Hiệu trưởng trường phổ thông và 5 nội dung cốt lõi trong đổi mới giáo dục

GD&TĐ - Hiệu trưởng trường phổ thông là người đứng đầu nhà trường, có vai trò quan trọng nhất trong quá trình thiết lập, định hướng, tổ chức dạy học, GD học sinh, quản lý và thúc đẩy các hoạt động khác...

Thầy Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Quận 10, TPHCM) thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với HS. Ảnh minh họa: IT
Thầy Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Quận 10, TPHCM) thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với HS. Ảnh minh họa: IT

Chính từ quan điểm này, trong bài viết chúng tôi chỉ chú trọng vào 5 nội dung cốt lõi mà người hiệu trưởng phải thực hiện trong giai đoạn đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục nói chung và giáo dục phổ thông nói riêng.

Bài 1: Quản lý, quản trị thế nào?

Vai trò quản lý sự thay đổi

Quản lý sự thay đổi trong nhà trường hiện nay là một bài toán khó với hiệu trưởng, bởi cái mới nào ra đời cũng trên cơ sở cái cũ nhưng cái cũ luôn không muốn cái mới phát triển. Chính điều này dẫn tới những khó khăn cho nhà quản lý khi muốn thực hiện một sự thay đổi nào đó trong nhà trường. Quy luật của sự tồn tại lại ở chỗ luôn thay đổi, “mọi sự vật hiện tượng đều nằm trong quy luật vận động và phát triển” cái mới ra đời phủ định lại cái cũ, tiếp thu những tinh hoa của cái cũ để phát triển hơn, ưu việt hơn. Người quản lý làm sao cho mọi người nhận thức đúng tầm quan trọng của cái mới để họ đồng tình và cùng hướng tới mục tiêu chung là phát triển.

Thứ nhất, phải xây dựng được tầm nhìn chiến lược, biết động viên mọi người cùng cam kết thực hiện, tự đề ra kế hoạch phát triển hoàn thiện trong tương lai của mỗi giáo viên.

Thứ hai, phải xây dựng chính sách hỗ trợ cho người thực hiện, cần có bộ khung tiêu chí cho việc đánh giá sức mạnh của thay đổi. Hiệu trưởng cần nhận rõ đối tượng tham gia trực tiếp và gián tiếp vào quá trình thay đổi là ai và đưa ra những biện pháp cụ thể để tác động đến các bên tham gia.

Thứ ba, hiệu trưởng là người quản lý cả tiến trình nhưng cũng là người trực tiếp tham gia vào từng công đoạn của tiến trình đó. Cụ thể, họ lập kế hoạch cho từng hoạt động, soạn thảo cam kết cho các bên tham gia, là người điều chỉnh các hoạt động cho hợp lý để kế hoạch luôn đạt kết quả như mong đợi và đúng thời gian.

Thứ tư, hiệu trưởng cần luôn biết khích lệ động viên kịp thời những giáo viên có tư duy thay đổi đúng hướng nhưng cũng luôn khuyến khích những người muốn thay đổi nhưng còn e dè chưa dám thực hiện. Hiệu trưởng là người chuẩn bị sẵn sàng về cơ sở vật chất cũng như tinh thần cho sự thay đổi và thực hiện cùng tập thể nhà trường vượt qua trở ngại để thay đổi.

Thứ năm, trong suốt quá trình thực hiện sự thay đổi, hiệu trưởng cần cung cấp các nguồn lực cho thay đổi, đặc biệt là con người, phải biết chỗ nào còn thiếu, yếu bổ sung kịp thời, có giải pháp hỗ trợ cho các tổ bộ môn để họ thực hiện tốt sự thay đổi. Trong quá trình thay đổi sẽ tạo ra cái mới, điều quan trọng là hiệu trưởng phát hiện ra cái mới và có biện pháp cụ thể hỗ trợ. Cái mới hình thành cũng là lúc kỹ năng mới hình thành, hiệu trưởng cần tạo điều kiện cho phát triển các kỹ năng mới đồng thời nhân rộng điển hình để thực hiện những năm tiếp theo.

Cuối cùng, để thực hiện thành công cho sự thay đổi, hiệu trưởng cần quyết tâm và chỉ đạo quyết liệt; đặt mọi người trong tổ chức vào vị thế sẵn sàng cho sự thay đổi; có một kế hoạch với lộ trình phù hợp với đặc điểm nhà trường và khả thi trong hoàn cảnh cụ thể. 

Vai trò của nhà quản trị

Quản lý nhà trường là quản lý con người mà xét đến cùng là quản lý chất xám – trí tuệ và sản phẩm của nhà trường là hoàn thiện nhân cách trí tuệ của người học. Trong một số lĩnh vực quản lý có thể đưa ra những quyết định mang tính thử nghiệm, nhưng trong trường học thì không được thử nghiệm. Mọi nội dung của quyết định phải đúng và sản phẩm không được lỗi. Muốn vậy, hiệu trưởng phải thể hiện được các vai trò sau:

Thứ nhất là vai trò quản trị tổ chức, lãnh đạo, liên lạc. Hiệu trưởng với quyền uy chính thức của mình, đại diện cho một tổ chức, thực hiện chức trách vừa mang tính hành chính vừa mang tính cổ vũ lòng người.

Trong một số tình huống, sự tham gia của hiệu trưởng là điều mà pháp luật đòi hỏi như ký kết văn bản. Trong một số trường hợp khác sự tham gia của họ được coi như một nhu cầu trong nhà trường, như chủ trì một số cuộc họp hoặc thăm hỏi động viên cán bộ, công nhân viên để tăng thêm ý nghĩa và thắt chặt mối quan hệ, mối quan tâm của người quản lý đối với mọi thành viên.

Mặt khác, hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm dẫn dắt tập thể nhà trường, huấn luyện đội ngũ giáo viên cốt cán, trực tiếp đánh giá năng lực thực hiện công việc của các tổ trưởng chuyên môn, đưa ra chế độ đãi ngộ đối với những thành viên xuất sắc trong nhà trường, có ý kiến đề bạt lên vị trí cao hơn, kịp thời biểu dương những cán bộ, giáo viên có những phát minh, sáng kiến trong thực hiện công việc được giao, tạo kết quả tốt cho nhà trường.

Ở phương diện khác, hiệu trưởng là người trực tiếp giải quyết những mâu thuẫn phát sinh, những tư tưởng lệch lạc, cảm hóa họ trở thành những người có ích cho tập thể nhà trường. Thực hiện vai trò nhà quản trị, uy tín của nhà trường là do tâm sức và khả năng nhìn xa trông rộng của hiệu trưởng. Vai trò lãnh đạo của hiệu trưởng là ở chỗ kết hợp nhu cầu của các thành viên trong nhà trường với mục tiêu của nhà trường, do đó thúc đẩy quá trình thực hiện nhiệm vụ của từng thành viên một cách tự giác.

Hiệu trưởng còn đóng vai trò người liên lạc. Bởi lẽ, hiệu trưởng không chỉ đóng khung trong quan hệ một nhà trường mà còn vô số những cá nhân, tổ chức và đoàn thể ở bên ngoài nhà trường. Hiệu trưởng thông qua các kênh chính thức, thiết lập và duy trì mối quan hệ của nhà trường với những cá nhân, tổ chức và đoàn thể ở bên ngoài nhà trường.

Thứ hai là vai trò thông tin. Thời đại ngày nay là thời đại bùng nổ thông tin, thông tin được xem là nguồn lực thứ tư ở mọi tổ chức. Các hoạt động của hiệu trưởng chỉ thực sự có cơ sở khoa học và có hiệu quả khi nó được xử lý, được thực thi trên cơ sở các thông tin chính xác đầy đủ và kịp thời. Thông tin không chỉ cần mà còn giữ vai trò quan trọng trong lĩnh vực chỉ đạo, điều hành nhà trường.

Nhờ vào những kênh thông tin chính thống, hiệu trưởng có vai trò thu thập và tiếp nhận các thông tin liên quan đến tổ chức và hoạt động của đơn vị mình, xem xét, phân tích bối cảnh xung quanh tác động đến nhà trường để nhận ra những tin tức, những hoạt động, những sự kiện có thể đem lại cơ hội tốt hay xấu đối với hoạt động cơ quan.

Sau tiếp nhận là phân tích là truyền bá thông tin, nghĩa là hiệu trưởng phổ biến những thông tin đến tập thể sư phạm mình phụ trách hoặc cấp cao hơn, mục đích cuối cùng là định hướng, dẫn dắt dư luận và đưa ra quyết định đúng đắn nhất trong mọi hoàn cảnh.

Thứ ba là vai trò phát ngôn. Hiệu trưởng không chỉ tiếp nhận, xử lý thông tin, mà còn là người giữ vai trò truyền bá thông tin trong nội bộ tổ chức và phát ngôn mang ý nghĩa đối ngoại. Đó là việc truyền bá những thông tin trong nhà trường cho những cơ quan và cá nhân bên ngoài nhà trường. Mục tiêu của sự phát ngôn có thể là để giải thích, bảo vệ hay tranh thủ thêm sự ủng hộ cho nhà trường.

Cuối cùng là vai trò quyết định. Trước những vấn đề chất lượng giáo dục – đào tạo, mang tính chất sống còn của nhà trường, hiệu trưởng là người phải đưa ra quyết định đúng người, đúng thời điểm, đúng với hoàn cảnh thực tế nhà trường, đó là vấn đề khó nhưng buộc hiệu trưởng phải thể hiện bản lĩnh của mình.

(Còn nữa)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.