Giáo dục đạo đức, lối sống: Cần tăng cường sự chủ động, tự giác của người học

GD&TĐ - Để tăng cường hiệu quả công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho HSSV, cần sự phối hợp của cả gia đình – nhà trường – xã hội. Tuy nhiên, cốt lõi vẫn là sự chủ động, tự giác rèn luyện của cá nhân người học.

Đoàn viên thanh niên tham gia hoạt động Tiếp sức mùa thi. (Ảnh minh hoạ/INT)
Đoàn viên thanh niên tham gia hoạt động Tiếp sức mùa thi. (Ảnh minh hoạ/INT)

Khuyến khích HSSV tự bồi dưỡng

Theo Cô Nguyễn Thị Thanh Nga - Hiệu trưởng Trường THCS Hưng Dũng, TP Vinh, Nghệ An: Để khuyến khích đoàn viên chủ động, tự giác rèn luyện đạo đức, lối sống của bản thân, nhà trường, Liên đội luôn tăng cường công tác giáo dục lý luận chính trị, tư tưởng, truyền thống cách mạng, đạo đức, lối sống, ý thức tuân thủ pháp luật cho học sinh.

Luôn chú trọng xây dựng nội dung, phương thức giáo dục phong phú, đa dạng, phù hợp với thực tiễn. Kịp thời phát hiện, xây dựng, khen thưởng và nhân rộng các mô hình hay, cách làm sáng tạo, cá nhân xuất sắc trong học tập và làm theo Bác, bởi “một tấm gương sáng có ý nghĩa hơn một trăm bài diễn thuyết hay”.

Tổ chức Đoàn, Đội cần đổi mới mạnh mẽ việc triển khai các phong trào hoạt động để thu hút sự quan tâm của đoàn viên.

Cùng đó, chú trọng xây dựng Liên chi đội vững mạnh xuất sắc, đổi mới hình thức, chú trọng áp dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng sinh hoạt Đội, tạo tính hấp dẫn, thu hút đông đảo đội viên tự giác tham gia.

Kết hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và tổ chức Đội trong việc giáo dục, rèn luyện đạo đức, lối sống cho học sinh. Trường học, gia đình, xã hội và tổ chức Đội là những nơi gắn liền với quá trình trưởng thành của học sinh. Do đó cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức này trong công tác giáo dục, bồi dưỡng đạo đức, lý tưởng của thế hệ trẻ.

Về vấn đề này, theo ông Nguyễn Đức Tiến - Ủy viên BCH TW Đoàn, Phó Bí thư thường trực thành đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam TP Hà Nội, trước hết cần đa dạng trong hình thức tuyên truyền.

Ví dụ, thay vì hội nghị, tập huấn với các bài học giáo dục công dân, giáo dục lý tưởng có vẻ “khô khan”, thì tổ chức các hội thi tiểu phẩm, sân khấu hoá, rung chuông vàng… Thanh niên tự “vào vai”, tự xây dựng hình tượng, tự tìm hiểu về những phẩm chất đạo đức, lối sống như thế nào là văn hoá và như thế nào là thiếu văn hoá; từ đó tự thay đổi và hoàn thiện mình. 

Bên cạnh đó, sản phẩm tuyên truyền về đạo đức, lối sống, quy tắc ứng xử phải phù hợp với thị hiếu, hấp dẫn được thanh niên. Thiết kế các infographic, motiongraphic, clip ngắn, bài nhạc, rap, phim ngắn về lối sống, đạo đức, ứng xử của thanh niên với hình ảnh, câu từ gần gũi, hóm hỉnh, để thanh niên thấy mình ở trong đó, từ đó tự giác chia sẻ, lan toả trong cộng đồng và tự nhìn nhận, điều chỉnh hành vi của mình.

Khen, chê đúng lúc, đúng chỗ, kịp thời, đề cao vai trò nêu gương: Kịp thời biểu dương, khen thưởng, lan toả những gương thanh niên sống đẹp, làm động lực cho thanh niên khác phấn đấu, rèn luyện.

Ảnh minh hoạ/INT.
Ảnh minh hoạ/INT.

Linh hoạt, thích ứng điều kiện mới

Xác định, giáo dục đạo đức lối sống cho HSSV là nhiệm vụ thường xuyên trong công tác giáo dục toàn diện. Trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào, nội dung này cũng cần được chú trọng thực hiện một cách phù hợp để tăng tính hiệu quả. Trong bối cảnh dịch bệnh, nhiều trường học phải tạm dừng cho học sinh tới trường học tập trung song việc học nói chung, giáo dục đạo đức lối sống nói riêng vẫn được duy trì đều đặn.

Cô Nguyễn Thị Thanh Nga cho rằng: Các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp muốn hiệu quả phải thực hiện trực tiếp. Tuy nhiên, việc trang bị các kỹ năng cho học sinh vẫn được nhà trường, giáo viên lồng ghép thường xuyên trong các tiết học trực tuyến.

Trước hết là hình thành và rèn khả năng tự học, tự quản lý thời gian của học sinh. Đồng thời giúp các em biết kỹ năng ứng xử, giao tiếp, trao đổi, tương tác với bạn bè, thầy cô qua trực tuyến. Khơi gợi, định hướng các em biết tìm kiếm thông tin phù hợp trên mạng Internet, sử dụng mạng xã hội đúng cách, phù hợp với mục đích học tập, giao lưu với bạn bè và chia sẻ với thầy cô.

Đây cũng là những kỹ năng rất quan trọng cho học sinh, đặc biệt là trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0 và giáo dục hội nhập. Kể cả sau này dạy học trực tiếp với nhiều hoạt động, thì những kỹ năng trên vẫn có ý nghĩa và hỗ trợ học sinh rất nhiều trong học tập, cuộc sống.

Ông Nguyễn Đức Tiến chia sẻ: Để chủ động thích ứng với tình hình mới, Đoàn Thanh niên Thành phố đã có nhiều điều chỉnh trong công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh niên trước tình hình mới khi dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp như hiện nay. Đặt trọng tâm vào công tác phòng chống dịch bệnh và đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới.

Tận dụng linh hoạt, thường xuyên, liên tục và tối đa hiệu quả của mạng xã hội, thời gian qua Thành đoàn tập trung tuyên truyền giáo dục cho đoàn viên thanh niên qua các ấn phẩm như infographic, video và những chiến dịch truyền thông gần gũi với giới trẻ.

Thành đoàn ban hành nhiều hướng dẫn, thiết kế bộ nhận diện cụ thể hóa các Chỉ thị, văn bản,... của Thành phố để tiếp cận gần hơn với thanh niên, kích thích sự học hỏi, ghi nhớ của các bạn trẻ. Từ đó làm tiền đề cho công tác giáo dục đạo đức, lối sống chuẩn mực trong thanh niên.

Thông qua các hoạt động thực tiễn, các hoạt động an sinh, an toàn xã hội, hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn, tăng cường sự tham gia của thanh niên cùng chính quyền trong công tác phòng chống dịch để từ đó giáo dục tinh thần tương thân tương ái, sự đoàn kết, sẻ chia,... với đồng bào.

Tạo các trào lưu, thử thách, cuộc thi trên mạng xã hội lồng ghép những giá trị tích cực của cuộc sống, các giá trị văn hóa truyền thống; tạo động lực, cổ vũ tinh thần thanh niên, hỗ trợ thanh niên làm kinh tế, phát triển các mô hình hay, cách làm sáng tạo để thực hiện nhiệm vụ kép trong tình hình mới.

“Giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên cần sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà trường - Gia đình và Xã hội…Tổ chức Đoàn tham gia vừa với vai trò là “nhà trường”, vừa với vai trò là xã hội - nơi thanh niên gặp gỡ, mở rộng mối quan hệ, tư duy và rèn luyện, trưởng thành, va vấp, đôi khi lại như một gia đình thứ 2. Chính vì vậy, Đoàn cùng gia đình - nhà trường - xã hội đều giữ vai trò quan trọng và cần phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ lẫn nhau trong giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên, xây dựng và hoàn thiện những hình mẫu thanh niên thời đại mới” - Ông Nguyễn Đức Tiến.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.