Giáo dục con trong thế giới đang thay đổi

GD&TĐ - Nắm bắt được những trăn trở của các bậc phụ huynh trong cách nuôi dạy con, nhà tâm lý học, TS Lê Nguyên Phương - người đầu tiên nhận giải Chuyên gia Thực hành Tâm lý Học đường Quốc tế  của tổ chức ISPA đã có cuộc trò chuyện với các phụ huynh đầy ý nghĩa.

Giáo dục con trong thế giới đang thay đổi

Đừng biến con thành phương tiện

TS Lê Nguyên Phương chia sẻ: “Nếu được hỏi về một đề nghị khởi đầu cho hành trình tìm kiếm lối dạy con của các phụ huynh, câu trả lời của tôi sẽ là hãy tự chuyển hóa mình để giáo dục con. Hãy hóa giải những khổ đau trong tâm hồn mình, tăng trưởng trí tuệ trong trí não mình và chú tâm hơn trong sinh hoạt hàng ngày của mình. Đừng biến con thành phương tiện”.

Cho dù các nghiên cứu có phát hiện trẻ bây giờ có khả năng phát triển trí tuệ và học tập tốt hơn hay nhanh hơn chúng ta đã từng nghĩ, đó cũng không phải là lý do con em chúng ta là phương tiện để chúng phải hy sinh làm vật thí nghiệm và lối giải tỏa cho tham vọng, sợ hãi, mặc cảm của chúng ta. Chúng ta có thể mong con không phải khổ cực trong mưu sinh như chúng ta, nhưng không nên biến chúng thành những đền bù cho những gì chúng ta chưa làm được. Hãy ngưng suy nghĩ: “Thời xưa ba thèm là bác sĩ nên nay con phải đi học bác sĩ”, “Mẹ sợ nghèo đói nên con đừng bao giờ trở thành nghệ sĩ”, hay “Ba là nông dân cho nên con phải là luật sư để gia đình nở mày nở mặt”.

Theo TS Lê Nguyên Phương, quả là bất hạnh cho những đứa trẻ bị kéo căng hay gọt cụt trên chiếc giường Procrustes, trò chơi tàn bạo của tên cướp trong thần thoại Hy Lạp, để thực hiện những giấc mộng không thành của cha mẹ. Con cái của chúng ta không phải là cái nhà bên bờ hồ, chiếc xe bóng loáng mới nhập về, chiếc nhẫn kim cương, hay chuyến đi qua 6 nước châu Âu mà chúng ta thường khoe khoang trong các buổi giỗ tiệc, họp mặt gia đình hay bè bạn. Con cái không phải là Thượng Đế để chúng ta tôn thờ phục vụ, nhưng cũng không là tạo vật để chúng ta mặc tình chơi trò bóp nặn. Có một cái mà chúng ta có thể đã và đang thiếu, thì hãy giúp chúng có. Đó không phải là quyền lực, tiền bạc và danh vọng. Đó cũng không phải là bằng cấp, địa vị, hay tài sản. Đó là sự bình an trong tâm hồn, một tinh thần sáng suốt, trầm tĩnh và trong lành.

Hãy dạy con biết điều hòa cảm xúc

TS Lê Nguyên Phương cho biết, trong cuộc sống hàng ngày, nếu không khéo, ba mẹ cũng có thể thường “bạo hành” con cái bằng ngôn ngữ. Nếu không biết điều tiết những cảm xúc của chính mình, dễ bị cuốn đi bởi những cơn đau khổ, hoảng sợ và vì sợ hãi nên đã gieo rắc sự sợ hãi cho người khác, mà cụ thể nhất là con của mình.

Và đây là một điều rất nguy hiểm vì “tất cả những sự thay đổi về não bộ và cảm xúc của trẻ sẽ đến lúc ảnh hưởng tới tính cách và hành vi của trẻ khi trưởng thành. Mỗi chuyện xảy ra trong đời, nhẹ như sơ suất, nặng như thất bại, cũng đều làm trẻ càng thêm khinh bỉ những khiếm khuyết có thật hay tưởng tượng của chính mình một cách đau đớn”.

“Cảm xúc của con người cực kì quan trọng, thế nhưng trong cuộc sống, cha mẹ thường ít khi hoặc không quen khen ngợi con, thay vào đó chỉ la mắng! Hãy để cho đứa trẻ yêu mà làm, hiểu mà làm chứ không phải sợ mà làm!”.

Tiến sĩ Lê Nguyên Phương cảnh báo: “Chọn sự sợ hãi để làm động lực cho trẻ vâng lời chúng ta thì chúng ta đã vô tình làm thương tổn, chấn thương tinh thần của các em. Nếu chúng ta dạy cho các em sự nghi kị đối với tất cả những người lạ thì đứa trẻ khi lớn lên không có khả năng giao tiếp trong việc làm”.

Để bảo vệ trẻ trước những mối nguy hại, bố mẹ cần tạo nên sự tương tác, mối liên hệ mật thiết với xã hội và chính quyền để tìm ra những giải pháp hợp lý.

Trong gia đình, bố mẹ cần xây dựng quy tắc, nội quy sinh hoạt và sinh hoạt ở học đường cho trẻ. Tạo nên nhóm các gia đình hỗ trợ nhau, các bà mẹ có thể thay phiên nhau chăm sóc chơi đùa với trẻ để bảo đảm cho trẻ có một môi trường học và chơi lành mạnh, an toàn; luôn có một mối liên hệ tốt với cảnh sát khu vực để nhờ họ hỗ trợ khi cần thiết. Và trên hết, bố mẹ hãy dành thời gian, kiên nhẫn giải thích cho trẻ những điều đúng, sai để thuyết phục trẻ tự nguyện nghe lời thay vì sử dụng biện pháp hù dọa cực đoan.

Giáo dục con trong thế giới đang thay đổi ảnh 1 
“Lòng vị tha là một phần bản chất của con người qua tiến hóa và có gốc rễ trong cấu trúc sinh học của tất cả chúng ta, đặc biệt là bộ não. Nó là nền tảng của một thân thể khỏe mạnh và động lực cho sự sinh tồn của nhân loại”. TS Lê Nguyên Phương

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ