Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội): Phát huy truyền thống, vững bước tương lai

GD&TĐ - Gần 50 năm xây dựng và phát triển, Trường THPT Phan Đình Phùng luôn giữ vững chất lượng giáo dục, khẳng định vị thế của mình trong khối THPT Thủ đô.

Cơ sở vật chất nhà trường khang trang, thoáng mát.
Cơ sở vật chất nhà trường khang trang, thoáng mát.

Cũng từ mái trường THPT Phan Đình Phùng, nhiều học sinh của Nhà trường nay đã trở thành nhà khoa học, tiến sĩ, thạc sĩ, kỹ sư...

Chặng đường vẻ vang

Trường THPT Phan Đình Phùng thành lập năm 1973 với tên gọi ban đầu là Trường Phổ thông cấp 3 Phan Đình Phùng. Năm học đầu tiên khi mới thành lập trường chỉ có 16 lớp gồm 10 lớp 8, 6 lớp 9 (tương đương 10, 11 hiện nay) với một tâm trạng vô cùng phấn khởi, hồ hởi nhưng cũng đầy băn khoăn, trăn trở. Có lớp, có trường, có học sinh nhưng cơ cở vật thiếu thốn đù bề.

Đặc biệt, ở thời điểm này cả nước đang oằn mình trong khói lửa chiến tranh, thủ đô Hà Nội là địa điểm đánh phá ác liệt của kẻ địch. Thầy và trò nhà trường đã chắc tay bút, vững tay súng, vừa học tập vừa tham gia đánh trả các cuộc không kích của máy bay địch. Hòa bình lập lại, đến năm 1976, 24 giáo viên của trường theo lời kêu gọi của Đảng, nhà nước lần lượt vào Nam hỗ trợ cho các trường vùng mới giải phóng.

Cô giáo Nguyễn Thị Nhâm Huyền - Hiệu trưởng Trường THPT Phan Đình Phùng.
  Cô giáo Nguyễn Thị Nhâm Huyền - Hiệu trưởng Trường THPT Phan Đình Phùng.

Với lòng yêu nghề, tâm huyết với sự nghiệp giáo dục, các thế hệ giáo viên nhà trường đã gác lại những khó khăn trước mắt, quyết tâm vững bước trên mặt trận giáo dục để đạt được những thành tích vô cùng tự hào.

Cũng như một số trường THPT khác trên địa bàn thành phố, sự phát triển của trường THPT Phan Đình Phùng trải qua không ít thăng trầm, nhập rồi tách.

Tháng 9/1977, UBND thành phố Hà Nội quyết định thành lập Trường phổ thông cấp 3 Hoàng Diệu (học buổi chiều) dùng chung địa điểm với Trường phổ thông cấp 3 Phan Đình Phùng (học buổi sáng). Năm 1996, thành phố có chủ trương sáp nhập các trường cùng địa điểm nên hai trường được sáp nhập lại thành trường mới mang tên THPT Phan Đình Phùng như hiện nay.

Gần 50 năm qua, nhà trường đã không ngừng thay da đổi thịt, tạo ra những bứt phá về mọi mặt. Cùng với sự nỗ lực của biết bao thế hệ thầy và trò đã làm rạng danh mái trường vinh dự mang tên chí sĩ yêu nước Phan Đình Phùng.

Từ chỗ cơ sở vật chất còn đơn sơ, nay trường đã có cơ ngơi khang trang, sạch đẹp và hiện đại. Diện tích khuôn viên nhà trường hiện là 11.685m2, 30 phòng học, 6 phòng bộ môn, 2 phòng học tin, 100 máy tính, 2 phòng nghe nhìn 1 phòng truyền thống, 1 phòng thư viện, 1 dãy nhà để xe, nhà thể chất 600m2, 1 sân bóng rổ đạt chuẩn, 1 sân tập thể thao, các phòng học có máy chiếu, âm thanh...

Các trang thiết bị dạy học đảm bảo cho công tác giảng dạy của giáo viên và học tập của học sinh, đồng thời đảm bảo theo quy chuẩn của trường THPT chuẩn quốc gia, tiến tới vươn tầm quốc tế.

Xây dựng trường chất lượng cao

Cô giáo Nguyễn Thị Nhâm Huyền, Hiệu trưởng Nhà trường phấn khởi cho biết: Những năm học qua, cán bộ, giáo viên, học sinh nhà trường không ngừng thi đua “Dạy tốt, học tốt”, nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục theo hướng toàn diện.

Kết thúc năm học 2019 - 2020, nhà trường có gần 99% học sinh có học lực khá giỏi, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT đạt 100%. Số học sinh trúng tuyển vào các trường đại học uy tín tăng dần qua từng năm và có nhiều năm trong top dẫn đầu khối các trường THPT của thành phố. Đặc biệt, tại cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia, học sinh của nhà trường - em Nguyễn Như Đức Minh lớp 11A1 lọt vào vòng thi quý III năm 2020.

Chất lượng giáo dục được khẳng định trong Khối trường THPT của Thủ đô.
Chất lượng giáo dục được khẳng định trong Khối trường THPT của Thủ đô.

Trường THPT Phan Đình Phùng là cái nôi bồi dưỡng, giúp học sinh phát triển toàn diện cả về Đức - Trí - Thể - Mỹ. Tại các cuộc thi học sinh giỏi, thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” (SV.STARUP), thi Khoa học kĩ thuật hay các hoạt động thể thao nhà trường đều cử học sinh tham dự và đạt nhiều thành tích cao.

Việc dạy và học ngoại ngữ tiếp tục được triển khai tốt ở khối Liên kết quốc tế (có 12 lớp học IELTS, 3 lớp học tiếng Nhật). Kết quả thi chứng chỉ ngoại ngữ Quốc tế 3 lớp tiếng Anh thi IELTS năm học 2019-2020 có 88,5% học sinh đạt IELTS 5.5 trở lên trong đó 38,9% từ 6.5 trở lên; Lớp tiếng Nhật có 36/39 HS chiếm 92,3% có N5 trở lên hoặc IELTS từ 5.5 trở lên. Với kết quả trên, phần lớn học sinh đủ điều kiện ưu tiên xét tuyển vào nhiều trường Đại học công lập top đầu, xin học bổng các trường quốc tế hoặc vào năm thứ hai của các khoa Liên kết quốc tế.

Các hoạt động tham quan trải nghiệm, hoạt động nhân đạo từ thiện,... được tổ chức thường niên đã bồi đắp cho học sinh những phẩm chất cơ bản của một công dân toàn cầu trong thời kì hiện đại.

Gần 50 năm xây dựng và trưởng thành, trường THPT Phan Đình Phùng đã đào tạo trên 30.000 học sinh và đóng góp cho quê hương đất nước nhiều công dân ưu tú đang công tác trong các cơ quan đảng, chính quyền, các tổ chức, cơ quan, trường học, các doanh nghiệp trên mọi miền của tổ quốc. Cho đến nay, được bước vào cánh cửa trường Phan Đình Phùng luôn là niềm mơ ước, hãnh diện của rất nhiều thế hệ học sinh thủ đô.

Hiệu trưởng Nguyễn Thị Nhâm Huyền nhấn mạnh: Năm 2020 trường được cấp chứng nhận “Kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 3”. Trường đang thực hiện đề án xây dựng Trường THPT Phan Đình Phùng theo mô hình chất lượng cao. Việc nâng cao chất lượng đội ngũ, xây dựng chương trình, đổi mới phương pháp giảng được nhà trường quan tâm và thực hiện.

Nhà trường đặt mục tiêu sẽ tiếp tục phấn đấu, xây dựng một môi trường học tập mở, tiếp cận với các phương pháp chương trình giáo dục tiên tiến thông qua việc hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu trong nước và quốc tế. Cùng với đó, trường sẽ chủ động xây dựng chương trình giáo dục khoa học, phát huy tốt nhất tiềm năng của học sinh.

Với sự quan tâm của UBND, Sở GD&ĐT thành phố Hà Nội, các lực lượng xã hội và cha mẹ học sinh là động lực mạnh mẽ để cô và trò trường THPT Phan Đình Phùng quyết tâm phấn đấu, nỗ lực hơn nữa nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đóng góp vào thành công chung của ngành giáo dục và đào tạo Thủ đô.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường Tiểu học Ngô Quyền lúc tan học. Ảnh: Trúc Hân

Mô hình hiệu quả về an toàn giao thông

GD&TĐ - Mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” được các trường trên địa bàn tỉnh Kon Tum triển khai những năm qua đã nâng cao ý thức cho cả HS và phụ huynh.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ảnh tư liệu

Nghe Trịnh để yêu ngày tới...

GD&TĐ - Những cô gái trong nhạc Trịnh luôn đẹp nhưng không thể chạm, tưởng như trước mắt mà thật xa xôi, nhìn thấy mà vời vợi biết mấy.