3 giá trị nền tảng cho sự phát triển của trường đại học
PGS.TS Nguyễn Văn Đệ - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Tháp – khi nói đến sự phát triển của một trường đại học đã liên tưởng đến câu chuyện từ quyển sách “Quả táo thần kỳ của Kimura”.
Tại thị trấn Iwaki thuộc tỉnh Aomori ở Nhật Bản, câu chuyện của lão nông Kimura về quả táo có thể để hai năm không bị hư, đã khiến cả ngành nông nghiệp nước này kinh ngạc, nhưng đó cũng là câu chuyện về hành trình 20 năm trồng được một cây táo ngọt trọn vẹn không thuốc trừ sâu.
PGS.TS Nguyễn Văn Đệ cho rằng: Quả ngọt đến từ cấy nền đất tạo rễ sâu và chắc chắn, nguyên lý này từ câu chuyện quả táo của Kimura gợi ra nhiều suy ngẫm tới những nhà quản trị khi muốn kiến tạo hệ sinh thái trong tổ chức và trong môi trường một cơ sở giáo dục đại học.
Theo các nhà nghiên cứu về văn hoá tổ chức, hệ sinh thái văn hoá trong một tổ chức nói chung và một cơ sở giáo dục đại học nói riêng, sẽ được hình thành nếu như lãnh đạo tạo ra những điều kiện để “viên chức, người lao động thoải mái, làm việc hiệu quả; đóng góp cho một trật tự chung, đoàn kết và thông cảm lẫn nhau; vai trò của lãnh đạo được hiểu rõ một cách nhất quán; và những quy luật sống chung, công khai có, ngầm hiểu có, đều giúp cho đơn vị phát triển và giữ chỗ đứng cũng như hình ảnh tốt ngoài xã hội”.
“Những điều mà tôi tâm niệm, ví như “thế chân vạc” với 3 giá trị nền tảng làm nên “điểm tựa” cho sự phát triển của một trường đại học, bao gồm: Tính đồng thuận cao; tinh thần cầu thị và tư duy linh hoạt (sự sẵn sàng học hỏi và thay đổi); chú trọng trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm cộng đồng. Trong đó, đáng chú ý nhất là, “tính đồng thuận cao” giữa đồng nghiệp dựa trên nguyên tắc tôn trọng, chia sẻ và hợp tác” – PGS Nguyễn Văn Đệ chia sẻ.
Buổi lễ bàn giao công tác lãnh đạo Trường ĐH Đồng Tháp. |
Cần coi người học như khách hàng
6 kinh nghiệm được PGS Nguyễn Văn Đệ chia sẻ từ thực tiễn làm quản lý trong cơ sở giáo dục đại học trong 35 năm liên tục.
Theo đó, một là, coi người học như là khách hàng và “một phần thương hiệu đào tạo của nhà trường”, chú trọng đào tạo kỹ năng mềm cho người học; đào tạo tiệm cận với nhu cầu xã hội; đẩy mạnh hội nhập và phát triển.
Hai là, xây dựng, ban hành hệ thống các văn bản quy định, các quy trình giải quyết công việc khoa học; đẩy mạnh công tác kế hoạch, chiến lược; tập trung cải tiến công tác quản lý và lề lối làm việc nhằm phát huy tối đa tính chủ động, sáng tạo của các đơn vị chức năng trực thuộc và từng công chức, viên chức và người lao động.
Ba là, thực hiện đầy đủ nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai; chú trọng lắng nghe ý kiến phản hồi, đề xuất từ người học và công chức, viên chức và người lao động để có những điều chỉnh hợp lý; thực hiện tốt tốt việc phân cấp quản lý, ủy nhiệm và có kiểm tra, đúc kết kinh nghiệm.
Bốn là, sự đoàn kết, gắn bó của tập thể công chức, viên chức và người lao động, học viên và sinh viên, sự phối hợp có hiệu quả của các đơn vị là động lực quan trọng trong việc thực hiện thành công nhiệm vụ chung.
Năm là, mạnh dạn và kịp thời có những ý tưởng mới trong chỉ đạo, điều hành nhằm thích ứng tốt với những thay đổi nhanh về các mặt trong bối cảnh mới.
Sáu là, lấy chất lượng làm đầu, không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học, coi trọng công tác hành chính, công tác pháp chế; quản lý chặt chẽ và hiệu quả việc sử dụng tài sản.
“Kiến tạo một mô hình đã khó, duy trì và phát huy hiệu quả lâu dài của mô hình càng khó gấp nhiều lần hơn” – PGS Nguyễn Văn Đệ cho hay.
Sáng 4/9, Trường ĐH Đồng Tháp tổ lễ bàn giao công tác lãnh đạo và trao học bổng cho sinh viên. Theo đó, Tiến sĩ Lương Thanh Tân – Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Đồng Tháp giữ cương vị hiệu trưởng từ ngày 4/9/2019.
Sau 39 năm công tác, làm quản lý, lãnh đạo, NGƯT.PGS,TS Nguyễn Văn Đệ được Bộ GD&ĐT, Đảng ủy, Hội đồng Trường ĐH Đồng Tháp cho phép được nghỉ làm làm công tác quản lý, lãnh đạo để làm công tác chuyên môn: giảng dạy và nghiên cứu khoa học – công nghệ từ tháng 9/2019.
Trong buổi lễ ý nghĩa này, Nhà trường cũng đã trao 19 suất học bổng trị giá 50 triệu đồng cho các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vượt khó học tốt.