văn hóa Việt Nam

GD&TĐ - Sáng 22/2, Bộ VH,TT&DL tổ chức họp báo thông tin về các hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943 - 2023).

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương chia sẻ thông tin về hội thảo khoa học quốc gia '80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam - Khởi nguồn và động lực phát triển' tại buổi họp báo. Ảnh: Bình Thanh.
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương chia sẻ thông tin về hội thảo khoa học quốc gia '80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam - Khởi nguồn và động lực phát triển' tại buổi họp báo. Ảnh: Bình Thanh.

Đó là một trong những nội dung quan trọng mà hội thảo khoa học quốc gia “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam - Khởi nguồn và động lực phát triển” sẽ được tổ chức trong ngày 27/2, tại Hà Nội, hướng tới.

Thu hút sự quan tâm đặc biệt

Sáng 22/2, Bộ VH,TT&DL tổ chức họp báo thông tin về các hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943 - 2023). Theo Thứ trưởng Tạ Quang Đông, bản “Đề cương về văn hóa Việt Nam” ra đời năm 1943 có ý nghĩa lịch sử hết sức to lớn.

“Từ đó đến nay, các luận điểm, quan điểm của bản đề cương này vẫn tiếp tục được Đảng ta trên một sự sáng tạo, hiện thực hóa và tất cả những gì ngành Văn hóa đạt được là dựa trên nhiều quan điểm có từ bản đề cương này.

Với những ý nghĩa lịch sử quan trọng như vậy, Bộ thấy cần có một đợt kỷ niệm rộng khắp từ Trung ương đến địa phương, làm sao hình thành một phong trào, một đợt kỷ niệm xứng tầm với ý nghĩa lịch sử của đề cương văn hóa này”, ông Đông cho biết.

Theo đó, cùng với các hoạt động quan trọng như: Lễ kỷ niệm và chương trình nghệ thuật đặc biệt; chiếu phim tài liệu “80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam”, tuần phim kỷ niệm; triển lãm ảnh… thì Hội thảo khoa học quốc gia “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam - Khởi nguồn và động lực phát triển” đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà khoa học, nhà quản lý và người thực hành văn hóa với hơn 150 bài tham luận được gửi về.

Được tổ chức bởi Bộ VH,TT&DL, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Học Viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì và có sự phối hợp với các đơn vị liên quan, hội thảo sẽ diễn ra 2 phiên: “Giá trị lý luận và thực tiễn của Đề cương về văn hóa Việt Nam” và “Văn hóa, con người Việt Nam - Nền tảng tinh thần, động lực phát triển đất nước trong giai đoạn mới”.

Bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, tại mỗi phiên, các nhà quản lý, chuyên gia uy tín; lãnh đạo một số địa phương như Hà Nội, Nam Định, Thừa Thiên - Huế, TPHCM… sẽ có phần trình bày tham luận dưới nhiều góc độ đồng thời sẽ tham gia thảo luận bàn tròn.

Cùng tìm giải pháp phát huy giá trị

“Hội thảo trước tiên sẽ tổng kết, nêu các ý nghĩa, tầm quan trọng cũng như giá trị thực tiễn của “Đề cương về văn hóa Việt Nam” mang lại cho nền văn hóa phát triển cũng như góp phần trong phát triển chung trong toàn xã hội.

Bên cạnh đó, hội thảo sẽ đi sâu vào các vấn đề hiện nay, những điểm nghẽn, nút thắt, chính sách, thể chế, các biện pháp mục tiêu phát triển văn hóa trong thời kỳ mới.

Tôi rất hy vọng qua đây sẽ nhận biết được giá trị lịch sử của Đề cương về văn hóa Việt Nam, sẽ nhìn thấy được tầm nhìn, hướng chiến lược để phát triển văn hóa trong thời đại công nghiệp hóa” - Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Tạ Quang Đông.

Thông tin cụ thể về hội thảo khoa học quốc gia tại buổi họp báo, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam cho biết, không phải ngẫu nhiên mà hội thảo lại thu hút được sự quan tâm của nhiều chuyên gia, nhà quản lý, người thực hành văn hóa...

Sức hút ấy đến từ việc hội thảo đã hàm chứa bên trong những câu chuyện của ngày hôm nay dựa trên điểm tựa của Đề cương về văn hóa Việt Nam.

Theo bà Phương, chủ đề “Khởi nguồn và động lực phát triển” của hội thảo được đặt ra từ ý nghĩa: 80 năm ra đời của Đề cương về văn hóa Việt Nam, từ năm 1943 - lần đầu tiên có bản đề cương mang tính cương lĩnh để xác định được con đường phát triển của văn hóa Việt Nam với nền tảng lý luận chặt chẽ, hệ thống và các nguyên tắc hành động.

Đến nay, trải qua nhiều thời kỳ khác nhau, tinh thần bản đề cương đã tạo ra sự chuyển động, thay đổi, phát triển của văn hóa Việt Nam càng ngày càng hướng tới sự phát triển bền vững.

Trong bối cảnh hôm nay, khi đất nước đối diện với rất nhiều cơ hội, tiềm năng như sở hữu truyền thống văn hóa mấy ngàn năm với nhiều giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, nhiều giá trị tốt đẹp của con người Việt Nam.

Bên cạnh đó, còn có cơ hội là thời điểm dân số vàng mà tỷ lệ người trẻ, có khả năng chuyển hóa được giá trị văn hóa truyền thống với sáng tạo khoa học công nghệ sẽ tạo ra diện mạo mới để một lần nữa văn hóa trở thành một mặt trận.

“Văn hóa sẽ chính là nguồn mạch để phát triển đất nước theo hướng bền vững hơn. Chúng ta sẽ bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa hiển thị qua các sản phẩm, dịch vụ, hoạt động văn hóa.

Đó là một cách để có thể phát huy được nội lực và sức mạnh của văn hóa Việt Nam và văn hóa Việt Nam trở thành một sức mạnh mềm trong sức mạnh tổng hợp quốc gia để có thể định vị được sức mạnh Việt Nam trên bản đồ quyền lực của thế giới trong hoạt động văn hóa.

Chính vì ý nghĩa đó, tên của hội thảo chứa một khát vọng không chỉ của những người làm trong công tác quản lý về văn hóa mà còn chứa đựng nhiều tâm huyết của nhiều trí thức, nghệ sĩ đặc biệt là giới trẻ”, bà Phương cho biết.

Về 2 phiên của hội thảo, bà Phương đặc biệt “bật mí” việc các đại biểu sẽ tập trung bàn thảo các giải pháp mang tính liên ngành, vì câu chuyện phát triển văn hóa không phải là câu chuyện của riêng ngành Văn hóa mà đây là sự phối hợp đồng bộ, là trách nhiệm toàn xã hội.

Nhất là tại phiên thảo luận bàn tròn sẽ có những câu hỏi tập trung vào các giải pháp phát triển văn hóa trong giai đoạn tới như: Sẽ phải làm gì để văn hóa được trở thành một trụ cột của sự ưu tiên? Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 đã đưa ra mục tiêu văn hóa được đầu tư tối thiểu 2%.

Vậy cần làm gì để văn hóa có thể đạt được ít nhất của ngưỡng đó? Ở đây phải có giải pháp liên quan đến vấn đề thể chế, đặc biệt là liên quan đến những hợp tác công tư hay là những luật về thuế, về nhiều vấn đề ưu đãi cho văn nghệ sĩ và vấn đề tạo ra sự dịch chuyển, sự sáng tạo trong chuỗi phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

“Chúng tôi tin rằng đây là hội thảo với tâm huyết và trách nhiệm của những người đang thực sự muốn văn hóa trở thành một mặt trận. Quan điểm của chúng tôi, đã là một mặt trận thì phải chiến đấu trên mặt trận đấy, muốn chiến đấu được, trụ cột được phải có sự tập trung ưu tiên, tập trung kích hoạt sự phát triển đó và đây không phải là câu chuyện của riêng ngành Văn hóa”, bà Phương tâm huyết nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ