Cũng trong năm học, Luật GD (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GD đại học được Quốc hội thông qua, tạo hành lang pháp lý quan trọng để ngành GD thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện theo tinh thần Nghị quyết 29/NQ-TW của Đảng.
Năm “giảm áp lực cho giáo viên”
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết: Xác định đội ngũ giáo viên (GV) là nhân tố quan trọng quyết định chất lượng, góp phần tạo nên thành công cho đổi mới GD, những năm qua, ngành GD đã triển khai nhiều giải pháp để phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ.
Năm học 2018 - 2019, lần đầu tiên một cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh về đội ngũ GV được xây dựng và công bố, cung cấp thông tin về đội ngũ đầy đủ, chính xác và kịp thời. Đến nay, cơ sở dữ liệu này đã thu thập được gần 1,5 triệu hồ sơ chi tiết của GV mầm non, phổ thông. Đây là cơ sở cho cơ quan quản lý ra các quyết định tuyển dụng, sử dụng hiệu quả hơn, khắc phục tối đa những bất cập như thừa thiếu GV cục bộ ở các địa phương, chất lượng đào tạo, bồi dưỡng và chính sách cho nhà giáo.
Bộ GD&ĐT cũng đã xây dựng và ban hành các chuẩn nghề nghiệp GV, chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông theo hướng nâng cao hơn các tiêu chuẩn, tiêu chí, phù hợp với thực tiễn, làm cơ sở để đánh giá và nâng cao chất lượng đội ngũ.
Năm học 2018 - 2019 được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ chọn là năm “giảm áp lực cho GV”. Thực hiện chỉ đạo này, ngay từ đầu năm học, nhiều giải pháp nhằm giảm áp lực cho GV đã được thực hiện. Nhiều cơ sở GD quyết liệt chấn chỉnh tình trạng lạm dụng hồ sơ trong nhà trường, giúp GV giảm tải hồ sơ sổ sách, tập trung vào chuyên môn giảng dạy. Việc đổi mới hình thức thi đua khen thưởng theo hướng thiết thực, giảm áp lực cũng được các địa phương chú trọng thực hiện.
Năm học 2018 - 2019, nhiều câu chuyện cảm động, giản dị về sự hy sinh cống hiến, dám mạnh dạn thay đổi bản thân để hiểu hơn học trò của GV đã truyền cảm hứng cho toàn xã hội. Nhưng cũng còn những hành vi thiếu chuẩn mực của GV khiến xã hội đau lòng, và cũng còn những giọt nước mắt của GV lo lắng cho tương lai nghề nghiệp. Thừa thiếu GV trở thành vấn đề cần được giải quyết “thấu tình đạt lý” ở nhiều địa phương. Nhiều giải pháp đang được làm để tháo gỡ khó khăn này, bởi chỉ khi GV yên tâm công tác, có động lực cống hiến, khi đó mới có thể nói đến nâng cao chất lượng GD.
Xác định nâng cao chất lượng đội ngũ GV là nhiệm vụ xuyên suốt, bước sang năm học mới, theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, ngành GD tiếp tục rà soát, sắp xếp lại đội ngũ; thực hiện bồi dưỡng GV, cán bộ quản lý GD trên toàn quốc triển khai Chương trình GD phổ thông (GDPT) mới; thực hiện tốt các chính sách về phát triển đội ngũ.
Đổi mới chương trình GDPT, xây dựng môi trường GD an toàn, hạnh phúc
Giảm áp lực cho giáo viên được thực hiện theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT. Ảnh: Thế Đại |
Năm học 2018 - 2019, Chương trình GDPT mới chính thức ban hành. Chương trình được xây dựng theo hướng chú trọng nâng cao năng lực, phẩm chất người học; được thiết kế theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực, tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn, giúp HS đáp ứng được yêu cầu về nghề nghiệp trong tương lai.
Năm học 2020 - 2021, chương trình mới sẽ bắt đầu thực hiện từ lớp 1, song Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết, những bước chuẩn bị về đội ngũ GV, cơ sở vật chất đã được ngành GD chủ động triển khai trong nhiều năm qua. Phương án biên soạn, thẩm định SGK mới cũng cơ bản hoàn thành. Với bước đi thận trọng, có tính toán tới điều kiện thực hiện, Chương trình GDPT mới sẽ được triển khai bảo đảm chất lượng, hiệu quả, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện nền GD nước nhà.
Cũng theo Thứ trưởng, năm học 2018 - 2019, GDPT tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng GD đại trà và GD mũi nhọn, tiếp tục đổi mới phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá. Nối tiếp kết quả đánh giá PISA, ấn tượng cách đây 4 năm, năm 2019 Việt Nam tham gia vào đợt đánh giá PISA mới, dự kiến kết quả sẽ được công bố vào cuối năm nay. Cũng trong năm học, Việt Nam tiếp tục ghi dấu ấn tại các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực khi lần đầu tiên 100% HS dự thi mang về huy chương. Năm nay, cũng lần đầu tiên, HS Việt Nam đạt điểm tuyệt đối 40/40 điểm trong phần thi thực hành môn Hóa học.
Đây còn là năm học mà công tác phân luồng, hướng nghiệp cho HS phổ thông được chú trọng; chất lượng GD dân tộc có nhiều chuyển biến tích cực; GD thường xuyên có nhiều khởi sắc...
Nhưng năm học qua cũng là năm buồn với GDPT với sai phạm trong kỳ thi THPTQG năm 2018 tại một số địa phương. Với quyết tâm cao nhất lấy lại niềm tin của xã hội, ngành GD đã cùng các địa phương tổ chức thành công Kỳ thi THPTQG năm 2019 đảm bảo an toàn, nghiêm túc, khách quan, công bằng theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Năm học 2018 - 2019, dù còn không ít câu chuyện bạo lực học đường làm xã hội lo lắng, nhưng đây cũng là năm ngành GD có nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh GD đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, GD thể chất cho HS, sinh viên và bảo đảm an toàn trường học. Hàng loạt văn bản nhằm siết chặt quản lý bảo đảm an toàn trường học được ban hành. Lần đầu tiên, hội nghị trực tuyến với hơn 700 điểm cầu về phòng chống bạo lực học đường được tổ chức, thể hiện quyết tâm của toàn ngành đẩy lùi bạo lực ra khỏi trường học. Nhưng để giải quyết vấn đề này, ngành GD không thể “độc hành” mà phải có sự đồng hành chung tay, vào cuộc của mỗi gia đình và toàn xã hội.
“Nếu đổi mới chương trình, SGK GDPT để hướng tới một nền GD chất lượng, tiên tiến, phát triển là đích đến thì nền tảng để đi tới đích phải là một môi trường GD an toàn, thân thiện và hạnh phúc. Đây là nhiệm vụ song hành mà ngành GD sẽ quan tâm thực hiện không chỉ trong năm học tới mà còn trong nhiều năm tiếp theo” – Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chia sẻ.
Dấu ấn ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục
Giáo dục phổ thông được các địa phương đầu tư mạnh mẽ nhằm đáp ứng việc thực hiện chương trình mới. Ảnh: Thế Quang |
Chia sẻ của Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, cùng với ngoại ngữ, công nghệ thông tin (CNTT) là hai công cụ nền tảng, cốt lõi của nền GD phát triển và hội nhập. Thấy rõ được tầm quan trọng này, chương trình GDPT mới đã đưa môn Tin học trở thành môn học chính và bắt buộc từ lớp 3.
Năm học 2018 - 2019, ngành GD đẩy mạnh triển khai ứng dụng CNTT hỗ trợ các hoạt động dạy và học. Toàn ngành xây dựng được hệ thống kho học liệu điện tử với 5.000 bài giảng e-learning có chất lượng (đóng góp vào Hệ tri thức Việt số hóa); trên 900 đề án tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ; trên 7.500 luận văn tiến sĩ; gần 30.000 câu hỏi trắc nghiệm và dữ liệu trường học kết nối để chia sẻ dữ liệu dùng chung trong toàn ngành.
Bộ GD&ĐT là đơn vị đi tiên phong hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu toàn quốc về GD. Lần đầu tiên xây dựng được cơ sở dữ liệu đầy đủ thông tin của gần 53.000 trường học, 1,5 triệu GV, cán bộ quản lý GD và 23 triệu hồ sơ HS. Đây là kho dữ liệu hữu ích phục vụ công tác quy hoạch, xây dựng kế hoạch và thực thi các chính sách quản lý ngành có hiệu quả.
Cũng từ nền tảng CNTT, công tác chỉ đạo điều hành, cải cách hành chính tại Bộ GD&ĐT được cải thiện đáng kể. Chỉ số về hiện đại hóa hành chính năm 2018 của Bộ đứng thứ 2 trên tổng số 18 bộ, cơ quan ngang Bộ; 100% các văn bản đi/đến được luân chuyển qua hệ thống e-office của các đơn vị thuộc Bộ, 63 sở GD&ĐT và hơn 300 trường ĐH, CĐ trên cả nước...
Bên cạnh kết quả đạt được, Thứ trưởng cũng thẳng thắn nhận định: Việc ứng dụng CNTT của ngành GD vẫn còn những hạn chế, khó khăn. Hạ tầng CNTT toàn ngành còn thiếu đồng bộ; sự kết nối liên thông dữ liệu giữa hệ thống quản lý thông tin ở cơ sở GD, sở GD&ĐT với Bộ GD&ĐT chưa đầy đủ, một bộ phận cán bộ, GV ngại đổi mới, chưa sử dụng thành thạo các ứng dụng CNTT cơ bản.
Để nâng cao hiệu quả ứng dụng CNTT trong chỉ đạo, điều hành và các hoạt động dạy - học, Bộ GD&ĐT đang hoàn thiện kiến trúc tổng thể ứng dụng CNTT trong ngành với 6 cấu phần: Ứng dụng CNTT trong quản lý điều hành nội bộ của Bộ; ứng dụng trong quản lý ngành; ứng dụng trong hỗ trợ đổi mới nội dung, phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá; hạ tầng, thiết bị và an toàn thông tin; nguồn nhân lực sử dụng CNTT và chính sách ứng dụng CNTT. Đây là cơ sở quan trọng để triển khai hiệu quả nhiệm vụ, giải pháp về Chính phủ điện tử trong thời gian tới.
Bộ GD&ĐT cũng tiếp tục chỉ đạo toàn ngành triển khai thực hiện hiệu quả Đề án của Chính phủ về tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy - học, nghiên cứu khoa học, góp phần nâng cao chất lượng GD-ĐT.
Bước tiến dài thực hiện tự chủ đại học
Có thể nói, năm học 2018 - 2019, GDĐH đã có một bước tiến dài trong tiến trình thực hiện tự chủ với việc Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH, có hiệu lực từ ngày 1/7/2019. Các nút thắt về tổ chức, nhân sự, tài chính, học thuật cơ bản đã được tháo gỡ, tạo điều kiện cho các trường ĐH nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, hội nhập quốc tế.
Nhận định điều này, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết: Bộ GD&ĐT đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định về tự chủ ĐH và Nghị quyết về thí điểm mở rộng quyền tự chủ của 3 trường là: Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân và Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh, tiến tới không còn cơ quan chủ quản đối với 3 trường này. Trình Chính phủ Nghị định Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật GD ĐH, trong đó quy định rõ trách nhiệm của Hội đồng trường.
Song hành với mở rộng tự chủ, công tác kiểm định chất lượng GDĐH cũng được đẩy mạnh. Tính đến nay, đã có 121 cơ sở GDĐH được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng bởi các tổ chức kiểm định trong nước và 6 cơ sở GDĐH được công nhận theo tiêu chuẩn đánh giá của Hội đồng Cấp cao về đánh giá nghiên cứu và GD ĐH Pháp và Mạng lưới đảm bảo chất lượng các trường ĐH ASEAN. Liên tiếp 2 năm 2018, 2019, Việt Nam có 2 ĐH được vào top 1.000 ĐH hàng đầu thế giới; 7 ĐH được vào top các ĐH hàng đầu châu Á.