Giáo dục công dân có phải môn thi cứu cánh?

Điều này có thực tế hay không, một số giáo viên khẳng định môn học này có tầm quan trọng đặc biệt hiện nay.

Cô Phan Vũ Diễn Hằng - Giáo viên Trường Trung học Phổ thông Việt Đức (Hà Nội).
Cô Phan Vũ Diễn Hằng - Giáo viên Trường Trung học Phổ thông Việt Đức (Hà Nội).

Một số ý kiến cho rằng, việc có môn Giáo dục công dân trong Kì thi trung học phổ thông Quốc gia được xem là môn thi cứu cánh của học trò, khiến lượng học sinh đăng ký tăng lên.

Điều này có thực tế hay không, một số giáo viên khẳng định môn học này có tầm quan trọng đặc biệt hiện nay. 

Năm 2017, các thí sinh sẽ phải dự thi 3 môn bắt buộc (Ngoại ngữ, Văn, Toán) và 1 môn trong 2 môn tự chọn là khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) và khoa học xã hội (Giáo dục công dân, Sử , Địa) để xét tốt nghiệp.  

Trong đó, Giáo dục công dân được xem là môn mới, nhiều ý kiến cho rằng môn thi này sẽ tăng cường bồi dưỡng đạo đức, nhân cách cho học sinh, đồng thời làm giảm bạo lực học đường. 

Nhìn nhận về ý kiến này, cô giáo Phan Vũ Diễn Hằng cho biết: Ở góc độ môn học thì đây không phải là môn mới, vì bình thường khi chưa đưa vào môn thi Quốc gia thì Giáo dục công dân vẫn là môn bồi dưỡng đạo đức nhân cách cho học sinh, đồng thời định hướng nhận thức công dân. 

Tuy nhiên, học sinh, phụ huynh và xã hội chưa thực sự quan tâm đúng mức đối với môn học cho nên còn tình trạng đối phó hay môn học chưa thực sự hấp dẫn học sinh, nhất là học sinh lớp 12. 

Khi Giáo dục công dân trở thành môn thi trung học phổ thông quốc gia thì thực sự những giá trị thực tiễn của nó sẽ được kiểm nghiệm và trả về đúng vị trí, vai trò của môn.

Về góc độ thể thức thi, cô giáo Hằng cho rằng trước đây, đa phần giáo viên để thuận tiện cho việc giảng dạy, chấm trả bài vẫn chủ yếu ra đề tự luận, hoặc có một số câu trắc nghiệm nhưng cũng chỉ mang tính cá nhân mà chưa có hệ thống chuẩn, các đề thi chưa sâu sát và chưa đánh giá, phân loại học sinh.

Vậy nên, khi Bộ đưa môn Giáo dục công dân trở thành môn thi Quốc gia thì phụ huynh, học sinh và xã hội có cái nhìn đúng đắn hơn đối với môn học, cũng như tầm quan trọng của nó.

Vừa qua, Hà Nội đã tiến hành khảo sát đối với học sinh lớp 12, trong đó có môn Giáo dục công dân. 

Theo quan sát và đánh giá của cô Phan Vũ Diễn Hằng thì hầu hết các em phấn khởi với đề môn Giáo dục công dân và cho rằng vừa sức, kiểm tra được nhiều kiến thức thực tiễn của các em với lượng kiến thức được trang bị. Các em tin rằng mình làm tốt ở phần này.

Một số học sinh cho rằng đề giáo dục công dân hay, thực tiễn và rất chân thực, nhưng có một số câu các em cho rằng: thật thì có thật nhưng nó mang tính phủ định. 

Điều đó chứng tỏ, học sinh không chỉ quan tâm đến việc có điểm số cao hay thấp, mà chứng tỏ là các em rất quan tâm đến chất lượng câu hỏi và tính giáo dục trong đề thi. 

“Cá nhân tôi thì rất hào hứng với đổi mới của Bộ, việc môn Giáo dục công dân được đưa vào môn thi Quốc gia đã tạo điều kiện cho môn học của chúng tôi chứng tỏ tính cần thiết và vai trò của môn học trong chương trình Trung học phổ thông. 

Sau nhiều năm chưa chủ động, tôi tin là đội ngũ giáo viên môn giáo dục công dân đang rất hứng khởi và tự tin giảng dạy cũng như góp phần trong việc nâng cao nhân cách đạo đức của thế hệ trẻ Việt Nam” - Cô Hằng bày tỏ.

Thực tế, môn Giáo dục công dân sẽ giúp học sinh dễ tiếp thu, hình thành nhân cách. Nhưng khi chuyển môn học này thành một môn trong kỳ thi thì liệu việc ôn tập ít nhiều gặp khó khăn? 

Cô Phan Vũ Diễn Hằng nhận định, việc học của học sinh đối với môn học trước và sau khi đưa môn học trở thành môn thi Quốc gia sẽ không có nhiều thay đổi. 

Trước đây giáo viên dạy học sinh như thế nào thì bây giờ vẫn sẽ bám sát chương trình sách giáo khoa. 

Có thay đổi nhỏ là việc thời gian đầu khi công bố môn học này là môn thi có không ít giáo viên băn khoăn vì không biết nội dung thi như thế nào, câu hỏi và ôn tập ra sao?

Tuy nhiên, khi Bộ công bố đề minh họa và các đề thử nghiệm thì đa phần giáo viên đã thoát ra khỏi những băn khoăn ban đầu. 

Với các thầy cô ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn về điều kiện tiếp cận thông tin thời gian đầu sẽ có nhiều lúng túng, thiếu chủ động. 

Ít nhiều việc ôn tập của học sinh trong thời gian đầu cũng có nhiều khó khăn, học sinh nhớ nhớ quên quên và nhầm lẫn những từ ngữ mà lẽ ra trong thực tiễn và qua các phương tiện truyền thông các em đều được nghe đến. 

Tuy nhiên, sau khi có các đề minh họa, thử nghiệm của Bộ thì giáo viên và học sinh đã nắm bắt kịp thể thức thi trắc nghiệm theo đúng chuẩn các mức độ nên hiện tại bản thân thôi cho rằng không có khó khăn gì. 

Cùng suy nghĩ, thầy giáo Nguyễn Văn Nghĩa - Giáo viên trường Trung học phổ thông Hùng An (huyện Bắc Quang, Hà Giang) thì Giáo dục công dân trở thành môn thi bắt buộc trong kì thi Quốc gia là phù hợp. 

Vì hiện nay sự đi xuống của nền đạo đức xã hội đã ảnh hưởng không nhỏ đến nhân cách của học sinh.  Bên cạnh đó, những hành vi vi phạm pháp luật trong nhiều năm gần đây, tỷ lệ người phạm tội là thanh niên - học sinh ngày một gia tăng. 

Do đó, để hình thành con người mới đáp ứng yêu cầu của xã hội cần chú trọng đến việc giáo dục công dân - giáo dục con người. Việc đâu đó có suy nghĩa giáo dục công dân là môn học cứu cánh cho học sinh trong kỳ thi Quốc gia theo thầy Nghĩa là hoàn toàn sai lầm.

Bởi, thứ nhất, lâu nay môn học Giáo dục công dân ở các trường phổ thông được coi là môn phụ nên cán bộ quản lý, học sinh chưa coi trọng đến việc dạy và học bộ môn. 

Đồng thời môn Giáo dục công dân có nhiệm vụ “gánh vác” chỉ tiêu cho các môn học khác. Do vậy, giáo viên bộ môn thường “tạo điều kiện” để các em đạt được kết quả cao trong học tập.

Thứ hai, một số trường thiếu giáo viên giảng dạy Giáo dục công dân cho nên bố trí giáo viên của các môn khoa học xã hội (Văn, Sử, Địa…) giảng dạy.  Vì không được đào tạo bài bản, chính quy nên việc giảng dạy cũng chiếu lệ, đánh giá qua loa. 

Môn Giáo dục công dân đã được học sinh nhìn nhận lại, tại trường Trung học phổ thông Hùng An có 7/8 lớp đăng ký dự thi môn học này. 

Học và ôn tập như thế nào để đạt điểm cao?

Theo thầy Nguyễn Văn Nghĩa, thời gian qua nhà trường đã xây dựng kế hoạch ôn thi tốt nghiệp. Họp cha mẹ học sinh, lấy ý kiến của học sinh về việc đăng ký và lựa chọn môn thi trong kỳ thi Quốc gia. 

Cho đến thời điểm hiện tại trường vẫn tiếp tục ôn tập và dự kiến sẽ tổ chức kỳ thi thử sau khi kết thúc năm học để có những đánh giá khách quan về chất lượng dạy và học.

Trong quá trình ôn tập, giáo viên bộ môn tổ chức kiểm tra, đánh giá để nắm bắt tính hình dạy học. Trên cơ sở đó có sự điều chỉnh về phương pháp giảng dạy cho hợp lý.

Về nội dung ôn tập, học sinh cần sát chương trình, sách giáo khoa của bộ môn. Chủ động học tập qua các kênh như: mạng Internet, sách, tào liệu… Cập nhật kiến thức pháp luật liên quan đến các bài học của chương trình.

Về phương pháp, học sinh kết hợp cả học tự luận và trắc nghiệm để khắc sâu kiến thức. Tự học và ôn luyện các đề thi mẫu của Bộ Giáo dục và Đào tạo. 

Thường xuyên cập nhật thông tin liên quan đến kỳ thi Quốc gia và những thông tin liên quan đến bộ môn Giáo dục công dân. Trao đổi với bạn bè, thầy cô về những nội dung mới, khó.

Cô giáo Phan Vũ Diễn Hằng cũng “mách” học sinh cách ôn tập và học môn học này để đạt điểm cao trong kỳ thi tới có nhiều cách đơn giản mà không cần gây áp lực. 

Bám sát sách giáo khoa, theo như mẫu đề minh họa về các đề thử nghiệm thì các câu hỏi ko nằm ngoài chuẩn kiến thức kỹ năng. Cho nên, nắm được trọng tâm kiến thức là có thể đạt điểm 7,8 dễ dàng.

Quan tâm đến đời sống chính trị và xã hội, những hiểu biết đó sẽ giúp ích các em rất nhiều trong các câu hỏi liên hệ thực tiễn (đồng thời hình thành cho các em thói quen quan tâm đến những vấn đề mà trước đây các em ít đọc, ít xem)

Gặp những vấn đề khó hiểu hãy tìm gặp các thầy cô của mình để được giải thích cặn kẽ và kịp thời nhất - hãy tin tưởng thầy cô mình. 

Lưu ý, không cần học thuộc, không cần học thêm vẫn có thể đạt được điểm từ khá trở lên.

Theo GDVN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ