Sơn La: Giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh vùng dân tộc thiểu số

GD&TĐ - “Tôi chỉ mong học sinh của mình nhận thức đúng đắn, lựa chọn con đường đi phù hợp để thoát khỏi nghèo nàn và lạc hậu, mong các em chăm học để có nền tảng kiến thức tốt nhất bước vào đời”, cô Ngọc tâm sự.

Hoạt động tri ân các anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang Chiềng Yên của thầy trò trường TH&THCS Chiềng Yên .
Hoạt động tri ân các anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang Chiềng Yên của thầy trò trường TH&THCS Chiềng Yên .

Không đi vào “vết xe đổ”...

Chiềng Yên là xã đặc biệt khó khăn của huyện Vân Hồ. Xã  cách trung tâm huyện lỵ gần 40 km. Dân cư ở đây chủ yếu là người: Dao, Mường và Thái. Bà con lâu nay vẫn sống phụ thuộc vào sản xuất trên nương. Cũng bởi đời sống còn khó khăn nên sự quan tâm đến việc học của con em mình vẫn còn hạn chế. Việc giáo dục con em mình hầu như phó thác hết cho nhà trường và thầy cô.

Năm học 2021 – 2022, Trường TH&THCS Chiềng Yên có 601 học sinh. Không ít em ở đây thuộc các hộ nghèo và cận nghèo. Là giáo viên chủ nhiệm đã nhiều năm ở ngôi trường này nên cô Đỗ Bích Ngọc thấu hiểu hoàn cảnh của từng học sinh.

Thương trò, cô Ngọc dành hết tình cảm để truyền thụ kiến thức thông qua mỗi bài giảng. Cô luôn lồng ghép vào bài giảng những tấm gương sáng về tinh thần vượt khó vươn lên của các thế hệ học sinh đi trước để học trò của mình noi theo. Qua mỗi nhân vật, mỗi câu chuyện đưa ra, cô đều gợi ý rồi cho học sinh thảo luận theo hướng mở. Cũng vì thế mà các em thỏa sức phân tích và bày tỏ quan điểm của mình.

“Cá nhân tôi cho rằng, vấn đề giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh phải luôn được đặt lên hàng đầu. Tôi cũng đang coi trọng điều này. Từ việc giáo dục đạo đức sẽ giúp các em có nhận thức đúng đắn, dần xóa bỏ những hủ tục lạc hậu vốn tồn tại bấy lâu nay. Có khi các em lại là những tuyên truyền viên ở chính miền quê mà mình đang sinh sống”, cô Ngọc chia sẻ.

Ở lứa tuổi học sinh THCS và THPT, các em có nhiều thay đổi cả về tâm - sinh lý. Không ít học sinh vùng cao bỏ học giữa chừng, trở thành nạn nhân của các cuộc tảo hôn từng xảy ra trước đây. Nhận thức rõ điều này, các trường trên địa bàn huyện Vân Hồ đã luôn đặc biệt quan tâm, áp dụng nhiều biện pháp giáo dục, ngăn chặn.

Một điều rất khó ở đây khi chính cha, mẹ các em đôi khi lại là những người “tiếp tay” cho tình trạng này. Không ít người cho rằng: “Chỉ cần học hết lớp 9 là đủ”. Cũng bởi thế mà trách nhiệm hầu như dồn hết cho nhà giáo.  

“Mỗi lần đi vận động học sinh trở lại lớp, chúng tôi thường tâm sự, khuyên bảo các em không nên bỏ học. Dạy các em phải cố gắng học tập tốt. Để thuyết phục được thì tôi thường lấy dẫn chứng câu chuyện có thật của những anh/chị lớp trước. Họ học hành chăm chỉ thế nào, thành đạt ra sao. Ngược lại cũng phân tích những trường hợp bỏ học giữa chừng, lấy chồng, lấy vợ sớm, sinh con sớm rồi cuộc sống vất vả ra sao. Từ đó để các em có sự so sánh, nhận thức đúng đắn để lựa chọn bước đi phù hợp”, cô Ngọc cho hay.

“Tôi chỉ mong qua những bài giảng, tâm sự ấy sẽ giúp học sinh có nhận thức, lối sống đúng đắn. Mong sao các em thoát khỏi những hủ tục, không còn bỏ học giữa chừng rồi lấy chồng, lấy vợ sớm để rồi tương lai lại mù mịt”, cô Ngọc nói thêm.

Việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh được các trường khéo léo lồng ghép vào bài giảng. Ảnh tư liệu: NVCC
Việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh được các trường khéo léo lồng ghép vào bài giảng. Ảnh tư liệu: NVCC

“Vun đắp” tinh thần đoàn kết...

Cô Nguyễn Thị Phường (Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Đứa Mòn, xã Đứa Mòn, huyện Sông Mã) vẫn còn nhớ như in năm đầu quỹ từ thiện của nhà trường được mở rộng đối tượng. Đó là dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần vừa qua. Mọi năm, chỉ giáo viên mới tham gia ủng hộ, đóng góp vào nguồn quỹ này. Nhưng năm nay, học sinh có thể tự nguyện tham gia ủng hộ tùy tâm. Số tiền thu được sẽ dành để mua bánh, kẹo, mứt ... làm quà tặng cho học sinh nghèo hiếu học.

Cô Phường không khỏi xúc động khi thấy học sinh lớp mình chủ nhiệm đã khôn lớn khi sẵn sàng “san sẻ” khó khăn với bạn bè. Có em cầm tờ tiền với mệnh giá 1 nghìn nhăn nhúm dành dụm được, lại có em cầm tờ tiền với mệnh giá 2 nghìn đồng, trích từ suất ăn sáng ra sẵn sàng quyên tặng. Những hình ảnh đó khiến cô Phường không khỏi xúc động.

“Tuy sự quyên góp của các em không nhiều nhưng theo tôi đã có ý nghĩa rất lớn. Nó là nguồn động viên để các em các em có hoàn cảnh khó khăn sẽ nỗ lực hơn nữa trong học tập. Còn với những em còn lại, các em sẽ biết được sự đoàn kết, yêu thương con người hơn. Cũng vì thế, trong quá trình dạy học, tôi luôn nhắc nhở học sinh của mình phải luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác ngay khi có thể. Theo tôi đức tính yêu thương, giàu lòng nhân ai là phẩm chất tốt của con người. Điều này đóng vai trò rất lớn trong quá trình hoàn thiện nhân cách của các em”, cô Phường bộc bạch.

Theo thầy Nguyễn Quốc Tú - Hiệu trưởng nhà trường, năm học này toàn trường có 547 học sinh, trong đó có 377 em đang ở bán trú. Hầu hết các em đều xa nhà nên giáo viên toàn trường luôn coi các em như con em của mình. Ngoài dạy chữ, thầy cô gần như là người “bảo mẫu” khi thường xuyên chăm lo, giáo dục các em.

 “Chúng tôi thường xuyên tổ chức các buổi ngoại khoá, toạ đàm theo chủ đề, chủ điểm. Có thể là về an toàn giao thông, giáo dục giới tính, bạo lực học đường.... Trường cũng thường tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho học sinh. Qua đó, giáo viên khéo léo lồng ghép để giáo dục, giúp các em sớm hình thành nếp sống tích cực, có ý thức xã hội tốt”, thầy Tú chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.