Tự chủ đại học: Nêu cao trách nhiệm với xã hội trong đào tạo

GD&TĐ - PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ – Giám đốc ĐH Đà Nẵng cho rằng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đã thể hiện rõ chủ trương đổi mới GD-ĐT, trong đó xác định tự chủ và trách nhiệm xã hội là hai mặt thống nhất để bảo đảm hiệu quả của nhà trường cũng như hiệu lực quản lý của Nhà nước. 

Nhiều công trình nghiên cứu khoa học tại các trường ĐH đã và đang thiết thực phục vụ cộng đồng. Ảnh: Q.Trung
Nhiều công trình nghiên cứu khoa học tại các trường ĐH đã và đang thiết thực phục vụ cộng đồng. Ảnh: Q.Trung

Theo đó, trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục đại học (CSGDĐH) không chỉ dừng lại ở giải trình mà còn phải ngày càng gắn kết và phục vụ hiệu quả vì lợi ích cộng đồng.

Thay đổi chính sách

Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, cùng với quá trình triển khai tự chủ đại học, trách nhiệm xã hội của các CSGDĐH được nhắc đến nhiều hơn bên cạnh các hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học (NCKH). “Các trường ĐH trên thế giới có xu hướng phát triển trở thành những ĐH đổi mới sáng tạo (innovative university). Các CSGDĐH Việt Nam muốn phát triển và hội nhập quốc tế thành công thì càng phải nâng cao trách nhiệm xã hội về mọi mặt và không đứng ngoài xu thế đó.

Ngoài trách nhiệm giải trình với xã hội thì trách nhiệm cộng đồng của các trường ĐH là vô cùng quan trọng vì ở đây tập hợp một đội ngũ SV năng động, sáng tạo, trẻ trung và một đội ngũ các nhà khoa học có chuyên môn sâu có thể tham gia đóng góp nòng cốt trong các dự án phục vụ cộng đồng bằng tri thức chuyên môn, khoa học công nghệ của mình” – Giám đốc ĐH Đà Nẵng phân tích.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ – Giám đốc ĐH Đà Nẵng

Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ cũng cần thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn đối với các trường ĐH Việt Nam khi thực hiện trách nhiệm xã hội sự thách thức về các nguồn lực đầu tư cho các trường còn hạn hẹp, phải cạnh tranh “sòng phẳng” với các trường ĐH có tiềm lực và sự đầu tư lớn hơn nhiều trong khu vực và quốc tế. Quá trình đổi mới GD-ĐT nói chung, giáo dục ĐH nói riêng đặt ra nhiều vấn đề mới từ cơ chế chính sách, mô hình quản trị, hành lang pháp lý cho việc tự chủ ĐH gắn với trách nhiệm xã hội và nhất là thiếu nguồn lực đầu tư mạnh mẽ hơn cho các trường mới có thể đứng vững, phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.

Bên cạnh đó, các chính sách quản lý giáo dục chưa có nhiều yếu tố thúc đẩy, khuyến khích tạo động lực để các trường ĐH chú trọng thể hiện trách nhiệm xã hội, phục vụ cộng đồng. Chính vì vậy, Thông tư 12/2017/TT –BGDĐT cũng như Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục của mạng lưới các trường ĐH khu vực Đông Nam Á (AUN-QA) đều có tiêu chí đánh giá sứ mệnh, nhiệm vụ phục vụ cộng đồng của các CSGDĐH như là một sự thúc đẩy để các trường ĐH làm tốt vai trò của mình. Để chính sách đi vào thực tiễn, PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ cho rằng cần có thời gian, lộ trình và cách làm phù hợp với điều kiện thực tế của các trường.

Một khi Bộ GD&ĐT đã quy định về đánh giá chất lượng CSGDĐH đề cập đến trách nhiệm xã hội thì các CSGDĐH buộc phải thay đổi yêu cầu và xây dựng chính sách đối với giảng viên và SV.

“Thời gian qua, ĐH Đà Nẵng rất chú trọng hướng các hoạt động của Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên, Ban Công tác SV vào việc khuyến khích SV tham gia các hoạt động xã hội. ĐH Đà Nẵng đang chỉ đạo Đoàn Thanh niên xây dựng chính sách, trong đó xem sinh hoạt cộng đồng và công tác xã hội như chiến dịch Mùa hè xanh, hiến máu nhân đạo, các đội nhóm công tác xã hội… là một trong những tiêu chuẩn để xét tốt nghiệp, xét học bổng cho SV với mục tiêu là tăng cường kỹ năng mềm cũng như trách nhiệm cộng đồng, trách nhiệm xã hội cho SV.

Cùng với đó, ĐH Đà Nẵng thực hiện mạnh mẽ việc đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy gắn với thực tiễn; tăng cường các nghiên cứu ứng dụng để góp phần giải quyết các vấn đề thực tiễn của xã hội, cộng đồng, doanh nghiệp đặt ra như môi trường, phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch…” – PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ dẫn chứng.

Sáng tạo khởi nghiệp phục vụ cộng đồng

Một phòng học của chương trình Dạy học theo dự án tại Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng. Ảnh: TG
Một phòng học của chương trình Dạy học theo dự án tại Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng. Ảnh: TG 

PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ nhấn mạnh rằng, ngoài việc tổ chức cho SV tham gia các hoạt động tình nguyện, các đội nhóm công tác xã hội thì việc các trường ĐH triển khai nhiều phương pháp dạy học thông qua hoạt động thực tiễn, phục vụ cộng đồng là một cách tích hợp giáo dục trách nhiệm xã hội cho SV.

“Chúng ta thường nhắc đến khái niệm “ĐH thông minh” (smart campus) trong cách mạng công nghiệp 4.0, tuy nhiên, một trường ĐH “thông minh” không chỉ dừng lại ở CSVC, hạ tầng, dịch vụ hiện đại mà con phải là một trường ĐH đổi mới sáng tạo, có môi trường thuận lợi, tạo được cảm hứng để sinh viên tự do tích lũy, làm giàu tri thức, rèn luyện, trau dồi kỹ năng, phẩm chất nghề nghiệp. Điều đó chỉ có được khi các trường ĐH ngày càng chủ động “mở cửa”, gắn kết giảng viên, SV với thực tiễn sinh động của cuộc sống” – Giám đốc ĐH Đà Nẵng nhận định.

Như với chương trình Learning Express mà ĐH Đà Nẵng hợp tác với ĐH Polytechnic – Singapore đã giúp SV được huấn luyện tư duy thiết kế và nhiều kỹ năng từ các dự án cộng đồng. Thông qua hoạt động trải nghiệm tại nhà dân, SV tự nghiên cứu, tìm hiểu nhu cầu địa phương và cộng đồng, trực tiếp phỏng vấn, phân tích dữ liệu và khảo sát thực tế, qua đó phát hiện những khó khăn mà người dân hay một quy trình sản xuất tại địa phương, doanh nghiệp đang gặp phải để đề xuất, lựa chọn, đưa ra giải pháp cải tiến. Rất nhiều dự án, mô hình, sản phẩm của SV ra đời và đã được triển khai hiệu quả tại địa phương từ chương trình Learning Express.

Hay dự án tổ chức các lớp học nhằm lan tỏa tinh thần khởi nghiệp cho HS các trường THPT trên địa bàn TP Đà Nẵng của Đoàn Trường ĐH Kinh tế. Từ năm học 2018 – 2019, Trường ĐH Bách khoa lần đầu tiên áp dụng cho toàn bộ các chương trình tiên tiến, chương trình chất lượng cao phương pháp Dạy học qua dự án nhằm giúp SV vận dụng được các tri thức, kỹ năng liên môn, liên ngành hướng đến giải quyết những dự án thực tế mà cộng đồng quan tâm, qua đó rút ngắn khoảng cách giữa đào tạo và tuyển dụng.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ cho rằng, từ giảng đường ra thực tiễn, từ cảm hứng đến sáng tạo, từ sáng tạo khởi nghiệp phục vụ cộng đồng là hành trình mà ĐH Đà Nẵng hướng đến để đem lại nhiều giá trị giáo dục hiệu quả cho SV. Trách nhiệm xã hội của nhà trường và SV qua đó thể hiện một cách thực chất, ngày càng rõ nét và chuyên nghiệp.

Xây dựng cơ sở dữ liệu

Giám đốc ĐH Đà Nẵng thừa nhận một thực tế rằng, gần như các cán bộ khoa học, giảng viên của các CSGDĐH ít tham gia vào việc đóng góp ý kiến, phản biện trước những vấn đề nóng của xã hội. “Ngoài nguyên nhân một phần chủ quan do áp lực về chuyên môn, công việc, kể cả thu nhập và cuộc sống mà mỗi giảng viên, cán bộ khoa học trong nhà trường luôn phải đối mặt, thì có thể nhìn nhận khách quan là hiện nay chưa có nhiều cơ chế, chính sách, môi trường và cách thức phù hợp để huy động hiệu quả nguồn lực trí tuệ của các trường ĐH phát huy vai trò “hiến kế” và phản biện khoa học, phản biện xã hội” – PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ phân tích. “Các giảng viên, cán bộ khoa học muốn phản biện một vấn đề nào đó cần phải được tiếp cận thông tin một cách đầy đủ nhưng không phải giảng viên nào cũng có sự gắn kết với các sở, ban, ngành của địa phương.

Chính vì vậy, ĐH Đà Nẵng đã phối hợp với UBND TP Đà Nẵng triển khai chương trình hợp tác để xây dựng chương trình phản biện đối với các chủ trương, chính sách phát triển của TP. Để việc hợp tác này có hiệu quả, ĐH Đà Nẵng đang xây dựng cơ sở dữ liệu về các nhà khoa học theo chuyên ngành nhằm tạo kênh liên lạc giữa chính quyền địa phương với các thầy cô nhằm cung cấp những vấn đề của địa phương, doanh nghiệp quan tâm. Tuy nhiên, chính quyền các địa phương cần có sự trân trọng thật sự đối với những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học thì mới có thể “lôi kéo” được họ tham gia phản biện” – ông Vũ thẳng thắn.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ cho rằng, suy cho cùng thì mục tiêu của trường ĐH là đào tạo, nghiên cứu khoa học tạo ra nhiều giá trị đóng góp để phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ cộng đồng. Chính vì vậy, ngoài NCKH công bố quốc tế để nâng cao vị thế xếp hạng, các trường ĐH cần đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng để góp phần giải quyết vấn đề thực tiễn. Một kênh khác nữa là tạo điều kiện, cơ chế cho SV tham gia NCKH, thực tế cho thấy, hầu hết các đề tài, sản phẩm NCKH của SV đều xuất phát từ thực tiễn cuộc sống, thậm chí được các doanh nghiệp đặt hàng.

“Hiện nay, nhiều CSGDĐH đã triển khai ký kết hợp tác với các địa phương trong NCKH có địa chỉ để chuyển giao, ứng dụng các đề tài nghiên cứu. Quan điểm là phải dịch chuyển từ chỗ nghiên cứu những gì mình có sang nghiên cứu theo đơn đặt hàng. ĐH Đà Nẵng hiện đã ký kết hợp tác với một số địa phương như Kon Tum, Quảng Ngãi, Đà Nẵng và sắp tới đây là Quảng Nam. ĐH Đà Nẵng sẽ đóng vai trò là một cầu nối cung cấp thông tin đầy đủ về nhu cầu của địa phương đến các giảng viên, cán bộ khoa học. Ban Khoa học và Ban Công tác SV đang triển khai xây dựng trang thông tin cơ sở dữ liệu về yêu cầu của các địa phương, các doanh nghiệp về nhu cầu nghiên cứu để giảng viên, SV có thể lựa chọn xây dựng đề tài nghiên cứu, địa phương, doanh nghiệp sẽ là hội đồng xét duyệt đề tài có phù hợp hay không” PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ nêu ví dụ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ