Học tập gắn liền trải nghiệm
Cô giáo Bùi Thị Thuý Quỳnh, giáo viên Trường THCS Hưng Đạo, tỉnh Hưng Yên, cho rằng giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh nên được lồng ghép vào chương trình học chính khóa. Điều này giúp học sinh cảm thấy hứng thú với học tập, đồng thời, nhận thức rõ ràng, chân thật về những bài học đạo đức. Ngoài ra, việc giảng dạy đạo đức, lối sống nên song hành với thực hành để nâng cao trải nghiệm, tránh rơi vào sáo rỗng.
Năm học 2014-2015, cô giáo đã tổ chức hoạt động ngoại khóa Chương trình địa phương: Thuyết minh về di tích lịch sử - văn hóa Phố Hiến. Học sinh lớp 8 được tham quan, tìm hiểu khu di tích lịch sử tại tỉnh Hưng Yên như Văn miếu Xích Đằng, Đền Trần, Đền Mẫu.
“Chuyến đi là cơ hội để giảng dạy cho học trò về lòng biết ơn, kính trọng với hy sinh của cha ông. Ngoài ra, thúc đẩy các em giữ gìn, tuyên truyền và tự hào trước những di tích lịch sử của địa phương”, cô Thuý Quỳnh bày tỏ.
Từ trải nghiệm thực tế, học sinh cũng nâng cao khả năng thuyết trình, biết cách làm bài văn thuyết minh. Dự án của cô Bùi Thị Thuý Quỳnh đã giành giải Nhất cấp huyện, cấp tỉnh và giải Ba cấp quốc gia, được Bộ giáo dục và đào tạo cấp giấy chứng nhận.
Cùng chung chủ đề “lịch sử địa phương”, Trường Tiểu học Đông Kết, tỉnh Hưng Yên, đã tổ chức dưới hình thức hoạt động ngoại khóa. Cô giáo Đỗ Kim Tuyến, Tổng phụ trách nhà trường, đã giới thiệu các di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu của xã Đông Kết. Sau đó, học sinh đặt câu hỏi liên quan đến các di tích lịch sử văn hoá tiêu biểu của xã để hiểu thêm về giá trị lịch sử của các di tích địa phương.
Thông qua chương trình, học sinh, cán bộ giáo viên, nhân viên nhà trường đã hiểu thêm về truyền thống tốt đẹp của cha ông, xây dựng ý thức tôn trọng và bảo vệ các di tích văn hóa, lịch sử địa phương.
Cô giáo Nguyễn Thị Thảo, Trường Tiểu học Phú Diễn, Hà Nội, chia sẻ trong giảng dạy, giáo viên có thể lồng ghép bài học về lòng biết ơn, sự đồng cảm, chia sẻ... để giáo dục đạo đức, lối sống, rèn luyện kỹ năng cho học sinh. Bên cạnh đó phát động những cuộc thi như Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Hội khoẻ Phù Đổng, Tìm hiểu về An toàn giao thông...
"Vào những ngày lễ như Tết Nguyên đán, Tết Hàn thực, giáo viên có thể hướng dẫn học sinh gói bánh chưng, làm bánh trôi, bánh chay... để tìm hiểu về văn hóa và ý nghĩa của những ngày lễ lớn. Thông qua chương trình, giáo viên có thể lồng ghép giảng dạy kỹ năng hoặc các bài học đạo đức cho học sinh để vừa khơi gợi sự hứng thú vừa cho các em cơ hội trải nghiệm", cô Thảo cho biết thêm.
Tham gia phong trào
Không chỉ lồng ghép các bài học về đạo đức, lối sống trong giảng dạy, nhiều nhà trường đã phát động những phong trào ý nghĩa, thiết thức cho học sinh. Trường Tiểu học Đức Hợp, tỉnh Hưng Yên, đã phát động phong trào “nuôi lợn nhựa” nhằm gây quỹ giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Mô hình này cũng được nhân rộng trong các trường học trên cả nước. Đơn cử, tại Trường THCS Lê Quí Đôn, tỉnh Vĩnh Long, có phong trào “nuôi heo đất” nhằm tuyên truyền vê công tác khuyến học, khuyến tài qua hành động đơn giản, dễ nhớ với học sinh.
Thông qua phong trào, học sinh được rèn luyện về ý thức tiết kiệm, tinh thần đùm bọc, giúp đỡ bạn bè có hoàn cảnh khó khăn. Thầy giáo Nguyễn Minh Chí, Tổng phụ trách nhà trường bày tỏ: “Dù nguồn quỹ không lớn, nhà trường đã hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, phát quà cho các em trong các dịp lễ, Tết Nguyên đán… Hành động nhỏ này góp phần động viên các em phấn đấu trong học tập”.
Trong khi đó, Trường Tiểu học Tân Dân, tỉnh Phú Thọ, đã phát động phong trào quyên góp “Tết yêu thương” cho toàn thể cán bộ, giáo viên và các em học sinh nhà trường. Chương trình là bài học về truyền thống đạo lí “lá lành đùm lá rách” dành đến các em học sinh, giúp các em xây dựng tinh thần tương thân tương ái.
Quyên góp vì học sinh nghèo nhân dịp Tết Nguyên đán là hoạt động thường niên của nhà trường, góp phần phát huy truyền thống đoàn kết, giáo dục lòng nhân ái, tinh thần tương thân tương ái. Nhà trường hy vọng những món quà sẽ làm ấm lòng các em nhỏ gặp hoàn cảnh khó khăn, mang lại cái Tết vui tươi, hạnh phúc cho các em.