Giúp sinh viên hình thành thái độ tích cực
Theo TS Nguyễn Thị Thúy – Học viện Chính trị Công an Nhân dân, kiểm tra, đánh giá là một khâu quan trọng trong việc đánh giá kết quả học tập của sinh viên. Do đó giảng viên phải thường xuyên kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của sinh viên.
Tiến sỹ Nguyễn Thị Thúy cho rằng, việc giảng viên thường xuyên kiểm tra, đánh giá nhằm công khai nhận định về năng lực và kết quả học tập của mỗi sinh viên cũng như tập thể lớp, tạo cơ hội cho sinh viên phát triển kỹ năng tự đánh giá, giúp sinh viên nhận ra sự tiến bộ của mình, khuyến khích động viên việc học tập.
Mặt khác, giúp sinh viên hình thành thái độ, ý thức tích cực, có tinh thần trách nhiệm cao trong học tập, có ý chí vươn lên để đạt được kết quả cao hơn trong học tập. Đồng thời củng cố niềm tin vào khả năng của mình, nâng cao ý thức tự giác trong học tập.
Việc kiểm tra đánh giá để sinh viên thấy mình đã tiếp thu điều vừa học đến mức độ nào, còn thiếu sót phần nào để kịp thời bổ sung, điều chỉnh, hoàn thiện.
Bên cạnh đó, giảng viên cần biết động viên khích lệ, ghi nhận kịp thời thành tích của sinh viên, giúp sinh viên hoàn thành tốt các nhiệm vụ trong học tập.
Đây là việc làm cần thiết trong quá trình học tập, việc động viên sẽ giúp cho sinh viên yên tâm hơn và có bản lĩnh vượt qua khó khăn, thách thức, không bị nản chí chùn bước.
Đồng thời, khích lệ để giúp sinh viên có tinh thần học tập một cách tích cực và cao nhất. Mặt khác nó sẽ là “đòn bẩy”, kích thích bản thân sinh viên hăng say hoạt động, phát triển tài năng của mình trong quá trình học tập.
Giúp sinh viên tự học, tự nghiên cứu. Ảnh: minh họa/internet |
Giúp sinh viên làm chủ nghề nghiệp trong tương lai
Cùng với các giải pháp trên, giảng viên cần điều chỉnh phương phảp giảng dạy theo hướng tăng cường tự học, tự nghiên cứu.
Theo tiến sỹ Nguyễn Thị Thúy, hiện nay phương pháp nghiên cứu của giảng viên nhằm hướng vào phát huy tính tích cực sáng tạo của người học, để họ có thể từ những tri thức, kỹ năng, kỹ xảo được truyền thụ mà chuyển hoá phát triển thành của riêng họ, giúp họ làm chủ nghề nghiệp trong tương lai và thực hiện một cách sáng tạo trong hoạt động thực tiễn.
Hệ thống các phương pháp cũ truyền thống như: giảng giải, một chiều, nặng nề về lý thuyết, áp dặt, bắt buộc người học phải tuân theo những chân lý có sẵn đã không còn phù hợp với yêu cầu giáo dục và đào tạo đại học hiện nay; bởi nó không huy động được mọi năng lực tiềm ẩn của người học, thậm chí hạn chế năng lực tư duy của sinh viên đại học nói chung.
Do đó, giảng viên với vai trò tổ chức điều khiển hoạt động học tập, tự học của sinh viên cần tác động thúc đẩy họ tự định huớng, tự điều khiển, tự chiếm lĩnh tri thức và thực hiện các hoạt động học tập.
Mặt khác, động viên người học không ngừng tìm tòi, sáng tạo, khám phá và tự phát hiện tri thức mới, loại bỏ sự bắt chước, dập khuôn, máy móc trong hoạt động học tập cũng như hoạt động thực tiễn, bởi nếu chỉ bắt chước không có tinh thần phê phán mà đem dập khuôn kinh nghiệm đó vào thực tiễn thì đó là sai lầm nghiêm trọng.
Đối với bất cứ vấn đề gì nên đặt câu hỏi: Vì sao đều phải suy nghĩ kỹ càng xem nó có hợp với thực tế hay không, có thật đúng lý không. Do vậy giảng viên cũng cần tiếp tục giảng dạy theo hướng tăng cường tự học, tự nghiên cứu, để sinh viên hình thành cho bản thân ý thức tự học.