Hồng Kông (Trung Quốc): Trẻ em dễ bị tổn thương tâm lý

GD&TĐ - Hiện tại, không ít trẻ em tại Hồng Kông rơi vào tình trạng căng thẳng nghiêm trọng. Các chuyên gia tâm lý cho biết, phụ huynh và nhà trường cần gần gũi hơn với các em, giúp trẻ cảm thấy được an toàn.

Nhiều trẻ em Hồng Kông gặp ác mộng
Nhiều trẻ em Hồng Kông gặp ác mộng

Căng thẳng do tình trạng bất ổn

Đối với Russell (14 tuổi) và Sophie (12 tuổi), các kỳ thi và dự án tại trường học là những yếu tố chính dẫn đến tình trạng căng thẳng. Không chỉ riêng hai em, phần lớn trẻ em Hồng Kông đều cảm thấy lo lắng và sợ hãi về việc học cũng như thi cử.

Một nghiên cứu do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) thực hiện dựa trên 540.000 SV đến từ 72 quốc gia và nền kinh tế cho thấy, hầu hết thanh thiếu niên hài lòng với cuộc sống của họ.

Tuy nhiên, việc học ở trường là một trong những tác nhân gây căng thẳng và lo lắng lớn nhất đối với người học. Kết quả được công bố vào năm 2017 cho thấy, 59% SV thừa nhận thường lo lắng rằng, việc làm bài kiểm tra sẽ khó khăn, trong khi 66% người cho biết cảm thấy căng thẳng nếu bị điểm kém.

Khoảng 55% người tham gia khẳng định, họ vẫn vô cùng lo lắng về bài kiểm tra ngay cả khi đã chuẩn bị kỹ lưỡng. Cuộc khảo sát cũng cho biết, bắt nạt là một nguyên nhân gây căng thẳng cho trẻ em, với khoảng 4% HS báo cáo bị đánh hoặc xô ngã ít nhất vài lần một tháng.

Tại Hồng Kông, trẻ em là những người chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng bất ổn chính trị - xã hội. Nhà tâm lý học, Tiến sĩ Adrian Low Eng-ken là người đã được chỉ định để giúp đỡ những trẻ em bị căng thẳng và tổn thương tâm lý do các cuộc biểu tình chống chính phủ gây ra.

TS Low đã nêu ra một số triệu chứng ở những người trẻ tuổi như bỏ học và bất cần, muốn ở một mình, hung hăng, ủ rũ, lạm dụng ma túy/rượu, và không có khả năng đối phó với các vấn đề.

“Nhiều người trẻ gặp ác mộng về các cuộc biểu tình. Họ nói với tôi rằng, hình ảnh các cuộc biểu tình xuất hiện trong giấc mơ của họ. Thậm chí, họ thường nghĩ về những sự kiện này ngay cả khi đang tham gia các hoạt động khác vào ban ngày.

Nhiều người lo sợ sẽ trở thành nạn nhân của bạo lực. Mặc dù lo lắng về những sự kiện này, những đứa trẻ vẫn muốn theo dõi tình hình thông qua TV”, TS Low chia sẻ.

Bên cạnh đó, các vấn đề xảy ra ở nhà cũng có thể là tác nhân gây căng thẳng ở trẻ. Những em nhỏ có cha mẹ ly hôn hoặc có cuộc sống gia đình khó khăn thường cảm thấy bị lấn át bởi sự lo lắng.

Phát biểu về vấn đề này, TS Lim Boon Leng thuộc Trung tâm chăm sóc sức khỏe tâm lý Dr BL Lim (Singapore) cho biết: “Một số trẻ em dễ bị căng thẳng hơn các bạn đồng trang lứa. Đó là những đứa trẻ bị lạm dụng trong thời gian dài hoặc thường xuyên căng thẳng, không có cuộc sống gia đình ổn định hoặc mắc các vấn đề về sức khỏe tâm thần”.

Vai trò quan trọng của cha mẹ

Cũng theo TS Lim, hầu hết trẻ em và thanh thiếu niên cảm thấy khó khăn khi chia sẻ với cha mẹ hoặc giáo viên của mình về việc họ bị căng thẳng.

Thay vào đó, các em thường phàn nàn về chuyện phải đi học, dễ dàng bị lo lắng, khóc nhiều hơn hoặc thường xuyên cáu gắt. Nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng, khi cha mẹ hỗ trợ con cái, trẻ sẽ có xu hướng cảm thấy bớt lo lắng hơn và có khả năng kiểm soát căng thẳng tốt hơn.

Theo báo cáo sức khỏe HS của OECD, 22% - 39% trẻ cảm thấy hài lòng với cuộc sống là những người có bố mẹ thường dành thời gian trò chuyện, ăn cùng và chia sẻ về những việc xảy ra ở trường. Ngoài ra, báo cáo cũng cho biết, những HS hạnh phúc hơn cũng là những người có mối quan hệ tốt với giáo viên của họ.

“Bạn nên nói chuyện với con về cách xử lý căng thẳng thay vì chỉ bảo chúng chấp nhận điều đó. Nhiều đứa trẻ không mở lòng với cha mẹ vì chúng nghĩ phụ huynh không hiểu những gì con cái đang phải trải qua, hoặc không muốn lắng nghe con trẻ.

Nhưng nếu bạn nỗ lực xây dựng mối quan hệ gắn bó với con cái, trẻ sẽ tìm đến bạn để xin lời khuyên nếu đang bị căng thẳng. Khi họ nói chuyện, hãy đồng cảm và lắng nghe để trẻ cảm thấy được thấu hiểu”, TS Lim nói.

Chia sẻ với truyền thông, bà June Lim - một vị phụ huynh khẳng định, do biết được căng thẳng có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe tâm lý nghiêm trọng, bà thường dành thời gian trò chuyện với con mình.

“Tôi thường xuyên quan tâm con, đặc biệt là trong thời gian thi cử hoặc khi bọn trẻ có dự án nào đó. Kể từ khi con trai tôi bắt đầu học THCS, tôi đặc biệt chú trọng tới con để bảo đảm rằng, thằng bé vẫn ổn”, bà June Lim cho biết.

Cũng theo bà June Lim, ngay từ khi các con học tiểu học, bà đã chia sẻ với con về mối liên hệ giữa căng thẳng trong học tập và khả năng gia tăng nguy cơ tự tử. “Tôi luôn nhắc nhở bọn trẻ cố gắng hết sức và nói với các con rằng, tự tử không phải là một lựa chọn”, bà June Lime cho hay.

TS Low nhận định, trẻ em tại Hồng Kông đang là những người dễ bị tổn thương tâm lý bởi bạo lực. Do đó, theo TS Low, để giúp đỡ những đứa trẻ bị ảnh hưởng do bất ổn chính trị, phụ huynh và giáo viên cần có những hành động giúp các em cảm thấy an toàn về mặt cảm xúc. Ngoài ra, các bậc phụ huynh và giáo viên không nên đề cập tới tình hình chính trị khi trẻ về nhà hoặc tới trường.

“Thay vào đó, hãy chú trọng vào việc xây dựng mối quan hệ gia đình gần gũi, gắn bó hơn”, TS Low nói.

Theo SCMP

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ