Giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh: Sự thấu hiểu sẽ làm tăng hiệu quả

GD&TĐ - Một trong những yếu tố quan trong giúp công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh đạt hiệu quả đó là sự thấu hiểu hoàn cảnh của người học cùng những bài học thực tế sinh động.

Ảnh minh hoạ/INT.
Ảnh minh hoạ/INT.

Hiểu hoàn cảnh, tăng tương tác

Công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho HS luôn được các nhà trường chú trọng. Giáo viên chủ nhiệm có vai trò quan trọng trong việc tăng cường kết nối với phụ huynh để thấu hiểu hoàn cảnh, có phương pháp giáo dục học sinh một cách hợp lý nhất.

Theo cô Nguyễn Thị Việt Hà, giáo viên Trường THCS Nguyễn Huệ, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng: Trong một tập thể lớp, điều cần thiết nhất là sự hoà hợp, chung sức. Nhưng với mỗi cá nhân các em lại có những hoàn cảnh khác biệt dẫn đến nhận thức cũng như tính cách cũng khác biệt. Làm sao để kết nối các em thành một tập thể tích cực, lành mạnh để các em có thể phát triển tốt nhất trong môi trường này, đó là điều giáo viên chủ nhiệm (GVCN) luôn trăn trở.

Để hỗ trợ tốt cho các em, sự đồng lòng giữa phụ huynh và GVCN là điều không thể thiếu. Nhưng để đạt được điều đó, nhất là trong trường hợp hoàn cảnh gia đình HS đặc biệt thì GVCN cần hiểu rõ HS của mình. GV nên chủ động tìm hiểu hoàn cảnh của HS và chủ động trao đổi với phụ huynh những hoạt động của HS tại trường lớp như một học sinh bình thường của lớp, tránh có sự phân biệt hay chỉ trích phê bình HS, tạo điều kiện tốt nhất có thể để HS đó có thể tham gia các hoạt động của lớp, dần tạo mối quan tâm chung giữa gia đình và nhà trường với mục đích chung giáo dục các em.

“Bất kỳ gia đình có hoàn cảnh thế nào thì từ trong sâu thẳm suy nghĩ của các bậc làm cha mẹ đều mong sự tốt đẹp cho con mình. Tôn trọng và bao dung với HS, đồng cảm với phụ huynh, chắc chắn phụ huynh sẽ đồng hành tốt cùng nhà trường để giáo dục con em mình” - cô Nguyễn Thị Việt Hà nhấn mạnh. 

Tại Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, quận Ba Đình, Hà Nội, nơi chào đón và dạy dỗ nhiều học sinh “cá tính”, công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho các em cũng luôn được nhà trường ưu tiên, coi là một trong những nhiệm vụ giáo dục trọng tâm.

Cô Nguyễn Lương Thiện, giáo viên Trường THPT Đinh Tiên Hoàng cho biết:  Dù học sinh đang dừng đến trường do dịch covid-19 song nhà trường vẫn tổ chức học online, vẫn dạy giá trị sống, kỹ năng sống, vẫn tổ chức những buổi sinh hoạt ngoại khóa, vẫn tổ chức các hoạt động.

Trong ngày khai giảng vừa qua, nhà trường cũng tổ chức các hoạt động như: Biểu diễn văn nghệ, nấu ăn và trình bày bữa cơm gia đình, hùng biện tiếng Anh theo chủ đề qua video các con gửi, rồi tổ chức trình bày, chấm công khai trên phòng Zoom cho cả trường cùng tham dự.

“Tôi nghĩ việc giáo dục đạo đức lối sống là nhiệm vụ của thầy cô, của nhà trường và cả xã hội thì dù trong hoàn cảnh nào, điều kiện nào, chúng ta cũng phải tìm biện pháp khắc phục để thực hiện” - cô Nguyễn Lương Thiện cho hay.

Ảnh minh hoạ/INT.
Ảnh minh hoạ/INT.

Bài học quý nhất đến từ thực tiễn

Các thầy, cô thống nhất quan điểm: Bài học giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh thành công nhất là bài học từ thực tiễn, chân thật, một câu chuyện được đưa ra đúng lúc, đúng thời điểm sẽ vô cùng hiệu quả.

Cô Nguyễn Lương Thiện đưa ra ví dụ về bộ phim tài liệu “Ranh giới" của VTV trong bối cảnh dịch covid-19 gây ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống xã hội.

Theo cô Thiện: Để thực sự chạm đến các em hãy làm điều đó với một sự chân thành, bền bỉ, từ những điều nhỏ nhặt nhất sẽ khiến các em cảm nhận được. Ví dụ trong đợt học online, lớp nào cũng có nhóm Zalo. Thay vì một lời gọi học sinh mỗi buổi như thầy cô thường làm, tôi gửi một hình ảnh là một câu danh ngôn, châm ngôn.

Ban đầu cũng ít học sinh quan tâm nhưng trong một giờ sinh hoạt tôi nói với các em về ý nghĩa việc mình làm: Cô muốn gủi tới các con một thông điệp qua câu danh ngôn đó. Cô muốn như một lời đánh thức các con thay vì gọi, vì bạn nào vào xem, thả tim ít nhiều cũng khiến cô yên tâm hơn. Cô muốn coi đó là một ký hiệu đánh dấu thông tin diễn ra trong một buổi học để nếu các con cần tìm lại chỉ cần tìm trong khoảng từ ảnh nọ đến ảnh kia...

“Giờ các bạn lớp tôi đã như một thói quen chờ “thông điệp” để thả tim, thậm chí muốn được trao đổi về thông điệp... Cho nên tôi nghĩ hãy làm từ những việc nhỏ nhưng có giá trị, để các em cảm nhận được chắc sẽ chạm được ít nhiều đến các em”, cô Thiện chia sẻ thêm.

Cô Nguyễn Lương Thiện cho rằng: Việc dạy kỹ năng sống có thể qua rất nhiều cách. Đơn giản là thông qua một sự việc, một câu chuyện, một sự việc thành công hay chưa thành công chúng ta đều có thể dạy cho học sinh vài kỹ năng. Bên cạnh đó, thông qua các hoạt động ngoại khóa, các sân chơi trải nghiệm cũng là cách dạy kỹ năng rất tốt.

"Với tôi, có lẽ do yếu tố đặc thù bộ môn là Giáo dục Công dân cho nên chỉ cần thông qua một câu chuyện, một việc làm một hành động đúng hoặc chưa chuẩn cũng có thể trở thành một bài học về giá trị sống kỹ năng sống cho các con" - cô Thiện chia sẻ.

“Muốn trở thành một người bạn của học sinh, tôi nghĩ mỗi thầy cô giáo phải thật sự bắt đầu từ tâm thế của một người bạn. Khi chân thành, thành thật, không cố gắng gần gũi các em với mục đích quản lý thông tin, thì chúng ta sẽ có cách riêng đối với mỗi đứa trẻ. Và khi đã trở thành một người bạn thật sự, chúng ta cũng sẽ có cách riêng để giúp mỗi đứa trẻ phát triển theo cách tốt nhất có thể” - cô Nguyễn Thị Việt Hà.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.