Giáo dục ĐH thế giới: Vì sao chuyển từ xếp hạng sang đối sánh?

GD&TĐ - Có một thực tế là các bảng xếp hạng ĐH có thể đem lại một số thông tin về từng trường trong tương quan so sánh với các trường khác, nhưng nó không chứa đựng đầy đủ công cụ để đo lường tính mạnh yếu của một hệ thống GDĐH. Các học giả giáo dục hàng đầu thế giới đang đề xuất một mô hình đối sánh khác giữa các trường, thay vì xếp hạng như trước.

Theo bảng xếp hạng truyền thống, đa số các trường top đầu là ĐH Mỹ
Theo bảng xếp hạng truyền thống, đa số các trường top đầu là ĐH Mỹ

Bộc lộ nhiều hạn chế và bị lạm dụng

Có vô số các bảng xếp hạng ra đời những năm gần đây, chẳng hạn như Bảng Xếp hạng ĐH toàn cầu của Trường ĐH Giao thông Thượng Hải, thường gọi Academic Ranking of World Universities (ARWU); bảng xếp hạng của Thời báo Times Higher Education’s Ranking, thường gọi THE; bảng xếp hạng The Web of World Universities Ranking, thường gọi Webometrics; hoặc CHE, hay U.S. News & World Report...

Sự nảy nở tràn lan của các bảng xếp hạng đã gặp phải những thái độ chống đối mãnh liệt. Từ phản đối việc xếp hạng ngay từ những nguyên tắc cơ bản nhất đến phê phán phương pháp xếp hạng, và thậm chí có cả sự tham gia của tòa án nhằm chấm dứt việc công bố các bảng xếp hạng.

Sự mở rộng danh sách các trường tinh hoa và việc thực thi công việc xếp hạng không tránh khỏi sự chú ý của nhiều bên liên quan khác nhau. Những bảng xếp hạng này thường bị bài bác do những thiếu sót, sai lầm nguy hiểm trong việc thu thập dữ liệu. Nó bị tẩy chay bởi một số trường không hài lòng với kết quả xếp hạng của họ, và bị các chính khách đối lập sử dụng như một phương tiện để phê phán chính phủ.

Kiểu phản ứng như thế không phải là không có lý do xác đáng. Kết quả xếp hạng và sự khao khát được nâng hạng có thể khiến các trường khuyến khích sinh viên nói dối nhằm tăng tỉ lệ sinh viên hài lòng với nhà trường trong các khảo sát ý kiến, vì những kết quả này góp phần tăng điểm của trường.

Bên cạnh đó, học giả Malcolm Gladwell còn cho rằng ngay cả những bảng xếp hạng được biết đến rộng rãi như U.S. News & World Report cũng có nhiều sai lầm bởi nó không đồng nhất. Ví dụ, nó không so sánh các trường công cùng quy mô mà đi so sánh với cả các trường tư có tính chất chuyên ngành hơn và có mức thu lớn hơn trên mỗi sinh viên.

Điều tệ hơn là chính phủ một số nước đã tự đặt ra những bảng xếp hạng phi lý. Ví dụ, một bảng xếp hạng ĐH toàn cầu mới ra đời ở Nga, được RatER, một tổ chức xếp hạng của Nga, soạn thảo công phu, đã đặt Trường ĐH Quốc gia Moscow trên cả những trường như Harvard, Stanford và Cambridge, là những trường hàng đầu trong bảng xếp hạng Thượng Hải và Times Higher Education.

Việc xếp hạng giúp sinh viên, gia đình họ và các nhà tuyển dụng thấy được kết quả của từng trường riêng lẻ; tuy nhiên, không nói lên điều gì đáng kể về chất lượng hoạt động tổng thể của hệ thống GDĐH một nước. Chẳng hạn, các bảng xếp hạng không đo lường kết quả đem lại cơ hội bình đẳng trong việc tiếp cận giáo dục, về chất lượng và những đóng góp cho sự phát triển xã hội, cho kinh tế địa phương thông qua đào tạo nguồn vốn con người có kỹ năng cao hoặc tạo ra các sáng chế.

Đối sánh để thấy được thực chất hơn chất lượng hoạt động của hệ thống GDĐH
Đối sánh để thấy được thực chất hơn chất lượng hoạt động của hệ thống GDĐH 

Chuyển từ xếp hạng sang đối sánh

“Các bảng xếp hạng rất ít lưu ý đến hiệu quả của hệ thống GDĐH trong việc phục vụ xã hội. Đối sánh cho phép chúng ta so sánh các hệ thống GDĐH các nước ở những giai đoạn phát triển tương tự nhau, ở những khu vực gần nhau trên thế giới, hay có cùng bối cảnh chính trị.

Đối sánh là quá trình so sánh hoạt động của một nền GDĐH này với một nền GDĐH khác, giúp ta xác định đối thủ cạnh tranh và học hỏi từ kinh nghiệm thực tiễn của người khác. Việc xếp hạng về bản chất là dẫn tới cuộc đua lên đỉnh, trong khi đối sánh mang lại một thái độ học tập thoải mái. Mục đích của đối sánh là cải thiện hoạt động nhờ vào việc “chẩn bệnh” hệ thống, xác định những biện pháp can thiệp cụ thể để khích lệ nền GDĐH các nước đạt được những kết quả mà họ có tiềm năng để đạt đến” - TS Malcolm Gladwell phát biểu.

Hai đặc điểm trọng yếu trong công cụ đối sánh mà Ngân hàng Thế giới (WB) đề xuất là: Hệ thống GD sau trung học của một nước trên thực tế có tạo ra những kết quả như người ta mong đợi hay chưa? Các yếu tố đầu vào của hệ thống GDĐH có khả năng mang lại một kết quả như mong muốn?

Chất lượng hoạt động của hệ thống có thể đo lường được bằng cách nhìn vào những kết quả chủ yếu mà nó đạt được. Bộ công cụ đối sánh của WB nêu ra các kết quả sau: (1) tỉ lệ người được đào tạo trong dân số, (2) những trải nghiệm trong nhà trường đối với người học khi họ bước vào đời, (3) sự bình đẳng, (4) thành quả nghiên cứu khoa học hiểu theo nghĩa ấn phẩm khoa học và đào tạo bậc cao, đo lường qua số lượng trích dẫn của các tập san khoa học và năng lực của hệ thống trong việc đào tạo nghiên cứu sinh tiến sĩ, (5) chuyển giao tri thức và công nghệ, (6) phẩm chất công dân.

Các nền tảng để thực hiện phương pháp đối sánh này có thể kể đến như môi trường vĩ mô của một quốc gia tác động đến giáo dục, các chính sách quản lý giáo dục, chính sách nội bộ của nhà trường, cơ chế khớp nối thông tin giữa các trường trong hệ thống GDĐH, sự phát triển của hạ tầng, tự do học thuật…

Việc đối sánh các hệ thống GDĐH dựa trên ba loại tiêu chí: định lượng, định tính khách quan và định tính chủ quan. Những tiêu chí định lượng đem lại một thước đo hữu hình để so sánh chất lượng hoạt động thông qua nhiều khía cạnh khác nhau của các trường cũng như của hệ thống GDĐH các nước. Dữ liệu cho những tiêu chí này dễ thu thập hơn là dữ liệu định tính. Tiêu chí định tính khách quan miêu tả những khía cạnh làm nên sự lành mạnh của hệ thống theo cách không phải bằng những con số.

Ví dụ, tiêu chí định tính có thể nắm bắt được những đặc điểm chính của một hệ thống GDĐH và của các trường theo cách khách quan, như đánh giá sự hiện hữu của một hội đồng trường độc lập, cách thức lựa chọn và bổ nhiệm hiệu trưởng, sự tồn tại của hệ thống kiểm định chất lượng. v.v... Các tiêu chí định tính chủ quan được xây dựng dựa trên nhận định của các chuyên gia về sự lành mạnh của hệ thống. Ví dụ, một trong những động lực quan trọng của hệ thống là mức độ tự chủ trong quản lý mà các trường đang được hưởng, vốn là một yếu tố khó mà đo lường cho thật khách quan.

Việc xếp hạng ĐH không chứng minh được tính ưu tú của trường này so với trường khác

Việc xếp hạng ĐH không chứng minh được tính ưu tú của trường này so với trường khác

Điển hình đối sánh hệ thống của Brazil và Chile

Nhằm minh họa cho việc công cụ đối sánh có thể được sử dụng như thế nào, TS Malcolm Gladwell lựa chọn điển hình hai nước Brazil và Chile. Để khởi đầu cho việc so sánh Chile và Brazil, điều quan trọng là phải đánh giá chất lượng hoạt động của họ thông qua tỉ lệ bằng cấp sau trung học đạt được trong dân số. Kết quả là Chile tốt hơn.

Năm 2010, Chile đạt được tỉ lệ 11,6% dân số trong độ tuổi 25-65 có bằng sau trung học, trong khi con số này ở Bazil là 5,6%. Chile có 55% dân số có bằng trung học tính đến 2010, trong lúc con số này ở Brazil là 32%. Về tài chính, chính phủ Chile phân bổ 12% ngân sách công dành cho GDĐH vào việc hỗ trợ sinh viên bao gồm cả tài trợ và cho vay, trong lúc chính phủ Brazil cung cấp chỉ 2% cho mục tiêu này.

Mức độ đầu tư cho GDĐH của Chile so với Brazil cũng tốt hơn. Chile có thể huy động được nhiều nguồn vốn từ khu vực tư, thông qua cơ chế chia sẻ chi phí trong các trường công và qua sự mở rộng nhanh chóng khu vực tư trong GDĐH, còn Brazil đã tiêu tốn ngân sách công nhiều hơn cho GDĐH.

Nhìn chung, tổng nguồn đầu tư bao gồm cả công và tư cho GDĐH ở Chile là 1,8% GDP, trong lúc ở Brazil ít hơn một nửa, chỉ là 0,7% GDP. Có 15% người học sau trung học ở Chile đang học trong những cơ sở không phải là ĐH, trong lúc con số này ở Brazil là ít hơn, chỉ 10%. Người ta có thể suy đoán rằng đó có thể là lý do khiến tỉ lệ người học sau trung học ở Chile cao hơn, vì Chile đem lại nhiều cơ hội đa dạng hơn cho người học, nhiều loại trường khác nhau sẵn có hơn là so với Brazil.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ