Giáo dục gắn với thực tiễn: Mũi tên hướng tới nhiều đích

GD&TĐ - Tổ chức hoạt động giáo dục nhà trường gắn với thực tiễn sản xuất, kinh doanh địa phương là hình thức giáo dục trải nghiệm sáng tạo, bổ ích và cần thiết với giáo dục phổ thông. 

Học sinh được trực tiếp gắn bó với hoạt động sản xuất. Ảnh: Thanh Long
Học sinh được trực tiếp gắn bó với hoạt động sản xuất. Ảnh: Thanh Long

Cách giáo dục này như một mũi tên hướng tới nhiều đích và phát huy hiệu quả trong thực tế. Tuy nhiên để đảm bảo hoàn thành cho mỗi bài học đòi hỏi nhà trường, giáo viên đưa ra nhiều hình thức, biện pháp phù hợp trong quá trình triển khai thực hiện.

Trách nhiệm trên đôi vai người thầy

Có thể thấy vai trò của người thầy vô cùng quan trọng trong quá trình gắn giáo dục với hoạt động sản xuất kinh doanh địa phương bởi hoạt động này luôn đòi hỏi họ phải đưa ra được các chủ đề, hình thức tổ chức hoạt động phù hợp, linh hoạt sáng tạo trong quá trình giảng dạy. Đặc biệt bản thân người giáo viên cần nhạy bén, nắm rõ thực tế, tình hình của địa phương.

PGS.TS Nguyễn Trọng Khanh - Trường ĐHSP Hà Nội cho rằng: Việc xác định các chủ đề hoạt động và hình thức tổ chức hoạt động đòi hỏi giáo viên phải dựa vào các cơ sở, điều kiện như: Mục tiêu giáo dục phổ thông, mục tiêu giáo dục của cấp học, lớp học; mục tiêu của hoạt động trải nghiệm sáng tạo đối với các cấp, lớp đã xác định.

Cùng đó phải dựa vào mục tiêu, nội dung, phân phối chương trình các môn học thuộc cấp, lớp dự kiến tổ chức hoạt động; Điều kiện thực hiện hoạt động trải nghiệm sáng tạo của địa phương (đặc điểm tình hình sản xuất, đời sống kinh tế, văn hóa); Điều kiện tổ chức thực hiện của nhà trường về cơ sở vật chất, thiết bị, đội ngũ giáo viên…

Mặt khác, ở địa phương có các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ… giáo viên cần nghiên cứu kĩ nội dung bài giảng, tìm mối liên hệ giữa kiến thức trong bài giảng với lĩnh vực, tính chất, quy mô của sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tại địa phương để xây dựng nội dung của hoạt động.

Căn cứ vào tình hình cụ thể giáo viên xác định hình thức, nội dung, phương pháp tìm hiểu và yêu cầu báo cáo thu hoạch sau tìm hiểu rồi giao cho học sinh thực hiện. Đặc biệt giáo viên cần chú trọng tới các vấn đề, đối tượng có liên quan đến kiến thức trong chương trình giáo dục phổ thông. Như vậy sẽ tạo điều kiện cho học sinh liên hệ, vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết các vấn đề thực tiễn…

Trong cuộc sống hàng ngày, học sinh ít nhiều đều trực tiếp mắt thấy tai nghe các sự kiện, hiện tượng, diễn biến xảy ra; ít nhiều tiếp xúc với con người, máy móc, thiết bị, dụng cụ sinh hoạt, sản xuất… nhưng có thể đó chỉ là sự quan sát, tiếp xúc vô tình, không có chủ định.

Như vậy, sự trải nghiệm sẽ là không đáng kể. Để tăng sự trải nghiệm, giáo viên cần có định hướng, giao nhiệm vụ quan sát, tìm hiểu, phân tích để rút ra những gì có thể học được qua các sự kiện, hiện tượng, đối tượng...

Một trong những mục đích của hoạt động trải nghiệm sáng tạo là thông qua đó giáo viên có thể làm công tác hướng nghiệp cho học sinh. Tổ chức các hoạt động trải nghiệm, sáng tạo để tạo điều kiện cho các em bộc lộ năng lực, sở trường, hứng thú của mình đối với một lĩnh vực, một ngành nghề, một công việc nào đó.

Thông quá đó giáo viên định hướng cho học sinh xác định con đường phát triển sau khi tốt nghiệp THPT như chọn ngành học ở ĐH, CĐ; chọn ngành nghề trong học nghề hoặc trực tiếp tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh địa phương…

Cách học hứng thú và hiệu quả

Theo đánh giá chung mô hình trường học gắn liền với thực tiễn sản xuất đời sống địa phương mang lại hiệu quả tích cực đối với cả người dạy lẫn người học.

Khi tham gia học tập trong môi trường này, học sinh thường đóng một vai cụ thể, từ đó kích thích hứng thú trong việc tiếp thu kiến thức và hình thành kĩ năng của học sinh. Cùng đó thông qua việc thường xuyên được tiếp cận với các hoạt động thực tiễn sản xuất, giúp học sinh có nhiều cơ hội hơn trong việc gắn lý thuyết với thực hành, tư duy và hành động, nhà trường và xã hội. Giúp việc học tập trong nhà trường giống hơn với việc học tập trong thế giới thật.

Khi tham gia các hoạt động thực tiễn người học có cơ hội để thử thách năng lực khác nhau của bản thân; học sinh được rèn khả năng tư duy, suy nghĩ sâu sắc khi gặp những vấn đề phức tạp; học sinh có điều kiện để khám phá, đánh giá, giải thích và tổng hợp thông tin từ các tình huống thực tiễn của địa phương; Có cơ hội để vận dụng và phát triển kiến thức lý thuyết đã học và đặc biệt rèn luyện cho học sinh phát triển năng lực giải quyết các vấn đề phức tạp gặp phải trong khi tham gia các hoạt động thực tiễn.

Khi tham gia vào hoạt động thực tiễn, mỗi học sinh phải đảm nhận một vai trò cụ thể. Vì vậy, học sinh được đặt trong tình huống buộc phải thăng tính chủ động trong việc xây dựng kế hoạch, thực hiện nhiệm vụ, giải quyết các vấn đề phát sinh một cách tốt nhất. Nhờ đó phát huy tích cực, tự lực, tính trách nhiệm, năng lực giải quyết các vấn đề của học sinh.

Thực tế cũng khẳng định, khi tham gia mô hình trường học gắn với thực tiễn sản xuất học sinh không chỉ phải giao tiếp với thầy cô, bạn bè mà còn phải thường xuyên giao tiếp với rất nhiều các tầng lớp khác nhau trong xã hội. Có thể là với người nông dân, cô chú công nhân, kĩ sư, bác sĩ… thông qua đố học sinh sẽ có cơ hội để rèn luyện nâng cao năng lực hợp tác, khả năng giao tiếp và tương tác với cộng đồng.

Bên cạnh đó khi thực hiện một nội dung chủ đề theo mô hình trường học gắn với thực tiễn sản xuất và đời sống xã hội, giáo viên và học sinh thay vì giảng dạy, học tập trong không gian lớp học, phòng thí nghiệm thì sẽ có cơ hội làm việc với những điều kiện trong đời sống thực tế.

Vì vậy, cùng là một nội dung, giáo viên và học sinh có thể lựa chọn nhiều cách tiếp cận khác nhau tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể, thông qua đó kích thích giáo viên và học sinh tư duy sang tạo và hiểu sâu sắc hơn nội dung bài học.

Tổ chức các hoạt động trải nghiệm, sáng tạo là tạo điều kiện cho học sinh bộc lộ năng lực, sở trường, hứng thú của mình đối với một lĩnh vực, một ngành nghề, một công việc nào đó. Thông qua hoạt động gắn với sản xuất kinh doanh của địa phương, người giáo viên sẽ định hướng cho học sinh xác định con đường phát triển sau khi tốt nghiệp THPT như chọn ngành học ở ĐH, CĐ; chọn ngành nghề trong học nghề hoặc trực tiếp tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh địa phương...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ